Thứ Hai, 23/12/2024
Hà Nội: Tạo động lực cho đồng bào dân tộc thiểu số

 Người dân xã Tòng Bạt (huyện Ba Vì) chăn nuôi bò lai 3B phát triển kinh tế

Hà Nội đã cụ thể hóa Nghị quyết số 24-NQ/TƯ về công tác dân tộc bằng các nghị quyết; chương trình, kế hoạch dài hạn, hằng năm để hỗ trợ, tạo điều kiện cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi phát triển. Hàng nghìn tỷ đồng đã được thành phố và các quận, huyện đầu tư cho các xã miền núi tạo nên những đổi thay kỳ diệu.

Tập trung nhiều nguồn lực

Những năm qua, quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn Thủ đô luôn được Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội quan tâm chỉ đạo thực hiện hiệu quả. Bên cạnh chính sách của Trung ương, thành phố còn ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển toàn diện kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi của Thủ đô. Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở, việc thực hiện các chính sách dân tộc đã tạo nên chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội, từng bước làm thay đổi diện mạo nông thôn miền núi, cải thiện và nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số. 

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu khẳng định, các chủ trương về công tác dân tộc của Trung ương được thành phố đã được triển khai thực hiện nghiêm túc và hiệu quả. Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU về “Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi của Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2015”; UBND thành phố ban hành Kế hoạch số 166/KH-UBND về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi của Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2013-2015, Kế hoạch số 138/KH-UBND về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi của Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016-2020.

Thành phố đầu tư 2.324 tỷ đồng cho 7 lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi theo hướng bền vững. Chỉ riêng năm 2017, đã hỗ trợ trực tiếp về y tế, giáo dục, cấp thẻ bảo hiểm y tế, trợ giá… cho bà con vùng dân tộc thiểu số miền núi gần 15,5 tỷ đồng; cho vay phát triển kinh tế gần 67 tỷ đồng. Hai năm qua, các quận nội thành đã hỗ trợ xây 46 nhà văn hóa thôn trị giá hơn 92 tỷ đồng, giúp đồng bào dân tộc thiểu số miền núi nâng cao chất lượng sinh hoạt cộng đồng…

Đến nay, 100% xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi có đường ô tô đến trụ sở UBND xã, hơn 60% đường trục thôn được bê tông hóa; 100% hộ dân được sử dụng điện sinh hoạt và từng bước đáp ứng yêu cầu sản xuất; 100% số xã đã có điểm bưu điện, 100% các thôn có đường dây điện thoại, mạng lưới internet đến từng thôn, đáp ứng yêu cầu nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho đồng bào các dân tộc...

Đời sống người dân cải thiện rõ rệt

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Chánh Văn phòng UBND - HĐND phụ trách công tác dân tộc huyện Quốc Oai cho biết, bám sát chỉ đạo của thành phố, các phòng, ban, ngành, đoàn thể của huyện đã triển khai đồng bộ, hiệu quả và kịp thời các chính sách dân tộc. Đến nay, tốc độ phát triển kinh tế của hai xã miền núi trên địa bàn huyện (Đông Xuân và Phú Mãn) đạt hơn 15%/năm, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 40 triệu đồng/năm. Đặc biệt, cả hai xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2016, đời sống người dân cải thiện rõ rệt.

Tại huyện Ba Vì, nơi tập trung đông dân tộc thiểu số sinh sống, tốc độ phát triển kinh tế-xã hội còn rõ nét hơn. Nói về những đổi thay trên quê hương, ông Đinh Văn Nho, người có uy tín thôn Khánh Chúc Đồi (xã Khánh Thượng) phấn khởi cho biết, trong 10 năm gần đây, với nhiều chính sách quan tâm đặc biệt của thành phố và huyện, xã, diện mạo địa phương đã thực sự khởi sắc. Cơ sở hạ tầng về điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa… thay đổi hoàn toàn. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 47% (năm 2006) xuống còn 10,6% (năm 2017) theo chuẩn nghèo mới của thành phố (cao hơn chuẩn nghèo cả nước).

Ông Đặng Tiến Hữu, Phó Trưởng phòng Dân tộc huyện Ba Vì khẳng định, tại 7 xã miền núi, hệ thống điện, đường, trường, trạm đã hoàn thiện đồng bộ, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân. Tại 7 xã đã hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung, với 375 mô hình cho hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, mô hình trồng rau ở xã Chu Minh cho thu nhập 300 triệu đồng/ha, nuôi thỏ tại xã Cẩm Lĩnh đạt doanh thu hơn một tỷ đồng/năm, nuôi cá ở Phú Đông thu nhập 850 triệu đồng/năm; các mô hình trồng chè sạch, an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP ở Ba Trại, Yên Bài, chăn nuôi bò sữa ở xã Tản Lĩnh, Vân Hòa, Yên Bài… cũng cho thu nhập khá cao. Đời sống đồng bào dân tộc thiểu số ngày một được cải thiện, số hộ nghèo giảm rõ rệt. 

Trưởng ban Dân tộc thành phố Nguyễn Tất Vinh khẳng định, những nguồn lực đầu tư cho vùng dân tộc thiểu số miền núi của thành phố đã tạo ra sự thay đổi diệu kỳ. Tốc độ phát triển kinh tế - xã hội các xã vùng dân tộc thiểu số bình quân hằng năm đạt hơn 12%, thu nhập bình quân đạt 29 triệu đồng/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Đặc biệt, công tác giảm nghèo được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Đến nay vùng dân tộc thiểu số miền núi của thành phố không còn thôn, xã đặc biệt khó khăn, trong đó có 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới. 

Những chính sách dân tộc của trung ương; thành phố đi vào cuộc sống, tạo những thành tựu nổi bật trên tất cả các mặt: Hạ tầng xã hội; y tế, giáo dục, văn hóa; nhiều giá trị văn hóa được phục hồi và phát huy; an ninh trật tự bảo đảm, không có tổ chức Đảng yếu kém. Qua đó, góp phần đổi thay hoàn toàn diện mạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi của Thủ đô. 

Nguồn: hanoimoi.com.vn, 6/4/2018

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi