Chủ Nhật, 26/1/2025
Kiên Giang tăng cường nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào Khmer

 Thi công xây dựng bờ kè ở xã đảo Tiên Hải (Kiên Giang)

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Kiên Giang Đặng Tuyết Em nhấn mạnh: Tỉnh tập trung xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường nguồn lực chăm lo phát triển toàn diện kinh tế - xã hội trong vùng đồng bào dân tộc Khmer từng bước giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo chuyển biến rõ nét ở vùng đồng bào dân tộc Khmer.

Tỉnh Kiên Giang tiếp tục tuyên truyền, quán triệt và nâng cao nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng và hệ thống chính trị về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với đồng bào dân tộc Khmer; tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, từng bước giảm nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc Khmer. Cụ thể là tỉnh huy động mọi nguồn lực thực hiện các đề án phát triển toàn diện kinh tế - xã hội các xã biên giới, nhất là vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Bên cạnh đó, tỉnh đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp, thích ứng biến đổi khí hậu; quan tâm giải quyết vấn đề đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của đồng bào dân tộc Khmer. Kiên Giang cũng thực hiện có hiệu quả xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc Khmer từ 1,5 - 2%/năm, đến năm 2020 giảm còn dưới 8% và giảm dần xã đặc biệt khó khăn.

Cùng với đó, tỉnh Kiên Giang đẩy mạnh đầu tư phát triển văn hóa - xã hội ở vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer, thực hiện tốt các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số về văn hóa - xã hội. Phấn đấu đến năm 2020, Kiên Giang cơ bản xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc Khmer, giảm thiểu tỷ lệ trẻ em bỏ học ở các cấp, nâng cao chất lượng dạy và học ở các trường dân tộc nội trú, hỗ trợ dạy và học chữ Khmer gắn với bảo tồn, phát huy tiếng nói, chữ viết của đồng bào dân tộc Khmer. Tỉnh đầu tư nâng cao chất lượng các cơ sở y tế, nhất là trạm y tế xã, đội ngũ y sĩ, bác sĩ, y tá là người dân tộc Khmer.

Tiếp đến, tỉnh tập trung đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở, quan tâm công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Khmer, duy trì phát triển các lễ hội văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc; quan tâm bảo vệ di sản văn hóa chùa chiền dân tộc Khmer kết hợp đầu tư xây dựng nhà văn hóa vùng đồng bào dân tộc.

Tỉnh Kiên Giang thực hiện tốt công tác vận động quần chúng, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong vùng đồng bào dân tộc Khmer; xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt là người dân tộc Khmer. Tỉnh đặc biệt đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào dân tộc Khmer, an ninh biên giới.

Ông Danh Ngọc Hùng, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang cho biết: kinh tế - xã hội, đời sống đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh tiếp tục ổn định và có bước nâng lên. Đồng bào an tâm lao động sản xuất, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Các chương trình, dự án, chính sách dân tộc được triển khai thực hiện khá hiệu quả; các chính sách an sinh xã hội được quan tâm; thực hiện tốt chính sách hỗ trợ cho các hộ nghèo, gia đình chính sách, người có uy tín, các chức sắc là người dân tộc trong dịp lễ, tết của đồng bào các dân tộc thiểu số. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số ổn định; khối đại đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục được giữ vững và phát huy.

Năm 2017, tỉnh hỗ trợ hơn 10 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng các xã chương trình 135; dành gần 3 tỷ đồng để hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo. Kiên Giang đầu tư xây dựng các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung cho đồng bào dân tộc thiểu số hơn 62 tỷ đồng. Năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo là người dân tộc thiểu số còn 10,5%, giảm 3,3% so với năm 2016. Hộ nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn còn hơn 16% giảm 4,1% so với năm 2016.

Cùng với đó, UBND tỉnh Kiên Giang phê duyệt Đề án thực hiện Quyết định số 2085/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017 - 2020 trên địa bàn tỉnh, với kinh phí hỗ trợ để thực hiện các chính sách trên 135 tỷ đồng./.

Nguồn: dantocmiennui.vn, ngày18/4/2018

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi