Thứ Bảy, 25/1/2025
Ưu tiên đào tạo và sử dụng cán bộ người dân tộc thiểu số

 Trưởng Ban Công tác mặt trận thôn Khe Tiền (xã Đồng Văn, Bình Liêu)
tìm hiểu cuộc sống của bà con trong thôn

Thực hiện nội dung này, các cấp ủy, chính quyền trong toàn tỉnh đã triển khai những giải pháp thiết thực, có tính khả thi cao nhằm kịp thời tăng cường số lượng và chất lượng cán bộ đồng bào dân tộc thiểu số, khắc phục những hạn chế, yếu kém trong công tác này.

5 năm qua, công tác quy hoạch, đào tạo và bố trí cán bộ người dân tộc thiểu số luôn được các cấp ủy, chính quyền quan tâm và thực hiện theo nguyên tắc tập trung, dân chủ, khách quan và công khai. Cơ chế ưu tiên, tạo động lực đã khuyến khích người có trình độ, năng lực phấn đấu, góp phần đổi mới công táccán bộ và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số. Đội ngũ này đã dần khẳng định vai trò nòng cốt, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, chính trị, trật tự xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh.

Trong giai đoạn 2010 – 2015, cán bộ dân tộc thiểu số quy hoạch ban chấp hành, ban thường vụ, chức danh chủ chốt cấp xã là 17,19%; quy hoạch ban chấp hành, ban thường vụ, chức danh chủ chốt cấp huyện là 10,01%; riêng quy hoạch ban chấp hành, ban thường vụ chức danh chủ chốt cấp tỉnh chỉ có 2 chiếm 1,89% (năm 2012 rà soát, bổ sung quy hoạch tăng tỷ lệ cán bộ dân tộc thiểu số giai đoạn 2010 - 2015 lên 4,27%). Giai đoạn 2015 – 2020, đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số nằm trong quy hoạch có tỷ lệ cao hơn: Quy hoạch ban chấp hành, ban thường vụ chức danh chủ chốt cấp xã là 18,13% (tăng 0,94%), quy hoạch ban chấp hành, ban thường vụ chức danh chủ chốt cấp huyện là 13,43% (tăng 3,42%), chức danh ủy viên ban chấp hành đảng bộ tỉnh là 7,9% (tăng 3,63% so với thời điểm rà soát, bổ sung quy hoạch năm 2012 và tăng 6,01% so với thời điểm quy hoạch năm 2010), chức danh ủy viên ban thường vụ tỉnh ủy là 13,95% (tăng 9,68% so với quy hoạch giai đoạn 2010 - 2015).

Riêng về công tác đào tạo, bồi dưỡng, tỉnh đã quan tâm ban hành, thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo cán bộ dân tộc thiểu số, cán bộ công tác các xã đặc biệt khó khăn về lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ và các kỹ năng khác để đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều cán bộ người dân tộc thiểu số có trình độ đại học, thạc sỹ, cao cấp lý luận chính trị và tương đương. Trong đó, tỷ lệ cán bộ người dân tộc thiểu số có trình độ tiến sỹ, thạc sỹ là 17/771 người (2%), cử nhân là 141/2.019 người (7%), trình độ chính trị cao cấp, cử nhân là 36/698 (5%)... Cùng với đó, 100% thôn, bản vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh có chi bộ Đảng, có đảng viên người dân tộc thiểu số; số chi bộ thôn, bản được thành lập đảm bảo nguyên tắc và phù hợp với yêu cầu thực tiễn sinh hoạt Đảng của đảng viên. Các chính sách đãi ngộ thu hút, luân chuyển cán bộ về công tác tại các xã khu vực III, công tác phát triển đảng viên ở các thôn, bản vùng dân tộc, miền núi được quan tâm thực hiện theo đúng quy định.

Việc bố trí sử dụng cán bộ người dân tộc thiểu số cũng được tỉnh và các địa phương quan tâm, chú trọng. Tính đến 31/12/2016, tổng số cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số toàn tỉnh là 3.498 người (chiếm 12,19% so với tổng số cán bộ, công chức, viên chức toàn tỉnh), trong đó cấp tỉnh 875/8.521 người (10,27%), cấp huyện 1.897/16.488 người (11,50%), cấp xã 726/3.667 người (19,80%).

Tỷ lệ cán bộ người dân tộc thiểu số tham gia cấp ủy, lãnh đạo chủ chốt các cấp ngày càng nhiều hơn. Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, cấp tỉnh đã có 1 đồng chí là người dân tộc thiểu số tham gia ban chấp hành đảng bộ tỉnh (1,79%).  Hiện nay ở cấp tỉnh có 4 người giữ cương vị cấp phó giám đốc sở, ngành; cấp huyện có 33 cán bộ dân tộc thiểu số tham gia ban chấp hành đảng bộ cấp huyện, 1 người giữ chức vụ bí thư huyện ủy, 2 người là phó bí thư huyện ủy - chủ tịch UBND huyện, 5 người là phó chủ tịch HĐND, 2 người là phó chủ tịch UBND; cấp xã có 373 cán bộ dân tộc thiểu số tham gia ban chấp hành đảng bộ cấp xã (chiếm 15,94%), 31 người là bí thư đảng ủy xã, 41 người là phó bí thư, 12 người là chủ tịch HĐND, 35 người là phó chủ tịch HĐND, 17 người là chủ tịch UBND, 46 người là phó chủ tịch UBND.

Bằng việc ưu tiên, thực hiện các chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số, tỉnh đã giúp cho đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số yên tâm công tác, có những đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở địa phương./.

Nguồn: baoquangninh.com.vn, ngày 24/4/2018

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi