Thứ Hai, 23/12/2024
Làm tốt công tác dân tộc; công tác dân vận vùng đồng bào DTTS: Nền tảng để giữ yên bản làng, phát triển kinh tế

 Đồng chí Chẩu Văn Lâm, Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang tặng quà
nạn nhân chất độc da cam huyện Lâm Bình Tết Mậu Tuất 2018

Đặc biệt, với sự phối hợp chặt chẽ giữa công tác dân tộc và công tác tôn giáo, đời sống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn ngày càng được nâng lên; quốc phòng-an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Đồng chí  Chẩu Xuân Oanh, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Tuyên Quang cho biết, tỉnh có 22 dân tộc anh em sinh sống. Trong đó, dân tộc Kinh chiếm 48,2% dân số, dân tộc Tày chiếm 25,4%, dân tộc Dao chiếm 11,4%, dân tộc Sán Chay chiếm 8%, dân tộc Mông chiếm 2,2%,… Đời sống của đồng bào DTTS trên địa bàn hiện đã được nâng lên hơn trước, nhưng cơ bản vẫn còn rất khó khăn, nhất là dân cư sinh sống tại 54 xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa của tỉnh.

Những năm qua, từ các chương trình, dự án đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, bộ mặt nông thôn, miền núi vùng DTTS của tỉnh đã có những thay đổi tích cực. Đặc biệt, từ nguồn vốn Chương trình 135, các xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa của tỉnh đã được đầu tư các công trình hạ tầng thiết yếu, tạo điều kiện cho bà con phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần.

Chỉ tính năm 2017, tỉnh đã được bố trí 87,6 tỷ đồng từ Chương trình 135 để xây dựng hơn 200 công trình (40 công trình bổ sung vốn thiếu, 167 công trình xây mới). Ngoài ra, Chương trình cũng phân bổ hơn 1,3 tỷ đồng để hỗ trợ phát triển sản xuất;… Tổng nguồn vốn Chương trình 135 năm 2017 bố trí cho Tuyên Quang là hơn 117,7 tỷ đồng.

“Bên cạnh đó, nguồn vốn từ Chương trình 30a cũng giúp nhiều địa bàn nghèo của tỉnh. Năm 2018, tỉnh có thêm một huyện đưa vào danh sách các huyện nghèo giai đoạn 2018-2020, nâng tổng số huyện nghèo của tỉnh lên thành 2 đơn vị gồm Na Hang và Lâm Bình”, ông Oanh cho biết.

Cùng với việc đầu tư phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS, các cấp, ngành, địa phương của Tuyên Quang cũng quan tâm nâng cao đời sống tinh thần của bà con. Bên cạnh việc tăng cường bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống thì Tuyên Quang cũng chú trọng chăm lo đời sống tinh thần, tín ngưỡng của đồng bào các DTTS trên địa bàn.

Theo đồng chí Lê Văn Quốc, Phó Trưởng ban Dân vận tỉnh Tuyên Quang, trên địa bàn có 3 tôn giáo lớn: Phật giáo, Công giáo và đạo Tin lành. Trong đó, toàn tỉnh có 14.377 người theo Phật giáo (94 phật tử là người DTTS); 25.976 người theo Công giáo (336 tín đồ là người DTTS); 8.137 tín đồ theo Tin lành, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông.

“Hoạt động, sinh hoạt của các tổ chức tôn giáo trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định, chưa xảy ra các vụ việc phức tạp, điểm nóng về an ninh trật tự. Đây là kết quả của việc tăng cường phối hợp giữa công tác tôn giáo và thực hiện có hiệu quả chính sách dân tộc”, đồng chí  Quốc cho biết.

Tuy nhiên, đồng chí  Quốc cũng chia sẻ hoạt động tôn giáo trên địa bàn vẫn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp, nhất là hoạt động của một số hiện tượng tôn giáo mới (đạo lạ) như: Nhóm “Văn hóa tâm linh vô sản Hồ Chí Minh”, nhóm “Long Hoa Di Lặc”, nhóm “Giáo hội Lạc Hồng”, tổ chức Dương Văn Mình,… Đặc biệt, từ tháng 5/2016, trên địa bàn xuất hiện đạo lạ tự xưng là “Hội Thánh của Đức Chúa trời”; một số đối tượng đến TP. Tuyên Quang và huyện Chiêm Hóa tuyên truyền, lôi kéo người dân tham gia.

Liên quan đến công tác tôn giáo trên địa bàn, phóng viên đã có cuộc trao đổi với đồng chí  Chẩu Văn Lâm, Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang. Đồng chí   Lâm cho biết, Tuyên Quang luôn quan tâm chăm lo đời sống tín ngưỡng của người dân, nhất là đồng bào DTTS. Đặc biệt, đối với những hiện tượng tôn giáo mới, các cấp ngành, địa phương đều thường xuyên nắm tình hình để vừa thực hiện tốt chủ trương tự do tín ngưỡng, vừa kịp thời tuyên truyền, vận động người dân không lầm đường lạc lối trước những “đạo lạ”.

“Để tuyên truyền, vận động người dân, Tuyên Quang thực hiện phương châm mưa dầm thấm lâu, làm thay đổi từ trong nhận thức của người dân để bà con tự hành động”, ông Lâm cho biết.

Dẫn trường hợp tổ chức Dương Văn Mình, đồng chí Lâm chia sẻ, để vận động người dân không nghe theo những luận điệu sai trái, chính quyền các địa phương có tổ chức này hoạt động đã thực hiện giải pháp “4 cùng” với bà con: “Cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc”. Phát huy vai trò của các bản quy ước, hương ước thôn bản, cán bộ “4 cùng” sẽ tuyên truyền để bà con tự nhận ra những hoạt động của tổ chức Dương Văn Mình không có trong quy ước, hương ước để không nghe theo, làm theo.

Được biết, toàn tỉnh Tuyên Quang hiện có 617 hộ/3.525 khẩu đồng bào dân tộc Mông (chiếm 18% dân số là dân tộc Mông toàn tỉnh) theo tổ chức Dương Văn Mình. Bằng nhiều giải pháp, nhất là thực hiện phương châm từ nhận thức đúng để hành động đúng, trên địa bàn chưa xảy ra các vụ việc phức tạp lớn, điểm nóng về an ninh trật tự. Cùng với việc thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc, vùng đồng bào DTTS tỉnh Tuyên Quang đang ngày càng đổi thay tích cực, cả trên phương diện kinh tế-xã hội lẫn quốc phòng-an ninh, trật tự an toàn xã hội./.

Nguồn: baodantoc.com.vn, ngày 02/5/2018

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi