Huyện Nho Quan (Ninh Bình) có gần 7.500 hộ dân tộc thiểu số, với hơn 25.500 nhân khẩu, chiếm 17,2% dân số toàn huyện, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mường. Theo Quyết định 161/QĐ-UBND ngày 16/1/2018 của UBND tỉnh, số người có uy tín trên địa bàn huyện là 57 người, tất cả đều là đồng bào dân tộc Mường.
Theo đồng chí Đinh Văn Trang, Phó Chủ tịch UBND huyện Nho Quan: Có thể khẳng định, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số huyện Nho Quan thực sự là cầu nối quan trọng của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc tuyên truyền, vận động, tổ chức đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham gia phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng- an ninh và giữ gìn khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng dân tộc thiểu số thời gian qua.
Những người có uy tín đã gương mẫu tham gia các phong trào thi đua yêu nước, thi đua lao động sản xuất, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; các phong trào: Chung sức xây dựng nông thôn mới, Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; Chương trình phát triển kinh tế hộ gia đình, xóa đói, giảm nghèo, cận nghèo, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc... Bên cạnh đó, người có uy tín giữ vai trò quan trọng trong công tác hòa giải ở cơ sở, luôn gương mẫu thực hiện và tích cực tham gia giải quyết các vụ việc tranh chấp, khiếu kiện, mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân và những vụ việc phức tạp về an ninh trật tự tại địa phương; tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, vận động đồng bào không tin, không nghe và không làm theo những luận điệu tuyên truyền của kẻ xấu chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc...
Những người có uy tín tiêu biểu có thể kể đến là ông Đinh Công Khôn ở xã Cúc Phương- người gương mẫu và tích cực vận động bà con trong thôn, bản thực hiện bàn giao mặt bằng đúng tiến độ, trong đó nhiều gia đình đã hiến đất cho Nhà nước để làm đường giao thông nông thôn thực hiện xây dựng nông thôn mới; ông Đinh Công Chữ, ông Bùi Văn Tin ở xã Thạch Bình tích cực vận động đồng bào dân tộc là giáo dân xây dựng xứ đạo, họ đạo tiên tiến, hộ giáo dân gương mẫu; ông Bùi Xuân Cộng, Giám đốc Công ty xây dựng Xuân Hòa- Chủ tịch Hội Doanh nhân huyện Nho Quan là người có nhiều đóng góp thiết thực trên nhiều lĩnh vực cho quê hương...
Cũng theo đồng chí Đinh Văn Trang, Phó Chủ tịch UBND huyện, để phát huy vai trò và sự tích cực của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn huyện luôn quan tâm cung cấp thông tin, hướng dẫn và đề xuất một số nhiệm vụ cho người có uy tín để tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện các chính sách của Đảng và Nhà nước, các phong trào thi đua, cuộc vận động của địa phương. Cụ thể là người có uy tín được cấp uỷ, chính quyền địa phương mời tham dự các buổi phổ biến pháp luật, tham gia giám sát việc thực hiện các chương trình, dự án đầu tư tại địa phương; các hội nghị, các buổi họp dân để tuyên truyền, cung cấp thông tin thời sự về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong năm 2017, UBND huyện đã tổ chức tập huấn chuyên đề, bồi dưỡng kiến thức cho 30 người và cấp miễn phí Chuyên trang “Dân tộc thiểu số và miền núi” trên Báo Nhân Dân (2 kỳ/tuần); chuyên đề “Đoàn kết và phát triển” của Tạp chí Cộng sản (2 kỳ/tháng); Báo Ninh Bình (1 tờ/ngày) cho những người có uy tín trên địa bàn. Nhân các ngày lễ, tết, cấp ủy, chính quyền các cấp tổ chức thăm hỏi, tặng quà; đơn cử năm 2017 cấp ủy, chính quyền các cấp đã tặng 62 suất quà và tiền mặt trị giá gần 30 triệu đồng.
Qua trao đổi với những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số như ông Đinh Công Khôn ở xã Cúc Phương; ông Bùi Xuân Cộng, Giám đốc Công ty xây dựng Xuân Hòa... đều có chung nhận xét: Những việc làm đó của cấp ủy, chính quyền đã tạo điều kiện thuận lợi để người có uy tín tham gia vào các hoạt động của địa phương, qua đó thể hiện vai trò gương mẫu, tiên phong trong việc vận động quần chúng nhân dân tham gia vào phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo an ninh trật tự tại các thôn bản, tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, các chính sách hỗ trợ trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Kết quả bộ mặt nông thôn miền núi có sự thay đổi tích cực; kinh tế từng bước tăng trưởng khá, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh theo từng năm, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào ngày càng được cải thiện, quyền bình đẳng giữa các dân tộc được tôn trọng, khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường.
Xuân Trường