Thứ Hai, 23/12/2024
Lâm Đồng: Tác động tích cực của vốn vay ưu đãi đối với đồng bào dân tộc thiểu số

Chủ trương ưu việt, phương thức linh hoạt

Trong giai đoạn 2007-2017, thực hiện chủ trương về chính sách tín dụng đối với hộ nghèo nói chung và ĐBDTTS nói riêng, tỉnh Lâm Đồng đã thực hiện Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững, hỗ trợ việc làm, vốn sản xuất kinh doanh, học phí, kinh phí xây dựng nguồn nước sạch và vệ sinh môi trường… Đến nay, Lâm Đồng thực hiện đầy đủ 13 chương trình TDCS cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách; trong đó, có 2 chương trình đặc thù cho hộ nghèo ĐBDTTS là cho vay phát triển sản xuất đối với hộ DTTS ĐBKK theo Quyết định 54/QĐ-TTg và cho vay hộ DTTS nghèo theo Quyết định 755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. 

Các chương trình TDCS có đặc thù ưu việt mà không một tổ chức tín dụng nào có là NHCSXH giao vốn trực tiếp đến hộ vay không cần thế chấp tài sản, bằng cách ủy thác cho các tổ chức chính trị - xã hội (Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên), thông qua các Tổ Tiết kiệm và vay vốn (TK&VV). Tổ TK&VV do cộng đồng dân cư tự nguyện thành lập trên địa bàn hành chính của xã, được UBND cấp xã chấp thuận bằng văn bản và thành viên là hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu vay vốn. 147 Điểm giao dịch xã được thành lập tại 147 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh và tổ chức giao dịch theo lịch cố định hằng tháng (kể cả ngày nghỉ, ngày lễ).

Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương và Kế hoạch số 401/QĐ-TTg ngày 14/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ, tạo cơ chế để địa phương ủy thác ngân sách qua NHCSXH. Đến 31/5/2018, tại Lâm Đồng, ngân sách địa phương đã chuyển ủy thác 92.156 triệu đồng, giải quyết giao đất và cho thuê 1.618 m2 nhà, 17.350 m2 đất làm trụ sở tại Hội sở tỉnh và 11 Phòng giao dịch; đồng thời, rà soát lại các chính sách giảm nghèo, nghiên cứu đề xuất một số chính sách mới đối với hộ nghèo là ĐBDTTS, vùng khó khăn và đề xuất bổ sung, sửa đổi một số chính sách cho phù hợp với thực tế, gắn với quy hoạch đất đai, quy hoạch nông thôn mới… 

NHCSXH phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội và chính quyền địa phương hình thành và sắp xếp mạng lưới trên 2.500 Tổ TK&VV theo địa bàn thôn, buôn, tổ dân phố nhận ủy thác thực hiện các nội dung trong quy trình cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, như: phổ biến chính sách, kiểm tra, giám sát quá trình sử dụng vốn vay, đôn đốc người vay trả nợ gốc lãi đúng hạn, chỉ đạo và giám sát hoạt động của các tổ TK&VV, tổ chức họp giao ban, sơ kết, tổng kết, kết hợp hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật sản xuất, khuyến nông, khuyến lâm, thay đổi phương thức sản xuất truyền thống lạc hậu, kém hiệu quả... góp phần tích cực thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. 

Ðầu tư đúng đắn, hiệu quả bền vững

Từ nguồn vốn TDCS và các chương trình khác tại Lâm Đồng trong 10 năm qua, đã có 121.577 lượt hộ ĐBDTTS được vay vốn, với dư nợ đến 31/5/2018 là 852.091 triệu đồng, giúp hơn 11.500 hộ ĐBDTTS thoát nghèo, tạo việc làm và tăng thêm việc làm cho 10.496 lao động; góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo là người DTTS từ 55,14% (2005) xuống còn 11,56% vào cuối năm 2017; tạo điều kiện cho 11.879 lượt học sinh, sinh viên là người DTTS trang trải chi phí học tập, 118 lao động đi làm việc ở nước ngoài, xây dựng trên 22.000 công trình nước sạch và nhà vệ sinh hợp chuẩn tại vùng nông thôn và 2.754 căn nhà... Ngoài ra, từ năm 2011 đến 31/5/2018, Chi nhánh đã cho vay 6.925 triệu đồng/923 hộ nghèo DTTS tại các xã nghèo của tỉnh và 2.873 triệu đồng/86 hộ đồng bào DTTS đi xuất khẩu lao động với tổng số tiền được ngân sách địa phương hỗ trợ lãi suất 1.206 triệu đồng. 

Ông Huỳnh Thanh Lân - Giám đốc NHCSXH Lâm Đồng cho biết: Các chương trình TDCS được bổ sung hằng năm, đa dạng đối tượng thụ hưởng, tác động đa chiều đến cuộc sống của ĐBDTTS, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nói chung và vùng đặc biệt khó khăn, vùng DTTS nói riêng. Đây chính là nguồn lực quan trọng hỗ trợ cho bà con phát triển sản xuất, kinh doanh; làm nhà ở, xóa nhà tạm và cải thiện môi trường sống; giúp con em hộ đồng bào DTTS được bảo đảm việc học tập, cũng như nâng cao trình độ tay nghề... 

Hơn 10 năm qua, bằng sự nỗ lực vươn lên của hộ ĐBDTTS, cùng với sự hỗ trợ của nguồn vốn TDCS từ trung ương đến địa phương, nhiều hộ ĐBDTTS nghèo đã thay đổi căn bản trong tập quán sản xuất, biết tính toán, biết lựa chọn loại hình sản xuất phù hợp với nhu cầu của thị trường, mạnh dạn hơn trong việc ứng dụng giống mới và tiếp cận với các dịch vụ kỹ thuật; cải thiện điều kiện sống, tạo việc làm, tăng thu nhập và có ý thức tiết kiệm, biết tích lũy... góp phần xóa bỏ tệ nạn cho vay nặng lãi, bán non sản phẩm nông nghiệp; ổn định xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế tại vùng ĐBDTTS; khẳng định hoạt động của NHCSXH là một trong những công cụ tài chính hiệu quả, bền vững trong giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Theo Báo Lâm Đồng điện tử 

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi