Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị sản phẩm. Sau hơn 2 năm thực hiện, Chương trình OCOP của tỉnh Hưng Yên đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, là một trong những địa phương tiêu biểu toàn quốc trong thực hiện chương trình OCOP. Chương trình OCOP đã tác động tích cực đến kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động và góp phần phát huy, bảo tồn bản sắc văn hóa địa phương qua từng sản phẩm.
|
Hạt sen, long nhãn là một trong những sản phẩm OCOP chủ lực của tỉnh Hưng Yên |
Mục tiêu của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị. UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng, chính quyền địa phương tập trung hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sản xuất những sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Trên cơ sở đó, các ngành chức năng và địa phương rà soát năng lực của các cơ sở sản xuất trên địa bàn để định hướng tư vấn nâng cấp, hoàn thiện các sản phẩm theo hướng chuẩn hóa chất lượng; quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng; hỗ trợ đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm. Được hỗ trợ, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đã tập trung đầu tư nâng cao chất lượng, hoàn thiện các tiêu chí sản phẩm, nỗ lực cải thiện kỹ năng xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường cho sản phẩm.
Là một trong những đơn vị tiêu biểu trong thực hiện Chương trình OCOP, Công ty TNHH Lai Hoài, xã Hồng Nam (thành phố Hưng Yên) hiện có 2 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP đạt chất lượng 4 sao, đã tạo dựng được tên tuổi trên thị trường với số lượng nhà phân phối, đại lý, cửa hàng bán lẻ mở rộng trên toàn quốc; đồng thời, sản phẩm của công ty cũng đã xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Để có được kết quả đó, trong những năm qua, công ty luôn chú trọng đầu tư công nghệ sản xuất, áp dụng công nghệ cao trong sơ chế, bảo quản và chế biến các sản phẩm hạt sen, long nhãn nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Ông Hà Văn Lai, Giám đốc Công ty TNHH Lai Hoài cho biết: Chương trình OCOP thực sự là cơ hội tốt để quảng bá nông sản địa phương. Kể từ khi sản phẩm hạt sen, long nhãn của công ty được chứng nhận OCOP, việc sản xuất, kinh doanh của công ty có nhiều thuận lợi hơn trước đây với số lượng khách hàng ngày một tăng.
Sau 2 năm tham gia Chương trình OCOP, Công ty TNHH Hoàng Minh Châu Hưng Yên, xã Chí Tân (Khoái Châu) đã có 2 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP đạt chất lượng 4 sao là tinh bột nghệ và bột nghệ, một sản phẩm tiềm năng đề nghị nâng hạng lên 5 sao là sản phẩm Nano Curcumin. Việc được chứng nhận sản phẩm OCOP là dấu mốc quan trọng, giúp sản phẩm của công ty nâng cao uy tín trên thị trường. Phát huy lợi thế đó, thời gian qua, bên cạnh việc đầu tư máy móc, nâng cao chất lượng sản phẩm, Công ty TNHH Hoàng Minh Châu Hưng Yên không ngừng thúc đẩy quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường. Ông Hoàng Quang Đông, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Minh Châu Hưng Yên cho biết: Chương trình OCOP đã mang lại những giá trị tích cực góp phần nâng tầm thương hiệu sản phẩm công ty. Hiện nay, sản phẩm của công ty đã xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và một số nước châu Âu. Để giữ vững thị trường, trong thời gian tới, công ty tiếp tục đầu tư công nghệ, máy móc để nâng cao chất lượng sản phẩm.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 52 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, đạt hạng 3 - 4 sao . Theo đánh giá của cơ quan chức năng, sản phẩm OCOP có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, uy tín trên thị trường tiêu dùng của tỉnh và khu vực lân cận. Các sản phẩm OCOP đều được hoàn thiện tiêu chuẩn chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, nhãn hiệu tập thể, đăng ký mã QR... nên đã tạo được sự tin tưởng của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Thời gian qua, những hỗ trợ của tỉnh trong việc quảng bá, xúc tiến thương mại đã trở thành trợ lực rất lớn trong chặng đường tạo dựng chỗ đứng trên thị trường của các sản phẩm OCOP.
Đồng chí Lê Văn Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên cho biết: Thời gian tới, ngành chức năng và các địa phương cần tiếp tục tuyên truyền, hỗ trợ các chủ thể khai thác, nâng cấp các sản phẩm; đồng thời có phương án hỗ trợ người dân mở rộng sản xuất khi sản phẩm đã chiếm lĩnh được thị trường tiêu dùng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất tham gia Chương trình OCOP cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến, nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã sản phẩm OCOP.
(bạohungyen.vn)