Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) được triển khai từ năm 2018. Đến nay, tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức đánh giá và xếp hạng sản phẩm (SP) OCOP, với 86 SP. Để tham gia OCOP, những SP đặc sản, thế mạnh của tỉnh như: dừa, trái cây đã được các chủ thể sản xuất đầu tư phát triển. Qua đó, thúc đẩy mạnh mẽ tốc độ phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn.
Đầu tư sản phẩm
Chương trình OCOP, với trọng tâm là phát triển SP có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, gồm 6 ngành hàng: thực phẩm, đồ uống, thảo dược, vải và may mặc, lưu niệm - nội thất - trang trí, dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng.
Căn cứ theo quy định tại Bộ Tiêu chí đánh giá, phân hạng SP Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” Trung ương, Hội đồng đánh giá cấp tỉnh đã tổ chức 3 đợt đánh giá SP OCOP. Đến nay, tỉnh đã tổ chức đánh giá và xếp hạng SP OCOP, với 86 SP, trong đó 38 SP đạt 4 sao, 39 SP đạt 3 sao và 9 SP tiềm năng đạt 5 sao. Kết quả đánh giá số lượng SP OCOP được công nhận vượt mục tiêu của đề án. Có tổng số 38 chủ thể sản xuất đã tham gia chương trình, trong đó có 9 hợp tác xã, 19 công ty/doanh nghiệp, 9 cá thể và 1 tổ hợp tác.
|
Dây chuyền sản xuất sản phẩm mặt nạ dừa của Công ty TNHH Chế biến sản phẩm dừa Cửu Long |
Năm 2020, thị trường xuất khẩu gặp khó khăn do chi phí dịch vụ vận tải đội giá và thiếu vắng các đơn hàng do dịch Covid-19, nhưng nhiều SP OCOP của tỉnh vẫn trụ được và tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương. Chàng trai 9X Huỳnh Minh Thành - Giám đốc Công ty TNHH Funny Fruit, thị trấn Mỏ Cày, huyện Mỏ Cày Nam cho biết, khi chưa có dịch Covid-19, mỗi năm chỉ cần 2 đơn hàng Funny Fruit có thể xuất khẩu 100 tấn dừa sấy giòn. Khi dịch xảy ra, việc xuất khẩu của công ty gần như dừng lại, nhưng nhờ tham gia SP OCOP, năm 2020, SP của công ty chỉ bán nội địa như các siêu thị, sàn thương mại điện tử đã tiêu thụ được khoảng 80 tấn dừa sấy giòn. Nhờ đó, công ty giải quyết công việc ổn định cho 20 lao động, chủ yếu là nữ. Hiện 3 SP là dừa sấy giòn vị sữa, vị gừng và vị tỏi ớt của Công ty TNHH Funny Fruit đã được UBND tỉnh xếp hạng 4 sao.
Mặt nạ dừa của Công ty TNHH Chế biến SP dừa Cửu Long là SP được UBND tỉnh đánh giá tiềm năng đạt 5 sao đã có 8 năm sản xuất và hoàn thiện SP. Công ty gần như liên tục đổi mới từ mở rộng xây dựng, thiết kế, bố trí lại nhà xưởng đến đầu tư trang thiết bị mới. Từ 1 lít nước dừa già có giá 3.000 đồng, làm ra mặt nạ dừa sẽ bán được 30 ngàn đồng, giá trị tăng gấp 10 lần. SP mặt nạ dừa ra đời góp phần gia tăng chuỗi giá trị của cây dừa.
Hiện tại chưa có thống kê nào về lợi nhuận của các chủ thể sản xuất có SP được xếp hạng OCOP. Tuy nhiên, qua ghi nhận ở một số chủ thể có SP OCOP trên địa bàn các huyện Giồng Trôm, Mỏ Cày Nam, Chợ Lách và TP. Bến Tre, SP OCOP Bến Tre ngày càng có sức hút trên thị trường, được người tiêu dùng tin tưởng chọn lựa so với các SP cùng loại không có chứng nhận OCOP.
Chứng nhận “niềm tin”
Chương trình OCOP không chỉ gắn thương hiệu cho SP đặc sản của các địa phương mà còn “gắn” cả niềm tin của chủ thể sản xuất và người tiêu dùng đối với các SP được xem là đặc sản vùng miền.
Chủ thể sản xuất gia công đầu tư để có SP được chứng nhận OCOP, với một quy trình hồ sơ dày đặc và nghiêm ngặt từ khâu chọn nguyên liệu đến quá trình sản xuất. Mọi thứ đều phải đảm bảo an toàn và có chứng nhận an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn chất lượng rõ ràng. Đơn cử như SP sầu riêng trái của Công ty TNHH XNK trái cây Chánh Thu, được UBND tỉnh công nhận xếp hạng OCOP 4 sao vào năm 2019. Sang năm 2020, SP tiếp tục được công nhận tiềm năng OCOP 5 sao. Để có thêm “1 sao”, Công ty Chánh Thu phải sở hữu vùng trồng nguyên liệu sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP, nhà máy chế biến đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Đồng thời, tiên phong trong việc áp dụng mã truy xuất nguồn gốc chất lượng SP, vùng trồng đối với trái sầu riêng.
Cũng như vậy, cơ sở Ngọc Ánh, thị trấn Mỏ Cày, huyện Mỏ Cày Nam, có 3 SP chủ lực là nem thịt, chả lụa và lạp xưởng đã được UBND tỉnh xếp hạng 3 sao. Ông Nguyễn Quốc Dũng và bà Huỳnh Thị Ánh, chủ cơ sở cho biết: “Trong 3 SP OCOP của chúng tôi, chủ lực vẫn là chả lụa. Chả được làm từ thịt nóng, không có hàn the, hóa chất. Thịt làm chả được chúng tôi ký hợp đồng với chủ cơ sở giết mổ, chỉ lóc lấy hai miếng nạc đùi và hai miếng thịt ở sống lưng con heo. Thịt nóng lóc ra giao ngay trong đêm cho chúng tôi sản xuất, bí quyết thịt ngon là nhờ thịt tươi”. Được biết, hơn 20 năm nay, ông Dũng và bà Ánh luôn thức làm từ 9 giờ đêm hôm trước cho tới 7 giờ sáng hôm sau để đón những mẻ thịt tươi ngon nhất làm chả lụa Ngọc Ánh. Mỗi năm, cơ sở Ngọc Ánh tiêu thụ khoảng 6.100kg thịt heo của người chăn nuôi trong huyện.
“Người tiêu dùng thích sản phẩm OCOP bởi có những đặc điểm như: phong cách địa phương, đặc điểm địa phương, hương vị địa phương, nguyên liệu địa phương. Sản phẩm OCOP rất chú trọng đến yếu tố an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường. Đặc biệt, sản phẩm OCOP hướng đến lợi ích cộng đồng rất rõ và nhận được sự ủng hộ từ cộng đồng. Chính từ những tổng thể đó tạo nên sức mạnh OCOP”. (Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Huỳnh Quang Đức) |
(baodongkhoi.vn)