Chủ tịch UBND xã Bình Thành (Giồng Trôm, Bến Tre) Nguyễn Quốc Hải nhận xét, sau một năm thực hiện mô hình “Dân vận khéo” đã giúp cho Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã củng cố được tổ chức, nhất là việc nâng cao chất lượng hoạt động của các chi hội, tổ hội ở cơ sở, góp phần làm cho các phong trào thi đua của địa phương được lan tỏa, thu hút sự tham gia nhiệt tình của chị em phụ nữ trong thực hiện các tiêu chí nông thôn mới (NTM)…
|
Bình Thành đã đạt 19 tiêu chí xã nông thôn mới |
Từ đơn vị hoạt động khá
Ông Nguyễn Quốc Hải cho biết, từ 2013 - 2016 là giai đoạn địa phương đẩy mạnh việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM với sự nhập cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị. Tổ chức Hội LHPN xã hoạt động chưa đủ mạnh, không đồng đều, nhiều chi hội, tổ hội khuyết các chức danh, hoạt động cầm chừng nên được đánh giá là hoạt động khá. Từ đó, có sự ảnh hưởng không nhỏ đến các phong trào thi đua do hội cấp trên và địa phương phát động. Được sự thống nhất của cấp ủy và chính quyền, công tác phối hợp với các ban, ngành huyện, nhất là Ban Dân vận Huyện ủy và trực tiếp là Hội LHPN huyện tiến hành xây dựng mô hình “Dân vận khéo” về củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động hội và phong trào phụ nữ tại xã Bình Thành. Mô hình do Hội LHPN huyện phụ trách và đăng ký với cấp tỉnh.
Bà Phạm Thị Thu Trang - Chủ tịch Hội LHPN huyện Giồng Trôm cho rằng, Hội LHPN xã Bình Thành có 6 chi hội và 42 tổ hội. Trong đó, có 8 tổ hội khuyết chức danh tổ phó, trong hoạt động còn mang tính hình thức, chậm đổi mới nội dung, phương thức, tỷ lệ hội viên tham gia hoạt động ở các tổ hội đạt thấp, chưa có nhiều hình thức tập hợp chị em phụ nữ, chưa xây dựng và nhân rộng được mô hình thu hút chị em phụ nữ vào công tác hội và các phong trào thi đua tại địa phương. Tỷ lệ hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ còn khá cao, các câu lạc bộ có hình thành nhưng hoạt động rất yếu kém…Trong khi đó, cấp ủy đảng và chính quyền địa phương đang bước vào giai đoạn “nước rút” xây dựng xã nông thôn mới với rất nhiều tiêu chí cần có sự nhập cuộc của chị em phụ nữ ở các chi hội, tổ hội ở cơ sở, sự đoàn kết, thống nhất cao trong nội bộ Ban Chấp hành Hội LHPN xã…
Tổ chức đưa phong trào đi lên
Sau một năm với sự vào cuộc quyết liệt của các ban, ngành, đoàn thể huyện, nhất là vai trò chủ chốt của Hội LHPN huyện, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, tính đến tháng 10-2017 thì 6/6 chi hội đã được nâng chất lượng hoạt động, 40/42 tổ hội hoạt động mạnh (tăng 6 tổ hội so với trước năm 2016), bầu bổ sung đúng và đủ các tổ phó tổ hội; thành lập mới 7 tổ phụ nữ theo các nhóm sở thích, nghề nghiệp và đi vào hoạt động thực chất, có hiệu quả. Tỷ lệ hội viên tham gia sinh hoạt lệ kỳ, tham gia đóng hội phí, gây quỹ hội ngày càng tăng. Đã giới thiệu cho tổ chức đảng và được kết nạp 3 đảng viên.
Bà Trương Thị Ngọc - Chủ tịch Hội LHPN xã cho biết, kể từ khi được củng cố về tổ chức, chất lượng sinh hoạt ở các chi hội, tổ hội ngày càng đi lên, hoạt động đồng đều hơn. Các phong trào thi đua được phát động và có sự hưởng ứng nhiệt tình của chị em phụ nữ. Cụ thể như cuộc vận động xây dựng “Gia đình 5 không, 3 sạch”, Câu lạc bộ “Gia đình 5 không, 3 sạch” tại địa phương được đẩy mạnh. Các mô hình giảm nghèo, công tác đào tạo nghề cho lao động nữ… được các chi hội, tổ hội quan tâm xây dựng triển khai có hiệu quả. Cụ thể, đã vận động xây dựng được 95 hố xí tự hoại, giúp cho 31 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ thoát nghèo bền vững với các mô hình sinh kế như nuôi bò, đan ghế nhựa… Đáng lưu ý là nhiều chi hội, tổ hội đã xây dựng quỹ hội khá cao, với tổng số tiền hơn 134 triệu đồng. Ngoài ra, còn có các mô hình tiết kiệm ở các chi hội với tổng số tiền hơn 22 triệu đồng (đã giúp cho 28 hội viên phát triển kinh tế gia đình).
Bà Phạm Thị Thu Trang cho rằng, địa bàn huyện có 22 cơ sở hội, 142 chi hội và 894 tổ hội phụ nữ với gần 30 ngàn hội viên. Từ kết quả đạt được của mô hình “Dân vận khéo” tại xã Bình Thành, Hội LHPN huyện sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình đối với các cơ sở hội còn hoạt động yếu kém trên địa bàn.
Yến Nhi