Thứ Ba, 19/11/2024
Nâng cao nhận thức người dân - tạo bước chuyển biến mới trong phát triển KT - XH

CÓ NHẬN THỨC, CÁI NGHÈO HẾT ĐEO BÁM

Hai năm trở lại đây, khi đến huyện Thông Nông điều khiến mọi người cảm nhận được rõ nét nhất về sự thay đổi của các miền quê nơi đây đó là hạ tầng cơ sở được đầu tư khang trang, cuộc sống người dân ngày càng khấm khá. Trong các câu chuyện của bà con không chỉ quanh quẩn với việc tìm cách chống hạn cho cây ngô, lúa ngày mùa mà giờ đây đã rôm rả thêm về việc tìm cách tăng vòng quay của đất, mở hướng làm giàu từ các cây, con khác phù hợp với từng vùng đất, như: lạc, thuốc lá, lợn đen, nuôi bò vỗ béo...

Bà Lương Thị Tanh, xóm Nà So, xã Vị Quang hồ hởi: Gia đình tôi ngoài trồng cây ngô, lúa giờ còn phát triển thêm nuôi lợn, bò, nhất là nuôi cá ruộng - một thế mạnh vốn có từ xưa của xóm, mỗi năm cho thu nhập trên 100 triệu đồng. Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết, không riêng gia đình bà Tanh mà hầu hết 30 hộ dân trong xóm Nà So đều biết tận dụng những thế mạnh về cây trồng, vật nuôi mà địa phương mình có. Qua đó, cả xóm hiện có 10% số hộ đạt mức thu nhập trên 80 triệu đồng/năm, hộ nghèo giảm dần, hiện nay cả xóm còn dưới 10 hộ nghèo theo tiêu chí mới, 100% số hộ được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh, có máy cày, bừa. Điều này có được là nhờ người dân đã “thông suốt” được những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; các chương trình, nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội của cấp ủy cơ sở...

Còn ông Lý Tòn Sý, tại xóm Gằng Thượng, xã Thanh Long chân thành nói: Khi bà con đã hiểu và nhận thức đúng về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước thì cái nghèo cũng không còn đeo bám người dân nữa. Như xóm tôi đây, được cán bộ xã, xóm thường xuyên đến tuyên truyền cho bà con về chủ trương phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững của huyện, xã và vận động bà con áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tìm những cây, con phù hợp với địa phương để gieo trồng, hướng dẫn cách ủ thức ăn cho trâu, bò từ các phụ phẩm nông nghiệp, như: thân cây ngô, cây lạc nên cuộc sống người dân 2 năm gần đây đã khá lên nhiều. Hiện cả xóm ngoài trồng ngô còn trồng thêm cây lạc hàng hóa vụ hè thu, nuôi bò. Giờ cả xóm, nhà nhà thi đua nhau cùng phát triển kinh tế gia đình, không còn hiện tượng như trước đây chỉ làm một vụ ngô, lúa.

QUYẾT TÂM “GIẢI BÀI TOÁN KHÓ” 

Trong những năm qua, tình hình kinh tế - xã hội của huyện Thông Nông đã có những chuyển biến tích cực. Công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm và đảm bảo an sinh xã hội được triển khai tương đối đồng bộ, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 69% (năm 2010) xuống 32% (năm 2015 theo chuẩn cũ), trung bình giảm 6%/năm... Tuy nhiên, tốc độ phát triển kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện còn chậm do việc chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ, sử dụng cây, con giống mới vào sản xuất nông nghiệp của nhân dân còn hạn chế. Công tác giảm nghèo chưa bền vững, còn tiềm ẩn nguy cơ tái nghèo cao.

Xác định, nguyên nhân của tình trạng này là do nhận thức của người dân về các chủ trương, chính sách, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước còn hạn chế, nhất là việc người dân chưa hiểu đúng, đủ các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Rút kinh nghiệm từ đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của nhiệm kỳ trước, Ban Thường vụ Huyện ủy Thông Nông nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã đưa việc nâng cao nhận thức cho nhân dân thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội thành chương trình trọng tâm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015 - 2020 và coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm giải quyết “gốc rễ” của những khó khăn, tồn tại của huyện.

Bí thư Huyện ủy Thông Nông Bàn Thanh Hiền khẳng định: Nếu Chương trình nâng cao nhận thức cho nhân dân thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội được thực hiện tốt có thể phát huy nội lực trong nhân dân, đẩy lùi một số tập quán lạc hậu, từ đó, tạo sự chuyển biến rõ nét trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Vì vậy, công tác tuyên truyền, vận động cần gần gũi, sâu rộng và có sự tham gia của cấp ủy Đảng các cấp, chính quyền, các phòng, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, cơ quan, đơn vị. 

Theo đồng chí Nông Văn Huân, Phó Bí thư Đảng ủy xã Lương Thông, 2 năm qua, công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức cho nhân dân được xã quan tâm thực hiện. Công tác vận động nhân dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, sử dụng giống cây, con mới được triển khai kịp thời. Do đó, trong 2 năm qua kết quả thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội của xã đạt khá, kinh tế ổn định và phát triển, công tác giáo dục, y tế, văn hóa - xã hội được quan tâm, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được ổn định, giữ vững.

Mục tiêu của chương trình là tuyên truyền phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đến năm 2020 khoảng 80% người dân nông thôn, đồng bào các dân tộc thiểu số ít người vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới của 11 xã, thị trấn được thông tin, tuyên truyền, tiếp cận các tài liệu về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội phù hợp với từng đối tượng, từng địa bàn, tạo được sự chuyển biến về nhận thức và hành động trong nhân dân. Đến năm 2020, 100% cán bộ, công chức cấp xã, thị trấn, các tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể được nghe, tiếp cận tài liệu thông tin tuyên truyền về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ðể đạt mục tiêu này, cần sự tham gia tích cực, góp sức truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi cho mỗi người dân, đặc biệt là bà con dân tộc thiểu số và sự vào cuộc của các cấp chính quyền, cơ quan, đoàn thể trên địa bàn huyện.

Minh Hòa

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi