Thứ Sáu, 20/12/2024
Nhận diện những thách thức trong xây dựng nông thôn mới vùng dân tộc thiểu số, miền núi

Kết quả còn khiêm tốn

Tỉnh Quảng Ngãi có 28 DTTS cùng sinh sống, có 164 xã tham gia chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, trong đó, 64 xã thuộc các huyện nghèo 30a; 19 xã khó khăn vùng bãi ngang, hải đảo. Đến nay, toàn tỉnh mới có 55/64 xã miền núi có đường ô tô đến trung tâm xã đi được trong suốt cả năm; có 179/396 thôn chưa được cứng hóa đường giao thông từ trung tâm xã về các thôn; 70% số xã có trạm y tế chưa đạt chuẩn. Tỉ lệ hộ nghèo trong tỉnh đến cuối năm 2016 khoảng 42%. Điều kiện kinh tế - xã hội hạn chế đã ảnh hưởng không nhỏ tới kết quả xây dựng NTM của địa phương này. Đến hết tháng 3-2017, tỉnh Quảng Ngãi mới có 24 xã đạt chuẩn NTM, còn 26 xã đạt dưới 5 tiêu chí; bình quân mới chỉ đạt 6,2 tiêu chí/xã.


 Đường giao thông vẫn là một trong những tiêu chí khó đạt được của các xã miền núi

Tương tự như Quảng Ngãi, Điện Biên cũng là tỉnh đặc biệt khó khăn, có 19 DTTS sinh sống. Toàn tỉnh có 98 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn. Sau 6 năm xây dựng NTM, địa phương này mới có 4 xã hoàn thành tiêu chí NTM, còn 44 xã đạt dưới 5 tiêu chí.

Kết quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM ở Quảng Ngãi và Điện Biên cũng là thực trạng chung của vùng DTTS, miền núi. Theo Văn phòng điều phối chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, đến hết tháng 7-2017, cả nước có 2.776 xã (31,1%) được công nhận đạt chuẩn NTM, trong đó, khoảng 159 xã được công nhận đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM giai đoạn 2016-2020. Bình quân cả nước đạt 13,23 tiêu chí; còn 179 xã dưới 5 tiêu chí. Cả nước có 34 đơn vị cấp huyện đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM.

Đáng lưu ý đến hết quý 1 năm 2017, vùng miền núi phía Bắc mới có 278 xã hoàn thành NTM (chiếm tỉ lệ 12,19%), khu vực Bắc Trung bộ có 509 xã, khu vực Tây Nguyên 113 xã và vùng đồng bằng sông Cửu Long có 284 xã đạt chuẩn NTM. Miền núi phía Bắc là vùng có số lượng xã đạt dưới 5 tiêu chí NTM nhiều nhất với 144 xã.

Văn phòng điều phối chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM còn cho biết, khoảng cách chênh lệch về kết quả xây dựng NTM giữa các nhóm xã vẫn còn rất lớn. Sau 6 năm thực hiện chương trình, một số tỉnh miền núi, tỉnh có đông đồng bào thiểu số, số xã đạt chuẩn NTM rất thấp như: Đắk Nông (1 xã), Bắc Kạn (2 xã), Cao Bằng (5 xã), Sơn La, Bình Phước (3 xã), Điện Biên (4 xã), Yên Bái, Bạc Liêu (9 xã),  Đà Nẵng (10 xã), Đắk Lắk (11 xã).

Khó khăn và thách thức

Xây dựng NTM đã khó, thực hiện ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc ít người lại càng khó hơn. Một đặc điểm chung là xuất phát điểm xây dựng NTM ở vùng DTTS, miền núi rất thấp. Kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội vùng nông thôn, đặc biệt là vùng cao, khu vực biên giới còn yếu kém và thiếu đồng bộ, giao thông đi lại khó khăn, cách xa các khu trung tâm thương mại. Đời sống của cư dân ở vùng cao, biên giới còn nhiều khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo ở khu vực này rất cao. Chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở còn nhiều hạn chế. Chính điều này khiến cho việc hoàn thành các tiêu chí NTM gặp không ít khó khăn.

Thực tế đã chứng minh, các tỉnh miền núi có điều kiện tự nhiên, xã hội khó khăn thường có tỉ lệ xã đạt chuẩn NTM rất thấp. Có thể lấy tỉnh Hà Giang làm ví dụ điển hình. Địa phương này có 144 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, trong đó 32 xã biên giới. Từ năm 2011, tỉnh Hà Giang tổ chức triển khai chương trình xây dựng NTM tại 177 xã bao gồm của các xã thuộc diện đặc biệt khó khăn.

Đến hết năm 2016, Hà Giang mới có 16 xã đạt chuẩn NTM, bình quân mỗi xã đạt 8,6 tiêu chí. Đối với các xã biên giới, số tiêu chí đạt được còn rất thấp. Cụ thể, chưa có xã đạt đến 15 tiêu chí; có 4 xã đạt từ 10-14 tiêu chí; 28 xã còn lại đạt từ 5-9 tiêu chí. Các tiêu chí đạt được tại các xã biên giới chủ yếu là: Quy hoạch, thông tin và truyền thông; lao động có việc làm; tổ chức sản xuất; y tế; hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật; quốc phòng và an ninh. Các tiêu chí khó đạt gồm: Giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, nhà ở dân cư, thu nhập và hộ nghèo.

Xây dựng NTM là chương trình lớn, nhiều nội dung, bao quát tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội vùng nông thôn, nhưng cấp trực tiếp thực hiện là cấp xã. Trong khi đó, cán bộ xã phần lớn trình độ năng lực còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu. Địa bàn các xã vùng DTTS và miền núi nhìn chung rộng, mật độ dân cư thưa thớt và phân bố rải rác, do đó rất khó khăn trong đầu tư hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi. Nhu cầu đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở các xã miền núi rất lớn, trong khi nguồn lực cho xây dựng NTM rất hạn chế, chủ yếu trông chờ vào sự hỗ trợ từ ngân sách Trung ương. Việc huy động sự đóng góp từ nhân dân rất nhỏ hẹp, do người dân còn nghèo.

Các xã vùng DTTS, miền núi rất cần có chính sách, đề án riêng, mang tính đặc thù, như vậy mới có thể hoàn thành chương trình xây dựng NTM.

Xuân Hương

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất