Thứ Ba, 19/11/2024
Bình Định: Phát huy vai trò tộc họ trong xây dựng nông thôn mới

Nhiều đóng góp tích cực

Toàn tỉnh có 122 xã triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay đã có 49 xã đạt 19 tiêu chí NTM. Năm 2018, có thêm 16 xã phấn đấu đạt chuẩn NTM, 8/33 phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị.


 Đại diện các tộc họ trong tỉnh đã có nhiều ý kiến đóng góp thiết thực
 nhằm nâng cao vai trò tộc họ trong xây dựng nông thôn mới

Ông Phan Thành Giảng, Phó chánh Văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh, cho biết: Trong 7 năm qua, các dòng họ tiêu biểu trong tỉnh đã vận động gia đình, người thân hiến hơn 750 ngàn m2 đất, tự nguyện chặt hàng ngàn cây xanh, cây ăn quả, đóng góp hơn 75.000 ngày công lao động và hàng chục tỉ đồng để xây dựng đường bê tông giao thông nông thôn và các công trình phúc lợi xã hội…Tiêu biểu như tộc họ Trần (ở thôn Cảnh An 1, xã Phước Thành, huyện Tuy Phước); họ Phạm (thôn Tân Hòa), họ Hà (thôn Kiều An), xã Cát Tân, huyện Phù Cát; họ Huỳnh (thôn Mỹ Bình, xã Hoài Phú, huyện Hoài Nhơn); họ Võ (thôn Nam Tượng I, xã Nhơn Tân, TX An Nhơn); họ Cao (thôn Vân Tường, xã Bình Hòa, huyện Tây Sơn); họ Hồ (thôn Lộc Thái, xã Mỹ Châu, huyện Phù Mỹ); họ Võ (thôn Mỹ Lợi, xã Phước Mỹ, TP Quy Nhơn); họ Cao (ở thôn Vạn Hội, xã Ân Tín, huyện Hoài Ân)… Có thể nói, quá trình thực hiện đạt 19 tiêu chí NTM ở các xã, một phần nhờ phát huy tích cực vai trò chủ thể của người dân, nhất là các dòng họ.

Về xã Nhơn Lý, TP Quy Nhơn, dọc các con hẻm trong khu dân cư và khu vực bờ kè chắn sóng Xương Lý thẳng tắp bê tông, đèn điện sáng trưng vào ban đêm. Ông Nguyễn Kim Chức, Chi hội trưởng dòng họ Nguyễn Gia, cho biết: “Các hội viên trong dòng họ đã tham gia đóng góp trên 482 triệu đồng, 162 ngày công và hiến trên 412 m2 đất để làm 13 đoạn hẻm bê tông, tạo cảnh quan, thuận tiện việc đi lại trong thôn xóm. Các hộ còn đóng góp 127 triệu đồng mua 72 bộ đèn thắp sáng tuyến đường. Chúng tôi luôn ý thức vai trò, trách nhiệm của mỗi hội viên, gia đình trong góp sức xây dựng NTM là làm cho môi trường sống của mỗi người tốt hơn”.

Mỗi tộc họ đều phân công người có uy tín, kinh nghiệm, nhiệt tình phụ trách các công việc của dòng họ. Ông Trần Bùi Nghê, tộc trưởng họ Trần ở xã Phước Thành, huyện Tuy Phước, khẳng định: “Xã Phước Thành hoàn thành 19 tiêu chí NTM từ năm 2015. Dòng họ Trần có 300 hộ với hơn 1.000 người đang sinh sống ở xã. Nhờ có sự đồng thuận của bà con trong xây dựng NTM nên đến nay, đường giao thông ở xã đã được bê tông hóa; cảnh quan, môi trường ngày càng xanh, sạch, đẹp; việc vận động con cháu trong tộc họ đoàn kết giúp nhau, hăng say lao động sản xuất, kinh doanh, xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng, hoàn thành tốt nghĩa vụ đối với Nhà nước, địa phương và tộc họ, phòng chống các tệ nạn xã hội ngày càng thuận lợi hơn”.

Phát huy vai trò của tộc họ

Tại hội thảo, 22 đại biểu đại diện các tộc họ trong toàn tỉnh đã đóng góp ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm và những cách thức, phương pháp để khai thác tối đa tiềm năng của tộc họ tham gia xây dựng NTM.

Ông Phạm Ngọc Tuân, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Hoài Nhơn, kiến nghị: “Cần có nhiều nguồn lực hỗ trợ vốn cho nhân dân vay tín chấp đầu tư phát triển sản xuất, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập. Thực hiện tốt công tác biểu dương, khen thưởng, nhân rộng cách làm mới, sáng tạo, hiệu quả của những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc ở cộng đồng dân cư; động viên, khuyến khích kịp thời các họ tộc làm tốt công tác vận động gia đình, người thân tham gia xây dựng NTM”.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng các cấp, ngành cần tiếp tục phát huy, duy trì, nhân rộng các mô hình tộc họ tiêu biểu trong tham gia xây dựng NTM; chủ động hơn trong phối hợp với trưởng thôn, khu vực trưởng đẩy mạnh việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, xây dựng và củng cố hệ thống chính trị vững mạnh; tích cực hơn nữa trong tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, khắc phục tư tưởng trông chờ ỷ lại…

Qua hội thảo, các đại biểu cũng thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn, hạn chế như: Hoạt động của các tộc họ gần như độc lập về tổ chức; kinh phí hoạt động của các tộc họ từ sự đóng góp tự nguyện của bà con trong gia tộc. Các cơ quan, các ngành chức năng còn thiếu quan tâm, tạo điều kiện để duy trì, phát huy, nhân rộng mô hình các họ tộc tiêu biểu.

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hồ Sĩ Dũng cho biết: “Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh ghi nhận những ý kiến đóng góp quý báu tại hội thảo. Từ các góc độ khác nhau, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, ban công tác Mặt trận và các tộc họ sẽ cùng tìm ra các giải pháp hữu hiệu phát huy vai trò của tộc họ tham gia xây dựng NTM, góp phần thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và công tác Mặt trận trong giai đoạn hiện nay”.

Hải Yến

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi