Thứ Ba, 21/1/2025
Nam Định: Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới

Về xã Hồng Thuận (huyện Giao Thủy) hôm nay, nhiều người sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay vượt bậc ở nơi đây. Nhờ phát huy tốt nội lực, sự đồng thuận trong nhân dân, Hồng Thuận đã tạo đột phá trong giai đoạn “nước rút”, trở thành xã đạt chuẩn NTM. Đồng chí Phạm Xuân Phó, Chủ tịch UBND xã Hồng Thuận cho biết, đầu năm 2017, địa phương mới chỉ đạt 13/19 tiêu chí, tiêu chí đặc biệt khó khăn rất khó có thể thực hiện đó là cơ sở vật chất văn hóa.

Qua rà soát, phân tích kỹ thực tế, Đảng ủy và chính quyền xã đã tập trung chỉ đạo các xóm khẩn trương họp bàn, ra nghị quyết để triển khai thực hiện. Trong đó, cùng với sự đóng góp của cán bộ, nhân dân, vận động con em quê hương ở khắp nơi đã thành đạt có khả năng tài chính đóng góp để xây dựng công trình nhà văn hóa và các tuyến đường dong thôn xóm. Xã cũng trích ngân sách ủng hộ mỗi xóm xây dựng nhà văn hóa 100 triệu đồng. Nhờ sự hỗ trợ quyết liệt, kịp thời của xã các cơ sở xóm, đội cùng bắt tay vào thực hiện, vận động nhân dân đóng góp, ủng hộ và đồng loạt khởi công xây dựng nhà văn hóa. Đã có 13 nhà văn hóa xóm được khởi công xây dựng và hoàn thành, đáp ứng yêu cầu nguyện vọng của nhân dân. Đi đôi với chỉ đạo các xóm xây dựng nhà văn hóa, xã Hồng Thuận cũng đã quy hoạch khu trung tâm thể thao - văn hóa để xây dựng nhà văn hóa xã; hoàn thiện cơ sở vật chất trường học; kiên cố hóa các tuyến đường giao thông thôn, xóm; cứng hóa mặt đường trục chính nội đồng… Khi đoàn công tác của tỉnh về thẩm định cũng đánh giá cao sự cố gắng nỗ lực vượt bậc của Hồng Thuận trong xây dựng NTM.


 Nông thôn mới xã Giao An, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định

Đến nay, Nam Định đã có 200/209 xã, thị trấn được công nhận đạt chuẩn NTM, bình quân mỗi xã đạt 18,8 tiêu chí, tăng 13 tiêu chí so với năm 2010. Có 4 huyện đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM, trong đó 3 huyện Nghĩa Hưng, Trực Ninh, Xuân Trường được công nhận đạt chuẩn NTM năm 2017. Tỉnh Nam Định được Ban chỉ đạo Trung ương đánh giá là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về xây dựng NTM, có nhiều đóng góp về phương pháp, thực tiễn cách làm, mô hình hiệu quả trong xây dựng NTM để làm cơ sở cho Trung ương vận dụng chỉ đạo thực hiện trên địa bàn cả nước giai đoạn 2016-2020. Đây là vinh dự lớn lao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn tỉnh trong công cuộc CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn và xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Nếu như kết thúc giai đoạn 1 (2010 - 2015), Nam Định mới chỉ có 112 xã, thị trấn đạt chuẩn NTM và 1 huyện là Hải Hậu đạt chuẩn NTM, thì đến năm 2017 - năm thứ 2 của giai đoạn 2 (2016 - 2020) con số này đã tăng lên gần gấp đôi (200 xã) và tỉnh cũng đã có 4 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM.

Nếu như giai đoạn 1 của chương trình xây dựng NTM thành công lớn nhất của tỉnh đó là đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn, phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất thiết yếu của người dân như làm đường giao thông, xây dựng trường học, trạm y tế và nhiều công trình khác. Tuy nhiên, cùng với thành tựu giai đoạn 1 tỉnh cũng phải đối mặt với rất nhiều vấn đề như: nợ đọng xây dựng cơ bản, lãng phí trong đầu tư hạ tầng, tỷ lệ người dân tham gia BHYT chưa cao, môi trường nông thôn còn bị ô nhiễm… Bước sang giai đoạn 2, có thể khẳng định rằng, chương trình xây dựng NTM đã dần đi vào chiều sâu và thực chất hơn. Không chỉ dừng lại ở việc xây dựng nhà văn hóa, trạm y tế, trường học, sân thể thao… mà đặc biệt quan tâm đến vấn đề làm thế nào để người dân sử dụng khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng phục vụ cho cuộc sống cũng như tìm hướng để nâng cao thu nhập, cải thiện môi trường, xây dựng nếp sống văn hóa, đảm bảo an ninh trật tự, tạo ra môi trường thực sự trong lành và đáng sống cho cư dân nông thôn. Vừa qua, Ủy ban MTTQ tỉnh đã tiến hành việc lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng NTM ở 3 huyện Nghĩa Hưng, Trực Ninh, Xuân Trường. Kết quả là ở cả 3 huyện đều có trên 90% số hộ dân hài lòng với 10 nội dung xây dựng NTM huyện.

Mặc dù đã đạt được nhiều thành quả quan trọng nhưng thực tế cho thấy, việc thực hiện Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh hiện gặp không ít khó khăn, thách thức mới cần được xử lý, giải quyết triệt để. Cụ thể, cấp ủy, chính quyền một số địa phương cấp xã chưa có quyết tâm chính trị cao; năng lực hạn chế, chưa thực sự quyết liệt, chủ động, sáng tạo, sâu sát trong lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện. Vẫn còn tư tưởng ngại khó, trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của cấp trên. Sự phối hợp, hỗ trợ, hướng dẫn của một số sở, ngành đối với các huyện, các xã có lúc, có việc chưa kịp thời, chưa tích cực. Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng NTM ở một số địa phương chưa thường xuyên, liên tục và sâu rộng. Một số cán bộ, đảng viên chưa tiên phong, gương mẫu. Sản xuất nông nghiệp mặc dù có chuyển biến nhưng nhìn chung vẫn còn manh mún, thiếu bền vững, dễ bị tổn thương trước tác động của thiên tai, dịch bệnh, diễn biến bất lợi của thị trường, ảnh hưởng đến các chỉ tiêu về xây dựng NTM của các địa phương. Đổi mới tổ chức sản xuất còn chậm, chưa theo kịp yêu cầu của nền sản xuất hàng hóa lớn. Vệ sinh môi trường ở nhiều vùng nông thôn chưa đảm bảo, tình trạng ô nhiễm môi trường ở các làng nghề, các vùng có mật độ chăn nuôi cao, các cụm, điểm công nghiệp… là vấn đề bức xúc của xã hội. Việc huy động nguồn lực xây dựng NTM ở một số địa phương còn hạn chế, chưa đạt hiệu quả.

Năm 2018, toàn tỉnh Nam Định phấn đấu có thêm 7 xã, 3 - 4 huyện đạt chuẩn NTM; năm 2019 hoàn thành chương trình xây dựng NTM của tỉnh. Để đạt mục tiêu đề ra, tỉnh đã xác định công tác tuyên truyền, vận động vẫn là giải pháp ưu tiên nhằm tạo sự tác động lan tỏa lớn trong toàn xã hội. Do vậy, tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức để tăng cường hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động xây dựng NTM; tập trung các giải pháp nhân rộng các điển hình, những cách làm sáng tạo, hiệu quả trong xây dựng NTM. Tập trung cao lãnh đạo, chỉ đạo gắn với trách nhiệm của các tập thể, cá nhân; phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong xây dựng NTM; tiếp tục đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng các tiêu chí ở những địa phương có phong trào khá, đồng thời kiểm điểm, làm rõ nguyên nhân và tìm giải pháp đẩy mạnh xây dựng NTM ở các xã, các huyện chậm tiến độ. Tập trung thực hiện các giải pháp huy động, quản lý, sử dụng đúng mục đích và hiệu quả các nguồn lực nhằm đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng các tiêu chí NTM. Các huyện, thành phố thực hiện nghiêm các Nghị quyết của HĐND tỉnh về tỷ lệ điều tiết nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất để tạo nguồn lực tài chính thực hiện và thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng NTM. Tổ chức thực hiện hiệu quả các chính sách của Nhà nước và của tỉnh về phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM…

Theo baonamdinh.com.vn, ngày 27/3

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất