Thứ Năm, 19/12/2024
Thanh Hưng giảm nghèo bền vững

Theo giới thiệu của Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Hưng Vì Văn Biến, chúng tôi được biết, người dân đội 19 rất chịu khó làm ăn phát triển kinh tế nên tỷ lệ hộ nghèo của đội thấp nhất xã. Bà con ở đây không chỉ chịu khó lao động mà còn biết khai thác lợi thế, tận dụng diện tích đất để phát triển sản xuất. Cầm cuốn sổ vay vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội trên tay, bà Nguyễn Thị Xuyến, Ðội trưởng đội 19, phấn khởi nói: “Bà con trong đội chịu khó làm ăn lắm, họ không để cho đất nghỉ đâu, hết trồng rau này, lại trồng vụ khác. Cả đội hiện có 121 hộ, song có đến trên 80 hộ sản xuất nông nghiệp. Dù chỉ sản xuất nông nghiệp nhưng người dân đã biết tìm tòi, học tập và áp dụng khoa học, kỹ thuật trong sản xuất nên năng suất đạt cao, thu nhập ổn định. Nếu thiếu vốn thì họ mạnh dạn vay vốn ngân hàng để đầu tư mua cây, con giống, xây dựng hạ tầng, chuồng trại... Vì vậy, tôi đang tranh thủ làm sổ vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện để kịp giúp bà con trong đội vay phát triển sản xuất. Nhờ chăm chỉ làm ăn, phát triển kinh tế, hiện nay, tỷ lệ hộ khá giàu trong đội chiếm khoảng 60% và chỉ còn 3 hộ nghèo (là những gia đình người già neo đơn)”.

Nói về quá trình giảm nghèo của xã, ông Vì Văn Biến, cho biết: Là xã nông nghiệp với khoảng 80% dân số sống bằng nghề nông. Thời gian qua, để thực hiện công cuộc xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn, chính quyền xã đã định hướng người dân phát huy lợi thế, tích cực sản xuất nông nghiệp và coi đây là mũi nhọn phát triển kinh tế. Theo đó, xã đã tập trung chỉ đạo người dân tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi; từng bước tác động thay đổi tư duy từ sản xuất, chăn nuôi nhỏ lẻ, tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa, chuyên canh. Bên cạnh đó, chú trọng tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động nạo vét, tu sửa kênh mương thủy lợi đảm bảo nước tưới cho cây trồng.

Hiện nay, diện tích lúa nước trên địa bàn xã có 280ha nên xã đã tập trung chỉ đạo nhân dân gieo cấy 2 vụ lúa/năm theo đúng khung thời vụ; tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản, phương thức tiêu thụ nông sản cho nông dân. Qua đó, năng suất lúa bình quân đạt gần 68 tạ/ha/vụ. Ngoài sản xuất lúa, xã đã vận động nhân dân tăng gia sản xuất trên diện tích khoảng 50ha sau khi thu hoạch 2 vụ lúa để trồng cây rau màu; quan tâm chăm sóc 25ha cây ăn quả để nâng cao thu nhập. Hiện nay, xã Thanh Hưng còn chỉ đạo nhân dân triển khai trồng 6ha cây vú sữa để xây dựng chuỗi sản phẩm an toàn trên địa bàn.

Cùng với phát triển trồng trọt, chăn nuôi cũng là một thế mạnh được người dân xã Thanh Hưng phát huy. Với lợi thế có diện tích mặt nước rộng, nguồn nước dồi dào, bãi chăn thả rộng, khá bằng phẳng, bà con tận dụng chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản. Hiện, toàn xã có 609 con trâu, hơn 3.400 con lợn, gần 44.000 con gia cầm và diện tích nuôi thủy sản trên 88.000m2. Nhờ tích cực lao động sản xuất, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần, đời sống người dân ngày càng khá giả. Cụ thể, năm 2011 tỷ lệ hộ nghèo tại xã Thanh Hưng là 13% đến năm 2017 giảm xuống còn 5,03%; thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 9,5 triệu đồng/người/năm (năm 2011), đến nay đạt 28 triệu đồng/người/năm.

Với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, cùng với sự vào cuộc quyết liệt từ cấp ủy, chính quyền, sự đồng thuận của nhân dân địa phương, vừa qua xã Thanh Hưng đã về đích nông thôn mới. Ðể đạt được kết quả này nhờ có sự nỗ lực rất lớn của cấp ủy, chính quyền xã trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo và ý thức vươn lên thoát nghèo của người dân trên địa bàn.

Phạm Quang

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất