Thứ Ba, 21/1/2025
Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ Hỗ trợ tín dụng nông dân

 Mô hình trồng cà rốt bảo đảm VSATTP ở xã Minh Tân, huyện Lương Tài

Hiện nay, Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh (HND) đang quản lý trên 45 tỷ đồng giải ngân cho gần 1.100 hộ vay. Bên cạnh đó,  thực hiện chương trình ký kết với các ngân hàng Chính sách Xã hội, Nông nghiệp & PTNT, Sacombank, Hội ND tỉnh chỉ đạo các cấp Hội trực thuộc ký kết thỏa thuận tạo điều kiện thuận lợi cho hội viên vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Tính đến hết hết 2017, tổng dư nợ do HND tỉnh quản lý tại các ngân hàng đạt trên 592,2 tỷ đồng với gần 28 nghìn lượt hộ vay. Nguồn vốn vay được giải ngân kịp thời, đúng đối tượng theo dự án được phê duyệt.

Có vốn, hội viên mạnh dạn đưa các giống cây, con mới năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, từng bước thay đổi tập quán canh tác cũ, xây dựng nhiều mô hình sản xuất hiệu quả. Nhiều hội viên từ hộ nông dân nghèo, sản xuất nhỏ lẻ đã phát triển trở thành các chủ trang trại có quy mô lớn, sản xuất nông sản hàng hóa, tạo việc làm cho nhiều lao động, góp phần xây dựng Nông thôn mới. Qua đó không chỉ xóa nghèo cho mình mà còn hỗ trợ, giúp đỡ nhiều hộ khác cùng vươn lên.

Tiêu biểu như các mô hình: Trồng cà rốt bảo đảm VSATTP ở Minh Tân (huyện Lương Tài); chăn nuôi bò sữa ở Gia Đông, nuôi lợn theo hướng VSATTP ở Đại Đồng Thành, phát triển nghề mộc dân dụng ở Nghĩa Đạo (huyện Thuận Thành); nuôi chim bồ câu kết hợp nuôi trồng thủy sản theo hướng VSATTP ở Cách Bi, nuôi thỏ theo chuỗi giá trị và VSATTP ở Cao Đức (huyện Gia Bình)...

Nhiều mô hình chăn nuôi tổng hợp cho mức thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Điển hình như gia đình anh Trần Phúc Thao ở xã Trừng Xá, huyện Lương Tài từ hộ có hoàn cảnh khó khăn vươn lên thoát nghèo và có cuộc sống khá giả. Được vay 20 triệu đồng số vốn ban đầu của Hội ND tín chấp với ngân hàng CSXH huyện cùng với nguồn vốn khác, anh đấu thầu hơn 7.000 m² ruộng trũng quy hoạch thành trang trại VAC, tổng thu nhập từ trang trại gia đình anh đạt hàng trăm triệu đồng. Ngoài ra anh trồng 4 sào các loại cây màu như: Đỗ tương, cà rốt… mỗi năm cũng cho thu nhập 80 - 100 triệu đồng.

Hay như gia đình chị Trần Thị Tĩnh, thôn An Cường, xã Minh Tân, huyện Lương Tài là một trong những điển hình vươn lên thoát nghèo nhờ vốn vay ưu đãi. Năm 2010, gia đình chị Tĩnh thuộc diện hộ nghèo, được vay 15 triệu đồng vốn NHCSXH huyện đầu tư trồng cà rốt. Với bản tính cần cù, chịu khó làm ăn, tích cóp, sau 3 năm gia đình thoát khỏi danh sách hộ nghèo đã hoàn vốn cho ngân hàng. Đầu năm 2017, gia đình chị tiếp tục được NHCSXH huyện cho vay 50 triệu đồng chương trình hộ mới thoát nghèo. Số vốn này chị đầu tư cải tạo ao nuôi cá và hệ thống nước tưới phục vụ sản xuất cà rốt theo hướng hàng hóa. Vụ cà rốt đầu tiên trên diện tích mới đấu thầu đang cho thu hoạch với năng suất 6 triệu đồng/sào.

Chị Tĩnh phấn khởi: “Nhờ nguồn vốn vay ban đầu của NHCSXH dù món vay không lớn nhưng có ý nghĩa vô cùng đối với tôi. Đến nay, gia đình không còn lo tái nghèo trở lại bởi được Nhà nước tiếp sức thêm nguồn vốn mới nữa cho những hộ vừa bước ra khỏi ngưỡng nghèo…” .

Phó Chủ tịch Thường trực Hội ND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Đăng Khang cho biết: Không chỉ giúp các hội viên vươn lên ổn định cuộc sống, thông qua hoạt động quản lý điều hành nguồn vốn vay, đội ngũ cán bộ Hội ND các cấp được rèn luyện phát triển các kỹ năng nghiệp vụ công tác Hội, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các hội viên ở cơ sở; từ đó xây dựng kế hoạch, biện pháp phù hợp để tạo sự gắn kết giữa hội viên với tổ chức Hội. Năm 2017, toàn tỉnh có hơn 83.000 hộ hội viên đăng ký danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp.

Với mục tiêu đồng hành cùng nông dân trong phát triển kinh tế, thời gian tới HND tỉnh tăng cường phối hợp với các ngân hàng nâng cao chất lượng tín dụng; tổ chức các lớp đào tạo nghề, hội thảo đầu bờ, tham quan học tập mô hình kinh tế hiệu quả; đẩy mạnh tuyên truyền, biểu dương, giới thiệu các gương hội viên nông dân tiêu biểu, điển hình trong phát triển kinh tế… giúp hội viên có thêm kinh nghiệm áp dụng vào thực tế sản xuất, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Thúy Nga

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi