Thứ Năm, 19/12/2024
Huyện Đầm Hà (Quảng Ninh): Nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững

 Mô hình nuôi gà thương phẩm của anh Nguyễn Văn Tuyền ở xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà (Quảng Ninh)

Đầm Hà là huyện miền núi, ven biển còn nhiều khó khăn, với 80% dân số sống bằng nghề nông, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao. Không lùi bước trước khó khăn, các cấp ủy đảng, chính quyền của huyện chủ động phối hợp các ngành từ Trung ương đến tỉnh, tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức trồng trọt và chăn nuôi cho người dân, đồng thời áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật mới vào sản xuất, từng bước giúp người dân vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập.

Một trong những cách làm hiệu quả của huyện Đầm Hà là thường xuyên kiểm tra, rà soát số hộ nghèo trên địa bàn, đồng thời tìm nguyên nhân dẫn đến tình trạng nghèo đói ở từng gia đình, mỗi thôn, bản để từ đó đưa ra giải pháp giúp người dân vươn lên. Không chỉ được quan tâm hỗ trợ về nhà ở, đất sản xuất, huyện Đầm Hà còn giao cho các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện việc tín chấp với các ngân hàng như Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với nguồn vốn vay để đầu tư vào sản xuất. Đồng thời, thực hiện giám sát việc phát huy hiệu quả nguồn vốn vay tại địa phương, thường xuyên tuyên truyền, nhân rộng các mô hình trong phát triển kinh tế để người dân học tập... Chủ tịch UBND huyện Đầm Hà Trần Việt Dũng cho biết: “Huyện xác định, nếu hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt cho hộ nghèo thì sẽ nhàn cho cán bộ thực hiện cũng như việc tiếp nhận nguồn vốn của người dân, nhưng chắc chắn hiệu quả không cao. Do vậy, huyện đã lựa chọn và tập trung phát triển, nhân rộng mô hình chăn nuôi bò, hỗ trợ bò giống để thúc đẩy sản xuất cho người dân, nhất là các thôn, bản đặc biệt khó khăn”.

Gia đình chị Chíu Sám Múi ở bản Lý Sáy Chảy, xã Quảng Lâm, một trong những hộ dân tộc Dao đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu nhờ mô hình phát triển kinh tế chăn nuôi, kết hợp với trồng trọt. Ban đầu với nguồn vốn khiêm tốn, chị Múi mạnh dạn đầu tư vào chăn nuôi với phương châm lấy ngắn nuôi dài. Từ thành công bước đầu, chị Múi tăng số lượng đàn gia súc, gia cầm. Cùng với 20 triệu đồng có được từ chăn nuôi và trồng quế, Chi hội Phụ nữ bản Lý Sáy Chảy đứng ra tín chấp giúp chị vay thêm 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để đầu tư mở rộng chuồng trại chăn nuôi, trồng quế và cây ăn quả. Nắm bắt được thị trường, chị Múi làm thêm dịch vụ thu mua quế của người dân trong bản. Nhờ cần cù, chịu khó mà mô hình kinh tế trồng trọt kết hợp với chăn nuôi và kinh doanh dịch vụ của gia đình chị Múi ngày càng đem lại hiệu quả cao… Mỗi năm, từ chăn nuôi, trồng trọt và làm dịch vụ, chị thu lãi gần 100 triệu đồng.

Trong năm 2017, huyện Đầm Hà đã trao 258 con bò giống sinh sản cho người dân ba xã Quảng An, Quảng Lợi và Quảng Lâm với tổng vốn đầu tư hơn bốn tỷ đồng. Để kiểm soát chặt chẽ quy trình thực hiện hỗ trợ bò giống, huyện Đầm Hà đã cử cán bộ trực tiếp xuống họp với dân, ưu tiên các hộ tiêu biểu sẽ được nhận hỗ trợ bò giống của huyện. Đến thời điểm này, người dân ở ba xã được trao bò giống đã thực hiện tốt quy trình chăn nuôi tại nhà, bảo đảm về nguồn thức ăn và ứng phó tốt với biến đổi thời tiết cho nên đàn bò phát triển tốt.

Nhờ thực hiện lồng ghép hiệu quả các chương trình dự án hỗ trợ của Nhà nước với việc tuyên truyền khuyến khích người dân nâng cao ý thức trong công tác giảm nghèo, bộ mặt nông thôn của huyện Đầm Hà có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Đến nay, trên địa bàn huyện còn gần 580 hộ nghèo, đáng chú ý, hai xã Quảng An, Quảng Lợi và bảy thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn. Nhiều hộ dân còn vươn lên làm giàu nhờ tận dụng lợi thế đất đai và khí hậu ở vùng này phù hợp với phát triển cây đinh lăng kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung. Gia đình anh Phạm Văn Dương ở thôn Sơn Hải, xã Đầm Hà đã trồng gần 70 nghìn cây đinh lăng trên diện tích 4 ha. Anh Dương cho biết: Gia đình rất tin tưởng vào thành công từ mô hình trồng cây đinh lăng và mong muốn tiếp tục vay vốn để mở rộng diện tích.

Bằng việc triển khai đồng bộ các giải pháp, nhất là cải cách thủ tục hành chính, thu hút đầu tư của huyện Đầm Hà đã có bước tăng trưởng mạnh mẽ, diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc. Để có được thành công nêu trên, huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động thực hiện công tác giảm nghèo, giới thiệu các mô hình giảm nghèo hiệu quả, nhằm nâng cao nhận thức cho người dân, giúp các hộ chủ động vươn lên thoát nghèo, tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại… Đồng thời, huyện chủ động thực hiện lồng ghép chương trình giảm nghèo với phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình dự án, hỗ trợ về y tế, giáo dục, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, trợ giúp pháp lý, các chính sách an sinh xã hội. Thời gian tới, huyện Đầm Hà tiếp tục thực hiện các chính sách giảm nghèo thường xuyên, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, trong đó tập trung vào đầu tư kết cấu hạ tầng ở các địa bàn đặc biệt khó khăn; hỗ trợ sản xuất, tăng thu nhập cho người nghèo; xây dựng và nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững, đặc biệt hộ nghèo là đồng bào DTTS ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn.

Quang Thọ

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất