Quang Kim, huyện Bát Xát (Lào Cai) là xã vùng cao biên giới, có đông đồng bào dân tộc Giáy sinh sống. Từ khi thực hiện liên kết sản xuất nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông sản sạch, an toàn và bảo đảm vệ sinh môi trường, đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xây dựng thôn, bản kiểu mẫu ở đây.
|
Trồng dưa lưới Nhật Bản trong nhà kính, đem lại thu nhập cao
cho người dân xã Quang Kim, huyện Bát Xát (Lào Cai) |
Liên kết sản xuất nông nghiệp
Giữa những ngày hè nắng nóng, chúng tôi đến Hợp tác xã (HTX) Song Kim, huyện Bát Xát đúng vào lúc các xã viên ở đây đang tất bật thu hoạch dưa Kim Hoàng Hậu, Kim Cô Nương, dưa lưới Nhật Bản. Do được trồng trong nhà lưới, áp dụng canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP cho nên những trái dưa to, mọng căng, mầu vàng sáng rất đẹp, ăn có vị ngọt thanh và rất thơm. Xã viên hái những trái dưa nặng khoảng 2 đến 3 kg, vệ sinh sạch sẽ bằng nước sinh học, sau đó bọc giấy bóng kính, dán tem truy xuất nguồn gốc và đóng vào từng hộp các-tông có in nhãn hiệu hàng hóa, địa chỉ sản xuất để xếp lên xe ô-tô đưa đến các siêu thị, chợ đầu mối trong và ngoài huyện.
Chủ tịch UBND xã Quang Kim Trần Quang Ngọc cho biết: HTX Song Kim có 17 thành viên, phần lớn là hộ gia đình dân tộc Giáy ở địa phương, cùng góp vốn, góp công để sản xuất các loại nông sản theo hướng ứng dụng công nghệ cao, bảo đảm an toàn. Hiện tại, HTX có 0,5 ha nhà kính để trồng các loại nông sản có giá trị kinh tế cao và 15 ha ứng dụng một phần công nghệ cao để trồng các loại rau, củ, quả... cung cấp cho thị trường khu vực đô thị như Sa Pa, TP Lào Cai và các nhà hàng đặc sản trong và ngoài tỉnh. Hằng năm, HTX Song Kim cung ứng ra thị trường hàng trăm tấn rau, củ, quả bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, được người tiêu dùng ưa chuộng và tin dùng, đem lại nguồn thu nhập hàng tỷ đồng cho xã viên và người dân địa phương.
Theo Chủ tịch UBND xã Trần Quang Ngọc, mỗi ha dưa nhà kính, nhà lưới trồng được 20 nghìn cây, thu hoạch khoảng 30 tấn quả, bán ra thị trường thu về hơn một tỷ đồng/ha/năm, chi phí hết 60%, còn lại là "vào túi" người trồng dưa. Ðối với diện tích đang ứng dụng một phần công nghệ cao cũng cho thu nhập bình quân hơn 200 triệu đồng/ha.
Ngoài ra xã Quang Kim vẫn duy trì các cây trồng, vật nuôi truyền thống có giá trị như lúa chất lượng cao, đậu tương, khoai lang tím Nhật Bản…, nhờ vậy, nâng giá trị canh tác đất nông nghiệp của xã đạt bình quân 130 triệu đồng/ha. Ðây là con số cao so với mặt bằng chung của các địa phương vùng biên giới của tỉnh Lào Cai. Hiện nay, nông sản của xã Quang Kim tiêu thụ thông qua các đầu mối uy tín ở TP Hà Nội và các tỉnh Hải Dương, Thanh Hóa...; sản phẩm sản xuất ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó, khiến cho người dân yên tâm đầu tư phát triển sản xuất.
Xây dựng thôn, bản kiểu mẫu
Hoàn thành xây dựng nông thôn mới (NTM) từ năm 2014, hiện nay, đồng bào dân tộc Giáy ở xã miền núi Quang Kim đang dồn sức xây dựng thôn, bản kiểu mẫu, để duy trì và nâng cao chất lượng cuộc sống. Chúng tôi đến gia đình anh Lùng Văn Ðài, dân tộc Giáy, ở thôn Pẳn 1, chứng kiến căn nhà xây hai tầng khang trang, còn tươi mầu sơn mới, đồng bộ cả nhà bếp, nhà vệ sinh đạt chuẩn, hệ thống cấp nước hợp vệ sinh. Anh Ðài cho biết, vừa mới đầu tư hàng trăm triệu đồng để lắp đặt nguồn nước sạch, xây nhà vệ sinh hợp chuẩn, bảo đảm tiêu chí môi trường của thôn kiểu mẫu.
Thôn Pẳn 1 có hơn 80 hộ đồng bào dân tộc Giáy, bên cạnh việc hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM về kinh tế, việc làm, giao thông, điện, nhà văn hóa… thì người dân dồn sức vào các tiêu chí như nước sạch, nhà vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi, vệ sinh môi trường và đã cơ bản hoàn thành các tiêu chí này, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống lên rõ rệt. Cùng với thôn Pẳn 1, thôn Làng Kim có gần 60 hộ người Giáy, đến nay đã hoàn thành 100% các tiêu chí về nước sạch, công trình phụ trợ và vệ sinh môi trường.
Chị Vi Thị Là, ở thôn Làng Kim cho biết, trước kia gia đình chị cũng như các hộ trong thôn chẳng mấy ai để ý đến môi trường sống trong nhà mình cũng như đường làng, ngõ xóm. Nhiều hôm nắng to, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, mưa xuống thì bùn đất, rác thải tràn ra đường không còn chỗ bước chân. Cũng bởi môi trường sống không tốt cho nên dịch bệnh thường xuyên xảy ra...
"Từ khi xây dựng NTM, cán bộ xã, thôn đi đến từng nhà tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt việc ăn, ở hợp vệ sinh, bảo vệ môi trường. Gia đình mình và bà con trong thôn lúc đầu cũng chỉ làm đối phó vì không muốn bị nhắc nhở nhiều, nhưng lâu dần cũng đi vào nền nếp. Hơn nữa, từ khi rác thải được thu gom, ăn, ở hợp vệ sinh, nhà cửa sạch sẽ thì sức khỏe của con cháu tốt hẳn lên... Các cháu nhỏ và người cao tuổi không còn bị ốm đau nhiều…", chị Là chia sẻ.
Chủ tịch UBND xã Quang Kim Trần Văn Ngọc cho biết, để thực hiện chương trình xây dựng NTM, tiêu chí khó nhất là môi trường. Lâu nay bà con có tập quán canh tác, sinh hoạt luộm thuộm, rất ít quan tâm đến môi trường. Vì vậy, làm thế nào thay đổi được suy nghĩ, thói quen của người dân cả trong sinh hoạt lẫn sản xuất là vấn đề được lãnh đạo xã nhiều lần bàn bạc để tìm ra hướng giải quyết. Xã đã thực hiện tuyên truyền, vận động người dân, gắn phong trào vệ sinh với nâng cao sức khỏe để xây dựng NTM, người dân trong xã đã hiểu và hưởng ứng tích cực.
Cũng theo đồng chí Trần Quang Ngọc, đến nay xã Quang Kim có 1.491 trong số 1.519 hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh, 100% số hộ dân ở các thôn vùng sâu, vùng xa có hố rác cũng như thực hiện phân loại và xử lý rác tại chỗ. Hiện tại, xã có 18 tổ thu gom rác thải, người dân các thôn duy trì mỗi tháng từ một đến hai lần vệ sinh môi trường chung quanh cũng như các tuyến đường liên thôn. Chính vì vậy, nhiều năm nay, xã Quang Kim không xảy ra dịch bệnh, không có vụ ngộ độc thực phẩm nào, người dân ốm đau đều đến trạm y tế xã khám và điều trị. Nhờ đó mà công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của người dân ngày càng được nâng cao, góp phần xây dựng thôn, bản kiểu mẫu bền vững./.
Ngọc Mai