Thứ Năm, 19/12/2024
Những con đường từ sức dân

 Ông Vòng Vĩnh Ốn (xã Bàu Sen, TX.Long Khánh) vui vẻ khoe tuyến đường liên xã
 tại xã Bàu Sen được làm từ sức dân

* Hoàn toàn do dân thực hiện

Ông Bùi Hoàng Quyên, Trưởng ban Dân vận Thị ủy Long Khánh, cho biết từ năm 2015 đến nay TX.Long Khánh đã làm được 9 tuyến đường trong nội ô các phường, xã hoàn toàn từ sức dân với tổng kinh phí đầu tư khoảng 6 tỷ đồng, chưa tính đến chi phí dân hiến đất và tài sản trên đất. Đây là mô hình sáng tạo của TX.Long Khánh trong huy động sức dân xây dựng nông thôn mới. Phong trào được bắt đầu với việc mỗi đoàn viên, hội viên tiết kiệm 2 ngàn đồng/tháng gây quỹ xây dựng nông thôn mới. Số tiền tiết kiệm này dùng mua xi măng tài trợ cho những dự án làm đường giao thông. “Những tuyến đường trên thực sự do người dân tự họp bàn, cùng nhau hiến đất, góp tiền, góp công, chọn thuê thi công, giám sát, nghiệm thu công trình... Nhờ đó, một số tuyến đường bê tông dài cả cây số chỉ tốn kinh phí vài trăm triệu đồng, rẻ hơn nhiều lần so với làm đường theo đúng quy trình, thủ tục của Nhà nước” - ông Quyên nói.

Tuyến đường bê tông rộng 3m, dài 1km với tổng vốn đầu tư trên 538 triệu đồng tại tổ 3, ấp Tân Thủy, xã Bàu Sen vừa hoàn thành đưa vào sử dụng là từ vốn đóng góp của người dân. Tuyến đường này nối với 3 xã khác là Xuân Lập, Hàng Gòn, Xuân Tân nên lượng người đi lại rất đông. Vụ thu hoạch trái cây hè năm nay, nông dân mừng lắm vì xe tải vào tận vườn chở hàng chứ không còn cảnh xe máy phải chở từng sọt trái cây ra đường lớn như trước.

Theo Hội Nông dân TX.Long Khánh, giai đoạn 2012-2017, nông dân thị xã tự nguyện đóng góp trên 22 tỷ đồng và hàng ngàn ngày công lao động xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, hàng trăm tỷ đồng đã được nông dân đóng góp thông qua việc hiến đất ở, đất nông nghiệp và nhiều tài sản khác trên đất để làm các công trình hạ tầng nông thôn như: đường giao thông, nhà văn hóa, nhà trẻ...

Theo ông Vòng Vĩnh Ốn, người có uy tín trong cộng đồng người Hoa của xã Bàu Sen, con đường vừa hoàn thành đi qua đất của Bàu Sen nhưng chủ đất lại sinh sống phân tán ở nhiều xã khác nhau nên việc vận động người dân đóng góp làm đường không dễ. Xã đã thành lập ra Ban vận động làm đường và tổ chức các đoàn đi đến tận nhà mời từng người dân tham gia họp bàn về việc làm đường. Ban vận động làm việc rất nghiêm túc nên người dân mới tin tưởng, đồng lòng. Ông Ốn nói vui: “Thấy tôi đầu bạc 80 tuổi mà vẫn lặn lội đến từng nhà vận động, rồi đi đầu trong đóng tiền, hiến đất nên người dân ở xa vẫn đến tham gia các buổi họp bàn, việc đóng tiền cũng rất đúng hẹn”.

Ông Sú Tắc Phí, nguyên Chi hội trưởng Chi hội nông dân ấp Tân Thủy, xã Bàu Sen, một trong những thành viên tích cực trong công tác dân vận, vui vẻ khoe: “Toàn xã đã làm được 2 tuyến đường liên xã với tổng chiều dài 2,4km và 3 tuyến đường nội đồng, tất cả hoàn toàn từ vốn của dân. Những con đường này không nằm trong diện được Nhà nước hỗ trợ vốn nhưng người dân vẫn rất nhiệt tình góp của, góp công”. Theo ông Phí, một trong những yếu tố động viên người dân rất lớn và kịp thời là lãnh đạo Thị ủy, chính quyền xã Bàu Sen luôn theo sát cùng dân trong quá trình thực hiện. Khi nguồn kinh phí làm đường còn thiếu, chính quyền thị xã và xã đều nỗ lực vận động các doanh nghiệp, mạnh thường quân ủng hộ để sớm hoàn thành những con đường hơn cả mong đợi ban đầu của người dân.

* Tiếp tục nhân rộng

Xã Bàu Trâm cũng là một trong những địa  phương thực hiện tốt việc đầu tư đường giao thông hoàn toàn từ nguồn vốn xã hội hóa. Đến nay, xã đã làm được 3 tuyến đường liên xã, liên ấp tại những khu vực có đông đồng bào dân tộc Chơro sinh sống. Để hoàn thành 3 tuyến đường trị giá hơn 1 tỷ đồng cho đồng bào dân tộc nghèo là nỗ lực rất lớn của người dân và chính quyền địa phương. Ông Thổ Đực, già làng dân tộc Chơro tại xã Bàu Trâm, kể: “Trước ở đây còn đường đất bà con cực lắm, phải đội bao lúa lên đầu khi đi chà, nay có đường chạy xe vù cái là đến”.

Theo ông Thổ Đực, những tuyến đường này đều là dân chủ động xin làm. Đồng bào dân tộc còn nghèo nhưng vẫn cố gắng đóng góp làm đường vì có con đường thuận tiện thì sinh hoạt và sản xuất mới phát triển được. Việc vận động người dân cũng được vận dụng rất linh hoạt, tùy vào sức dân theo kiểu người có công góp công, người khá gánh bớt cho hộ khó khăn hơn.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Bàu Trâm, nhận xét: “Mỗi một tuyến đường vốn xã hội hóa đều là sự góp nhặt từng chút một từ nguồn đóng góp của các đoàn, Hội, doanh nghiệp, mạnh thường quân, từ người dân hiến đất, bỏ tiền, bỏ công làm. Những con đường từ sức dân này vẫn sẽ tiếp tục được nhân rộng trong thời gian tới. Trong đó, xã sẽ ưu tiên cho các khu vực vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số kinh tế còn khó khăn”. 

Nói về phong trào trên, ông Nguyễn Đức Thạnh, Phó bí thư thường trực Thị ủy Long Khánh, cho biết: “Từ sự đóng góp của các đoàn thể, doanh nghiệp, mạnh thường quân, người dân được tiếp sức rất nhiều để làm nên những tuyến đường không cần đồng vốn nào từ ngân sách nhà nước. Nhân rộng mô hình trên có ý nghĩa rất lớn trong việc hoàn thành mục tiêu xây dựng các xã, phường nông thôn mới kiểu mẫu trong tương lai”.

Nhấn mạnh về sự đóng góp của nông dân xây dựng nông thôn mới, bà Nguyễn Thị Xuân Dung, Chủ tịch Hội Nông dân TX.Long Khánh, dẫn chứng: “Chỉ riêng trong năm 2017, các cấp Hội Nông dân thị xã đã trực tiếp vận động làm được gần 63km đường giao thông, gần 23km kênh mương, 17 công trình sáng - xanh - sạch - đẹp do nông dân tự quản”. /.

N. Đồng 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất