Thứ Ba, 21/1/2025
Tuyên Quang Phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong xây dựng nông thôn mới

Theo Văn phòng điều phối chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tại các xã đạt chuẩn, xã đăng ký đạt chuẩn và những xã không nằm trong lộ trình về đích nông thôn mới, thì việc đầu tiên các địa phương thực hiện là tuyên truyền, vận động, để người dân nhận thức rõ vai trò chủ thể của mình trong công cuộc xây dựng nông thôn mới. Chỉ có như vậy, người dân mới phát huy sự chủ động, sáng tạo của mình, phát huy nội lực thực hiện các tiêu chí liên quan đến mình. 


 Phụ nữ thôn Đồng Lem, xã Lưỡng Vượng (thành phố Tuyên Quang)
chăm sóc hoa trồng hai bên đường bê tông của thôn.

Xã Thái Long (thành phố Tuyên Quang) đang nước rút thực hiện các tiêu chí cuối cùng trong lộ trình chạm đích vào năm nay. Theo UBND xã Thái Long, hiện các tiêu chí đã cơ bản hoàn thành, có được kết quả này là nhờ sự vào cuộc, nỗ lực của chính người dân. 

Nhà văn hóa thôn Hải Thành vừa hoàn thành cuối năm 2017. Trước năm 2016, nhà văn hóa thôn nhỏ hẹp, chật chội, xuống cấp và không có khuôn viên để vui chơi. Từ cuộc họp thôn đến những buổi sinh hoạt văn hóa, phổ biến kiến thức pháp luật đều phải sử dụng nhà văn hóa, tuy nhiên vì cơ sở vật chất không cho phép nên không đáp ứng được yêu cầu sử dụng. Khi chương trình làm nhà văn hóa gắn với sân thể thao và khuôn viên theo Nghị quyết 03 của HĐND tỉnh được triển khai, thôn Hải Thành đăng ký xây dựng lại nhà theo mẫu mới. Tuy nhiên, diện tích xây dựng nhà cũ không đủ đáp ứng tiêu chí mới, thôn đã họp nhân dân, vận động nhiều nông dân có diện tích đất liên quan hiến đất để hoàn thành nhà văn hóa theo đúng tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Sau khi vận động, đã có nhiều nông dân như ông Trần Văn Nam hiến 220 m2; ông Tiêu Văn Ngọt hiến 163 m2; ông Trần Văn Dũng hiến 122 m2; ông Trần Văn Quý hiến 91 m2. Ông Trần Văn Nam là một trong 4 hộ hiến đất xây dựng nhà văn hóa cho rằng, vẫn biết “tấc đất tấc vàng”, nhưng vì lợi ích chung, cũng vì chính cuộc sống của mình, con cháu mình sau này, nên hy sinh một chút lợi ích nhỏ vì công việc lớn mình cũng không so đo gì. 

Không chỉ ở Hải Thành, mà ở hầu hết các thôn ở Thái Long, đã có hàng chục hộ nông dân hiến đất, đóng góp ngày công lao động để hoàn thành nhà văn hóa gắn với sân thể thao và khuôn viên, kênh mương nội đồng, đường giao thông nội đồng. Ông Lê Duy Toàn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thái Long thống kê, trong 2 năm xây dựng nông thôn mới gần đây nhất (2017 - 2018), nông dân Thái Long đã hiến trên 1.500 m2 đất để hoàn thành các công trình hạ tầng phục vụ sinh hoạt, sản xuất. Trong số này, không ít hộ là hộ nghèo, cận nghèo, nhưng nhận thức công trình xây dựng là để phục vụ chính đời sống của mình, con em mình, nên không ai đòi hỏi bất cứ một sự đền bù nào. 

Không chỉ thể hiện vai trò của mình trong việc hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn, nông dân ở Thái Long còn chủ động cải tạo vườn tạp, biến những khu vườn thu nhập thấp một thời thành những mô hình cây ăn quả cho giá trị kinh tế cao. 

Ông Lê Duy Toàn chia sẻ, thời điểm đầu mới phát động chỉ có 21 hộ tham gia cải tạo với diện tích khoảng 6,5 ha. Gia đình ông Nguyễn Văn Cậy, thôn Hòa Mục 2 là một trong những hộ đầu tiên tham gia dự án cho biết, khi chuyển đổi 0,6 ha vườn tạp sang trồng cây ăn quả, gia đình cũng lo lắm vì không biết hiệu quả như nào, nhưng sau 3 năm, khi cây bắt đầu cho quả, chất lượng bưởi được người tiêu dùng đánh giá cao nên gia đình ông yên tâm hơn. Ông Đỗ Công Trình, thôn Phú An 1 sau khi tham quan mô hình của các hộ gia đình trồng cây ăn quả từ dự án cải tạo vườn tạp cũng mạnh dạn chuyển đổi hơn 2 ha sang trồng bưởi. Đây chỉ là 2 ha trong số hơn 50 ha cây ăn quả ở Thái Long được hình thành sau dự án cải tạo vườn tạp do Hội Nông dân xã phát động từ năm 2014. Hiện, UBND xã Thái Long đang thực hiện các bước đăng ký nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm bưởi, góp phần giúp người nông dân yên tâm hơn trong đầu tư, canh tác. 

Tại xã Lưỡng Vượng, sau hơn nửa năm hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới, người dân nhận thức được vai trò của mình trong việc giữ gìn và nâng cao chất lượng các tiêu chí. Cứ mỗi chiều, bà Vương Thị Quyền, thôn Đồng Lem lại cùng mấy chị em phụ nữ trong thôn ra quét dọn, nhặt cỏ khu vực đường hoa do chị em phụ nữ trong thôn tự tay trồng, chăm sóc. Bà Quyền bảo, trước đây nhà nào biết nhà nấy, nhưng từ ngày phong trào xây dựng nông thôn mới được thực hiện sâu rộng, chị em được đi tham quan các mô hình tự quản tại các xã, các thôn khác, không ai bảo ai cũng chung tay làm đẹp cho xóm làng mình. 

Lưỡng Vượng hiện đã hình thành hơn 1 km đường hoa tại các thôn, xóm. Theo chị Phan Thị Hiển, Chủ tịch Hội LHPN xã Lưỡng Vượng, khi mới vận động chị em thực hiện các tuyến đường hoa, hội chỉ nghĩ sẽ xây dựng được 1-2 tuyến làm điểm, nhưng chỉ sau hơn 1 tháng triển khai, phong trào đã lan tỏa sâu rộng và thu hút chị em ở tất cả 16 chi hội cùng tham gia. Nhờ vậy, tiêu chí môi trường ở Lưỡng Vượng - một trong những tiêu chí “bấp bênh” nhất sau khi xã về đích nông thôn mới năm 2016 đã được bà con chung tay giữ gìn và không ngừng nâng cao chất lượng tiêu chí. 

Văn phòng điều phối chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và các địa phương xác định, thu hút nông dân tham gia xây dựng nông thôn mới không chỉ dừng lại ở việc hiến đất làm đường, làm sạch môi trường mà còn phải nâng lên một bước, nông dân phải chung tay xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Qua đó, đảm bảo hoàn thành mục tiêu cuối cùng của xây dựng nông thôn mới là không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Trần Liên/Báo Tuyên Quang điện tử

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất