Trong 19 tiêu chí nông thôn mới, tiêu chí môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm (tiêu chí số 17) - là khó thực hiện nhất. Tuy nhiên, bằng nhiều biện pháp quyết liệt, đến nay, trong số 121 xã thuộc diện xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Bình Định đã có 67 xã đạt tiêu chí này.
Xây dựng tổ tự quản vệ sinh môi trường
Theo Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới (XDNTM) thuộc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định, với sự vào cuộc tích cực của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, đến nay việc thực hiện tiêu chí số 17 của các xã XDNTM trên địa bàn tỉnh đã có chuyển biến tích cực. Qua đó làm thay đổi nhận thức của đa số người dân trong việc cùng chung tay gìn giữ, bảo vệ môi trường tại nông thôn.
Ông Phan Thành Giản, quyền Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn kiêm Phó chánh Văn phòng Điều phối XDNTM, cho biết: Xác định tiêu chí số 17 là rất quan trọng trong XDNTM, trong các năm qua, đơn vị đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ người dân thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn, bảo vệ môi trường tại các xã. Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập được 67 tổ tự quản vệ sinh môi trường tại các xã đạt chuẩn NTM. Tỉnh cũng đã dành nguồn kinh phí để hỗ trợ mua xe thu gom rác tại các xã; đồng thời triển khai thực hiện nhiều mô hình xử lý, vệ sinh môi trường trong chăn nuôi heo, xây dựng công trình khí sinh học, hỗ trợ xây dựng các bãi xử lý rác thải sinh hoạt tập trung... Đến nay, toàn tỉnh đã có 67/121 xã đạt chuẩn tiêu chí số 17 về đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ông Dương Minh Tân, Chủ tịch UBND xã Phước Hưng (Tuy Phước), cho biết: Trước vấn nạn ô nhiễm môi trường nông thôn ngày càng gia tăng, xã xác định để về đích NTM, việc đầu tiên là phải thực hiện tốt tiêu chí môi trường. Xã đã xây dựng hoàn thiện Đề án thu gom rác thải sinh hoạt, thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Đề án, tổ chức triển khai đến nhân dân 7 thôn trong xã và được bà con đồng tình ủng hộ. Bên cạnh đó, xã đã hợp đồng với Ban quản lý Nước sạch - Vệ sinh môi trường huyện tiến hành thu gom rác thải tại các điểm công cộng như chợ Háo Lễ, cầu Dài, Gò Dâu và thu gom rác sinh hoạt của các hộ dân sống dọc theo tỉnh lộ 636B… Nhờ thực hiện quyết liệt tiêu chí số 17, đến nay, xã Phước Hưng là địa phương đi đầu trong công tác bảo vệ môi trường ở Tuy Phước. Qua đó, tạo môi trường trong lành và cảnh quan xanh, sạch, đẹp.
Bảo vệ môi trường nông thôn
Tuy việc thực hiện tiêu chí số 17 đã có sự chuyển biến tích cực, song vẫn còn một số hạn chế. Tại một số địa phương, nguồn lực dành cho công tác thu gom, xử lý rác thải chưa nhiều. Ý thức của một bộ phận người dân trong việc thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt gia đình còn thấp nên tình trạng lén xả thải bừa bãi vẫn còn. Một số cơ sở chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ vẫn còn nằm rải rác trong các khu dân cư, làm phát tán mùi hôi, gây ô nhiễm môi trường...
Để đẩy mạnh thực hiện tiêu chí môi trường, từ nguồn kinh phí của Chương trình XDNTM, tỉnh đã phân bổ gần 2 tỉ đồng hỗ trợ xử lý môi trường tại 13 xã đăng ký đạt chuẩn NTM trong năm nay. Văn phòng Điều phối XDNTM cũng đã tích cực phối hợp với chính quyền các địa phương tăng cường tuyên truyền sâu rộng đến nhân dân, nhằm từng bước thay đổi nhận thức, thói quen, tập quán của cộng đồng, làm cho mọi người hiểu rõ sự cần thiết phải thực hiện tiêu chí môi trường.
Bên cạnh sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, các địa phương cần có chính sách khuyến khích xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, huy động nguồn lực của cộng đồng dân cư, DN cùng tham gia vào hoạt động cải tạo và bảo vệ môi trường, như ứng dụng công nghệ phù hợp, sửa chữa, nâng cấp và tổ chức xây dựng mới các công trình cấp nước, công trình vệ sinh đạt tiêu chuẩn, nhằm tăng cường số người sử dụng nước sạch và tăng thêm số nhà tiêu, chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh. Quan tâm đẩy mạnh công tác thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt; phát huy và nhân rộng các mô hình gia đình thân thiện với môi trường, xử lý rác thải tại hộ gia đình, mô hình tổ phụ nữ tự quản tham gia bảo vệ môi trường, con đường tự quản…, xây dựng nông thôn xanh, sạch, đẹp.
Hồng Kiên