Thứ Ba, 19/11/2024
Những con đường nối lòng dân

Cách trung tâm huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế hơn 10 km về phía tây, Phong Mỹ có diện tích đất tự nhiên rộng hơn 39.400 ha, chiếm 1/3 tổng diện tích đất tự nhiên toàn huyện. Người dân của xã chủ yếu làm nông, lâm nghiệp, nhu cầu vận chuyển trong sản xuất, tiêu thụ nông sản lớn nên việc phát triển hạ tầng giao thông có tác động lớn đến phát triển kinh tế của địa phương.

Ông Lê Văn Lục, người dân bản Hạ Long, xã Phong Mỹ chia sẻ: “Có đường, khoảng cách về miền xuôi ngắn lại, hàng hóa nông sản của người dân không bị ép giá, xe cơ giới vào tận ruộng đồng thì tiếc chi không hiến đất làm đường”. Nhiều người dân khác ở Phong Mỹ cũng có chung suy nghĩ như ông Lục.

Đảng ủy xã chỉ đạo các tổ dân vận khi tuyên truyền, vận động kêu gọi người dân tham gia các phong trào xây dựng NTM không được áp đặt, phải phân tích, thuyết phục để dân hiểu họ chủ thể và cũng là người trực tiếp hưởng lợi. Từ đó, bà con không còn tính toán thiệt hơn, hầu hết các hộ có đường cắt ngang qua vườn nhà mình đều sẵn sàng hiến đất mà không có bất cứ yêu cầu, đòi hỏi nào. Ông Mai Lộc, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Trưởng ban Dân vận xã Phong Mỹ cho biết: “Hơn 22.600m2 đất do người dân 7/10 thôn, bản hiến để xây dựng đường GTNT là kết quả ngoài mong đợi của chúng tôi so với kế hoạch đề ra ban đầu…”.

Không thụ động chờ ngân sách từ cấp trên, tại các cuộc họp thôn, bản, lãnh đạo xã đưa vấn đề ra bàn bạc cùng dân, dựa vào điều kiện kinh tế từng thôn, bản để chọn những mức đóng góp phù hợp nên hầu hết người dân đều đồng lòng tham gia. Nhờ đó, xã đã nhanh chóng huy động được hàng trăm triệu đồng. Ông Mai Lộc bày tỏ vui mừng: Nhiều nơi kinh phí từ dân đóng góp lên đến 40%. Điển hình như các thôn Tân Mỹ, Lưu Hiền Hòa… đề ra mỗi hộ đóng góp bình quân từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng, thế nhưng nhiều hộ nhận thấy lợi ích khi có con đường mới đi qua nên đã tự nguyện đóng góp từ 3 đến 4 triệu đồng. Đáng chú ý, hộ ông Lê Viết Trí ở đội 3, thôn Tân Mỹ đóng góp gần 7 triệu đồng. Thậm chí những hộ nghèo dù được miễn đóng góp nhưng vẫn tự nguyện tham gia để hưởng ứng phong trào.

Hai bản Hạ Long và Khe Trăn được Nhà nước đầu tư 100% kinh phí làm đường giao thông định canh định cư cho đồng bào dân tộc miền núi theo chương trình mục tiêu quốc gia, người dân chỉ hiến đất. Tuy nhiên, dân cư ở các bản này sống không tập trung, diện tích đất phải giải phóng của mỗi hộ khá nhiều, có hộ lên đến hàng ngàn mét vuông, hầu hết là đất đang canh tác chưa đến kỳ thu hoạch. Các đồng chí trong Ban Thường vụ Đảng ủy xã cùng thôn trưởng trực tiếp đến từng nhà dân tuyên truyền, vận động. Qua đó, nhiều gia đình đã tự nguyện hiến đất, như gia đình ông Hoàng Thái Dũng ở bản Hạ Long đã hiến hơn 2.700m2 diện tích đất có nhiều cây cao su và tràm hoa vàng chưa thu hoạch với tổng kinh phí thiệt hại ước tính hàng chục triệu đồng. Ông Dũng nêu rõ quan điểm: “Trước mắt có chút thiệt thòi, nhưng đường làm xong thì tư thương không còn lý do ép giá lâm sản của chúng tôi, thiệt thòi sẽ nhanh chóng được bù đắp”.

Nhiều hộ dân ở thôn Phước Thọ cũng sẵn sàng hy sinh những vườn sắn, vườn tràm có diện tích từ vài trăm đến hàng ngàn mét vuông chưa đến kỳ thu hoạch để hiến đất làm đường. Để tạo thêm niềm tin với người dân, trong quá trình thực hiện các công trình, xã không chỉ tiếp thu nghiêm túc ý kiến đóng góp của Nhân dân để mọi người mạnh dạn phát huy quyền làm chủ của mình, mà còn giao quyền quản lý, giám sát cho dân, công khai các văn bản thanh, quyết toán công trình một cách minh bạch, nên không nảy sinh trường hợp đơn thư khiếu nại hoặc ý kiến phản ảnh nào.

Đến nay, các tuyến đường dân sinh ở xã Phong Mỹ đã cơ bản hoàn thiện, toàn xã chỉ còn hơn 4 km đường nội đồng phục vụ sản xuất chưa hoàn thành. Xã dự kiến, nếu chưa có kinh phí bê tông hóa, trong thời gian sớm nhất sẽ tiến hành làm đường cấp phối, bảo đảm không lầy lội để sớm đạt tiêu chí số 2 về giao thông trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM, đảm bảo tiến độ về đích NTM trong năm 2018./.

Nguồn: baothuathienhue.vn

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi