Thứ Ba, 19/11/2024
Phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới

Xã Tân Hà, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng

Thực hiện phong trào có ý nghĩa này, chính quyền các cấp đã tạo điều kiện thuận lợi để mọi người dân cùng tham gia, đóng góp ý kiến từ quá trình lập quy hoạch chung đến việc dân tự quyết các hình thức thi công, sản xuất, lựa chọn nhà thầu, quản lý, giám sát công trình giúp nâng cao chất lượng công trình, nâng cao hiệu quả đầu tư.

Các cơ chế, chính sách từng bước phát huy hiệu quả, đi vào thực tiễn như chính sách nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ chi phí vật liệu thiết yếu, hỗ trợ tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn, hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khuyến khích phát triển các hình thức tổ chức sản xuất mới.

Bộ mặt nông thôn huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng có nhiều thay đổi và khởi sắc: Trường học, trạm y tế, trụ sở UBND xã được đầu tư xây dựng khang trang; đường làng, ngõ xóm được bê tông hóa, sạch đẹp; các công trình nhà ở, vệ sinh nông thôn được cải tạo; cơ sở hạ tầng nông thôn cơ bản đáp ứng được nhu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân.

Anh Nguyễn Văn Tần - Thôn 1, xã Tân Thanh cho biết: Anh và gia đình vào lập nghiệp tại Tân Thanh đã 25 năm. Đến nay, đời sống của người dân được nâng lên rất nhiều. Nhà anh có 2,7 ha cà phê và kinh tế khá ổn định; hệ thống điện, đường sá được Nhà nước đầu tư, hỗ trợ nên bộ mặt nông thôn thay đổi đáng kể, nhân dân rất phấn khởi, yên tâm sản xuất.

Được biết, tại Lâm Hà đã xuất hiện nhiều mô hình mới, cách làm hay, sáng tạo, được nhân dân hưởng ứng tích cực như các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Dân vận khéo”, “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới”, “5 không - 3 sạch”... Các nội dung ấy được đông đảo đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tham gia, có sức cuốn hút mạnh mẽ nhờ công tác tuyên truyền, vận động của MTTQ và đoàn thể chính trị - xã hội rất tích cực. Kết quả, có 76 mô hình liên kết phát triển kinh tế, 72 mô hình giúp nhau giảm nghèo rất hiệu quả được bà con nhân rộng trong toàn huyện... Đồng thời, tại Lâm Hà có những mô hình mới được UBMTTQ và đoàn thể phát động và được nhân dân hưởng ứng. Tại các khu dân cư, Ban công tác Mặt trận và các chi hội đoàn thể đã triển khai xây dựng được 58 mô hình tự quản bảo vệ môi trường, 166 mô hình bảo vệ môi trường, 1.812 hộ gia đình đăng ký sản xuất - kinh doanh an toàn thực phẩm. Các hội, đoàn thể đã vận động các hộ gia đình thu gom rác thải tập trung, thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật, lắp đặt các bể chứa rác thải và đã xây dựng được 32 mô hình về xử lý chất thải. Huyện đã xây dựng được 3 mô hình về thực hiện nếp sống văn minh “không rải vàng mã, hoa, tiền trên đường đưa tang”, không để tang ma quá thời gian quy định. Tổ chức hoạt động “Sáng thứ bảy xanh”, “Ngày chủ nhật sạch” trong nhân dân tại các khu dân cư rất sôi nổi và được nhân dân tham gia thường xuyên, tạo nề nếp sinh hoạt tại khu dân cư; qua đó góp phần làm đẹp - sạch đường làng, ngõ xóm, xây dựng bộ mặt nông thôn ngày một đẹp hơn, khang trang hơn.

Thống kê mới nhất, 6 tháng đầu năm 2018, toàn huyện Lâm Hà đã huy động sức dân được trên 1,8 tỷ đồng để ủng hộ, hỗ trợ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Từ nguồn lực nhân dân hiến đất làm đường với trên 16 ngàn m2 đất, đóng góp 2.542 ngày công lao động đã cùng chính quyền các cấp xây dựng hạ tầng cơ sở, đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn hiện nay.

Ông Nguyễn Minh An - Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà cho biết: Đến nay, toàn huyện Lâm Hà có 9 xã đã được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, có 3 xã đạt 15 - 18 tiêu chí là Tân Hà, Liên Hà, Tân Thanh. Các xã còn lại đạt từ 4 - 6 tiêu chí. Trong năm 2018, huyện chú trọng chỉ đạo thực hiện và quyết tâm đến hết năm 2018, 3 xã: Tân Hà, Liên Hà và Tân Thanh sẽ về đích nông thôn mới theo đúng lộ trình và tiếp tục thực hiện nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới đối với các xã đã đạt chuẩn. Trong đó, huyện chỉ đạo chú trọng bằng nhiều hình thức tuyên truyền, vận động để nhân dân hiểu về nội dung, phương pháp, cách thức xây dựng nông thôn mới. Từ đó, nhân dân tự tin đảm nhận vai trò làm chủ, tự nguyện, tự giác tham gia đóng góp sức người, sức của, nêu cao vai trò giám sát công trình để cùng huyện xây dựng nông thôn mới bền vững./.

Nguồn: http://baolamdong.vn, ngày 22/8/2018

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi