Thứ Ba, 21/1/2025
Thanh Hóa: Hiệu quả từ các dự án, chương trình hỗ trợ bò giống

 Trao bò cho hộ nghèo ở thôn Trảy, xã Cẩm Thạch (Cẩm Thủy)

Là địa phương được hưởng lợi từ Dự án “Ngân hàng bò” và Chương trình “Chung tay vì cộng đồng - hỗ trợ bò giống giúp người nghèo biên giới”, Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) huyện Như Xuân đã rà soát, lập danh sách tổ chức bình xét công khai, dân chủ để thống nhất những hộ được nhận hỗ trợ, tránh xảy ra khiếu kiện trong dân. Sau khi nhận bò, các hộ dân được tham gia tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc bò sinh sản do ban quản lý dự án phối hợp với các phòng chuyên môn của huyện hướng dẫn. Hội CTĐ huyện thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các gia đình làm chuồng trại, phối hợp với cán bộ thú y tiêm phòng định kỳ cho đàn bò giống. Ông Hà Văn Nam, Phó Chủ tịch Hội CTĐ huyện Như Xuân cho biết: Nhờ thực hiện đúng quy trình chăm, nuôi bò giống, nên từ 356 con bò được cấp từ ban đầu (250 con từ Chương trình “Chung tay vì cộng đồng - hỗ trợ bò giống giúp người nghèo biên giới), đến nay, tổng số bò đã tăng lên 410 con, trong đó có hơn 50 con bò cái đã được tặng lại cho các hộ nghèo khác. Nhiều hộ gia đình từ đó đã thoát nghèo. Ông Nguyễn Hoàng Anh, thôn Trung Thành, xã Yên Lễ, cho biết: Gia đình được nhận bò giống sinh sản từ năm 2012. Sau một thời gian nuôi, chăm sóc, bò giống đã sinh 1 bê con, ông đã bàn giao con bê này cho Ban Quản lý Dự án “Ngân hàng bò” để tiếp tục giao cho hộ gia đình nghèo khác. Giờ đây, gia đình ông đã có 5 con bò, 1 con bê. Gia đình đã vươn lên thoát nghèo.

Còn theo bà Nguyễn Thị Mới, Phó Chủ tịch Hội CTĐ huyện Cẩm Thủy: Sau khi nhận được bò, huyện đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc bò sinh sản cho các hộ; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các gia đình làm chuồng trại, tiêm phòng định kỳ cho đàn bò giống. Nhờ thực hiện đúng quy trình chăm, nuôi bò nên 9 con bò được cấp từ ban đầu sau một thời gian  đã nâng tổng số hộ được nhận bò lên 22 hộ.

“Ngân hàng bò” là dự án được Trung ương Hội CTĐ Việt Nam phát động và được triển khai tại tỉnh Thanh Hóa từ năm 2010. Với cách thức triển khai linh hoạt, sáng tạo, đó là mỗi hộ nghèo được trao tặng một con bò giống sinh sản. Sau khi nuôi, nếu đẻ lứa đầu là bê cái, hộ hưởng lợi tiếp tục chăm sóc bê con đến 6 tháng tuổi, rồi chuyển giao bê cho hộ nghèo khác nuôi và được hoàn toàn sở hữu con bò giống ban đầu. Và cứ tiếp tục theo quy trình như vậy, số lượng bò giống không ngừng gia tăng, đồng nghĩa với việc nhiều hộ nghèo được nhận bò để phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh: Từ năm 2012 đến nay, thông qua Dự án “Ngân hàng bò” và Chương trình “Chung tay vì cộng đồng - hỗ trợ bò giống giúp người nghèo biên giới” đã trao tặng gần 5.500 bò giống sinh sản cho các hộ nghèo, với tổng giá trị gần 78 tỷ đồng, trong đó có 234 con thuộc lứa bê đầu tiên được các hộ nhận bò lần đầu hỗ trợ lại cho các hộ nghèo khác tại địa phương. Qua việc triển khai các  dự án, chương trình hỗ trợ bò sinh sản tại nhiều địa phương đã chứng minh chương trình hỗ trợ sinh kế không chỉ mang lại hiệu quả thiết thực cho các hộ nghèo trên toàn tỉnh mà còn mang một ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Đó là sự sẻ chia, chung tay góp sức của cả cộng đồng với tinh thần tương thân tương ái, từng bước góp phần giảm nghèo, tạo điều kiện để người nghèo phát triển kinh tế theo hướng bền vững.

Nguyễn Linh

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi