Thứ Năm, 19/12/2024
Thoát nghèo - đổi thay từ nhận thức

Là một trong những địa phương đầu tiên có hộ nghèo tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo, Đồn Đạc đang dần xoá tên mình khỏi danh sách những địa phương khó khăn nhất của huyện Ba Chẽ. Kết quả này là sự cố gắng và nỗ lực của chính quyền và người dân toàn xã, trong đó có sự đổi mới mạnh mẽ và quyết tâm thực hiện các cách xoá nghèo hiệu quả ở nơi đây.


 Cán bộ thôn Nam Hả Trong, xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ, đến thăm hỏi, động viên gia đình chị Choóng Tài Múi - một trong những hộ tự nguyện thoát nghèo

Không chỉ kêu gọi sự vào cuộc của các cấp lãnh đạo, xã còn lan toả ý thức thoát nghèo đến mỗi người dân. Bên cạnh sự công khai, minh bạch khi xét tiêu chí hộ nghèo, Đồn Đạc còn đẩy mạnh hỗ trợ hộ nghèo những chỉ tiêu khó như chỉ tiêu về nhà ở để sớm thoát nghèo. Cùng với đó, các đoàn thể trên địa bàn cũng chủ động, tích cực vào cuộc trong công tác này. Như Hội Cựu chiến binh xã thực hiện mô hình đổi công giữa hội viên giúp nhau làm kinh tế rừng, nhằm giảm bớt chi phí đầu tư; giúp nhau về kinh nghiệm, kỹ thuật làm ăn, bán sản phẩm. Đoàn Thanh niên xã thực hiện mô hình “Dân vận khéo”, qua đó tăng cường định hướng, tư vấn giúp thanh niên tìm việc làm; gặp gỡ, tư vấn cho toàn bộ thanh niên của xã, cử thanh niên tiêu biểu có việc làm trở về tư vấn lại cho số thanh niên đang ở địa phương... Qua đó, giúp trên 200 thanh niên có việc làm ổn định trong và ngoài địa bàn xã.

Còn ở Bình Liêu, địa phương tập trung rà soát, tìm hiểu nhu cầu hỗ trợ của hộ nghèo để có định hướng khắc phục và hỗ trợ kịp thời. Đến nay, huyện đã lập danh sách 804 hộ nghèo đăng ký thoát nghèo và bước đầu các xã đã thống kê được nhu cầu cần trợ giúp thoát nghèo, thoát cận nghèo. Nhu cầu chủ yếu tập trung vào: Hỗ trợ xây nhà tiêu hợp vệ sinh, xây mới nhà ở, giống, chăn nuôi... Dự kiến sau khi hỗ trợ các cơ chế, chính sách, sẽ có 585 hộ thoát nghèo, 474 hộ thoát cận nghèo. Cùng với đó, hiểu được một trong những khó khăn nhất của các hộ nghèo, hộ cận nghèo chính là thiếu vốn phát triển sản xuất, Bình Liêu đã đẩy mạnh công tác giải ngân, hỗ trợ và tư vấn thủ tục cho vay vốn. Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2018, trên địa bàn huyện thực hiện 16 chương trình tín dụng với tổng dư nợ gần 171 tỷ đồng cho khoảng 4.400 cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp vay. Trong đó, dư nợ cho vay hộ nghèo trên 35 tỷ đồng; cho vay hộ cận nghèo trên 41 tỷ đồng; cho vay hộ mới thoát nghèo trên 9 tỷ đồng, còn lại là các đối tượng khác. Để nâng cao chất lượng chính sách tín dụng, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã duy trì và thực hiện tốt điểm giao dịch cấp xã; thành lập các tổ tiết kiệm và vay vốn thôn, khu.

Cũng giống như ở Bình Liêu, huyện Đầm Hà xác định việc vay vốn là một trong những động lực để người dân mạnh dạn thoát nghèo. Qua đó, giao cho các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện việc tín chấp với các ngân hàng như Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện để người dân tiếp cận nguồn vốn vay đầu tư vào sản xuất. Cùng với đó, huyện còn hỗ trợ con giống để người dân chăn nuôi. Trong năm 2017, huyện Đầm Hà đã trao 258 con bò giống sinh sản cho người dân 3 xã Quảng An, Quảng Lợi và Quảng Lâm với tổng vốn đầu tư hơn 4 tỷ đồng. Để kiểm soát chặt chẽ quy trình thực hiện hỗ trợ bò giống, huyện Đầm Hà cử cán bộ trực tiếp xuống họp với dân, ưu tiên các hộ tiêu biểu được nhận hỗ trợ bò giống của huyện. Đến thời điểm này, người dân ở 3 xã được trao bò giống đã thực hiện tốt quy trình chăn nuôi tại nhà, bảo đảm về nguồn thức ăn và ứng phó tốt với biến đổi thời tiết cho nên đàn bò phát triển khá tốt.

Có thể thấy, dù mới là năm thứ hai thực hiện Đề án 196, nhưng việc đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn của tỉnh đã đạt được những con số khá ấn tượng. Tới nay, đã có 1.625 hộ đăng ký thoát nghèo tại 17 xã, 54 thôn đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh. Quan trọng hơn, ý thức, quan niệm về thoát nghèo đã trở thành thói quen của phần đông người dân vùng khó.

Hoàng Quỳnh

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất