Thứ Năm, 9/1/2025
Phúc trình tự do tôn giáo quốc tế 2015 lại xuyên tạc tình hình tôn giáo Việt Nam

Trên danh nghĩa, BCTDTG là một cơ chế “nội bộ” của Hoa Kỳ. Theo pháp luật Hoa Kỳ, Bộ Ngoại giao nước này phải viết BCTDTG, đánh giá về tình hình tự do tôn giáo ở các quốc gia và đưa ra các khuyến nghị đối với Chính phủ. Hình thức đánh giá những quốc gia vi phạm nghiêm trọng là đưa vào Danh sách “các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo” (viết tắc là CPC). Các khuyến nghị thường là “răn đe” hoặc “trừng phạt” những quốc gia vi phạm quyền tự do tôn giáo nghiêm trọng. Theo khuyến nghị của báo cáo này, Chính phủ Hoa Kỳ có thể sẽ hạn chế quan hệ với những quốc gia CPC về chính trị, ngoại giao, kinh tế. Tuy nhiên “Phúc trình” bị các nước xem là sự can thiệp vào công việc nội bộ của mình.

Bản “Phúc trình” năm nay (2015), phần về Việt Nam có đoạn viết: “Giới chức chính phủ tiếp tục hạn chế các hoạt động của các nhóm tôn giáo không được đăng ký, đặc biệt là những nhóm chính phủ cho là tham gia vào các hoạt động chính trị, trong khi thành viên của các nhóm đã đăng ký có thể thực hành tín ngưỡng của họ mà ít bị can thiệp hơn”. Khác với nhiều năm trước, “Phúc trình” năm nay, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã phê phán Hiến pháp 2013 và pháp luật về TDTG. Phúc trình viết: “Hiến pháp Việt Nam khẳng định tất cả mọi người đều có quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo, tuy nhiên các quy định tôn giáo tại nước này lại cho phép “có những giới hạn về tự do tôn giáo vì các lợi ích an ninh quốc gia và đoàn kết xã hội đã được nêu ra”.


 Hiến pháp 2013 đã kế thừa được các giá trị to lớn của các bản 
Hiếp pháp năm 1946, 1959, 1980 và 1992. Ảnh minh họa.

Việt Nam là quốc gia đa tôn giáo và đa dân tộc. Công dân Việt Nam hầu hết đều có tín ngưỡng. Theo kết quả tổng điều tra dân số năm 2009, cả nước có 13 tôn giáo với hơn 15 triệu tín đồ, hàng vạn chức sắc. Quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam là: “Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng CNXH ở nước ta” (Nghị quyết Trung ương 7 khóa IX). Hiến pháp 2013 của Việt Nam quy định:

 “1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật.

2. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

3. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật” (Điều 24).

Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo không chỉ được quy định bằng pháp luật, mà còn được bảo đảm trong thực tế. Nhiều khách quốc tế có dịp chứng kiến, tham gia các sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam đều thấy những sự kiện này diễn ra sôi động như lễ hội và có chiều hướng ngày càng gia tăng. Đây là một thực tế không ai có thể phủ nhận. Hơn nữa trong lịch sử cận-hiện đại Việt Nam chưa có chế độ xã hội nào tôn trọng và bảo đảm quyền tự do và quyền bình đẳng về tôn giáo như Nhà nước Việt Nam do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Còn nhớ dưới chế độ phong kiến (trước Cách mạng), nhà nước phong kiến Việt Nam kỳ thị với Thiên Chúa giáo, thậm chí ra lệnh giết giáo sĩ phương Tây đến truyền đạo vì cho rằng họ là gián điệp. Dưới chế độ Sài Gòn, đạo Thiên Chúa được đề cao, đạo Phật bị kỳ thị. Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu ở Huế (1963) để phản đối chính sách bất công của chính quyền Sài Gòn là một ví dụ.

Nếu những người soạn thảo báo cáo trên có tư duy khách quan, không kỳ thị về sự khác biệt chế độ xã hội giữa Việt Nam và Hoa Kỳ thì họ phải đặt câu hỏi: Nhà nước Việt Nam có lợi gì khi chống lại gần 20% dân số có đạo của mình? Sự khác biệt về pháp luật, về thể chế trong đó có quản lý xã hội, quản lý tôn giáo giữa Việt Nam với các nước, trong đó có Hoa Kỳ là điều dễ hiểu. Theo Hiến pháp Hoa Kỳ, người được bầu làm Tổng thống khi nhậm chức phải đặt bàn tay lên cuốn Kinh thánh, còn theo quy định của pháp luật Việt Nam những người đứng đầu Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ… khi nhậm chức phải đặt bàn tay lên cuốn Hiến pháp. Nếu ai xem kỹ thì trên tờ đô-la Mỹ có câu: “In God-We trust” (tạm dịch, Chúng tôi tin ở Chúa), như vậy là điều này ngầm ý bắt mọi người phải tin vào Chúa bất kể họ theo tôn giáo nào!?

Trên thế giới có nhiều quốc gia có “quốc đạo”. Chẳng hạn như các quốc gia Hồi giáo hoặc có quốc gia dựa trên một tôn giáo nhất định như nhà nước Va-ti-căng. Về pháp luật và thể chế quản lý xã hội, Hiến pháp Việt Nam quy định tất cả các tổ chức xã hội đều được quản lý trong khuôn khổ nhất định. Nhà nước quản lý các tổ chức xã hội, trong đó có các tôn giáo, theo pháp luật. Việc quản lý đó nhằm hai mục đích: Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, mặt khác không cho những kẻ xấu lợi dụng sinh hoạt của những tổ chức này để phá hoại chế độ xã hội và cuộc sống yên bình của nhân dân.

Hiến pháp năm 2013 quy định:

“1. Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật.

2. Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng". (Điều 14)

Những hạn chế quyền của Hiến pháp 2013 trên thực tế là hoàn toàn tương thích với các văn kiện quốc tế về quyền con người.

Cuộc sống đã cho thấy, thiếu quản lý, thiếu giáo dục về quyền và nghĩa vụ của người dân (kể cả người có đạo và không có đạo), đối xử không công bằng, bất bình đẳng giữa các tôn giáo sẽ dẫn đến những tổn thất, thậm chí là thảm họa cho đất nước. Pháp luật Việt Nam nghiêm cấm kỳ thị đối với bất cứ tôn giáo nào.

Ở Việt Nam đã có nhiều vụ việc do kẻ xấu lợi dụng tôn giáo để phá hoại cuộc sống yên bình của nhân dân. Vào năm 2001 và 2004, đã diễn ra bạo loạn ở Tây Nguyên bởi nhóm “Tin lành Đề Ga”. Tổ chức này không chỉ tuyên truyền mà còn trang bị vũ khí, gây bạo loạn nhằm thiết lập “Nhà nước Đề ga”. Chúng đòi  “đuổi người Kinh” ra khỏi Tây Nguyên… những việc làm đó là phá hoại chính sách đại đoàn kết dân tộc, phá hoại sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Việt Nam không muốn trả giá cho cái gọi là “quyền tự do tôn giáo” mà Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đang gây sức ép.

Sai lầm của những người soạn thảo báo cáo này còn là sự vi phạm các nguyên tắc trong Văn kiện “Xác lập quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ” được ký kết giữa Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma năm 2013 và được tái khẳng định trong Văn kiện “Tầm nhìn chung” được ký kết giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma vào tháng 7-2015. Trong hai văn kiện này, cả hai bên Việt Nam và Hoa Kỳ đều khẳng định nguyên tắc “Tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế và thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau”. Việc BCTDTG của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ không chấp nhận thể chế quản lý tôn giáo và nhiều quy định của pháp luật Việt Nam về khách quan là đi ngược lại tinh thần của hai văn kiện quan trọng nói trên.

Có thể nói cho đến nay quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ đã có một bước phát triển vượt bậc, vững chắc về nhiều mặt từ kinh tế và thương mại, xử lý các vấn đề hậu quả chiến tranh, đến khoa học và công nghệ, giáo dục, y tế, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt là về quốc phòng, an ninh… Sự hợp tác này đòi hỏi hai bên phải khép lại quá khứ, vượt qua khác biệt vì lợi ích của nhân dân hai nước. Muốn làm được điều đó các bên không chỉ tôn trọng thể chế chính trị của nhau mà còn cần xây dựng lòng tin đối với nhau.

Thiết nghĩ những người soạn thảo BCTDTG cần nhận thức đầy đủ hơn trách nhiệm chính trị của mình đối với việc củng cố và phát triển mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam-Hoa Kỳ hiện nay.

Nguồn: qdnd.vn, ngày 15/8/2016


 
 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Xem nhiều nhất