Thứ Ba, 26/11/2024
Nâng cao chất lượng giáo dục Phật giáo Nam tông Khmer trong thời kỳ hội nhập và phát triển

 Quang cảnh buổi tọa đàm

Phát biểu khai mạc, Hòa thượng Thích Giác Toàn, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo Hội Phật giáo Việt Nam, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Giáo dục Tăng ni Trung ương nhấn mạnh: Giáo dục là để nâng cao trí tuệ, đạo đức, nhằm thăng tiến trên con đường giải thoát tự thân, góp phần giải thoát cho những người khác. Bởi vậy, ngôi tự viện của Phật giáo Việt Nam mang tính truyền thống là trung tâm văn hóa, giáo dục, tư vấn cho nhân dân trong vùng và chùa Nam tông Khmer cũng mang đặc tính ấy. Cùng với việc đánh giá cao ý nghĩa chủ đề của cuộc Tọa đàm, Hòa thượng Thích Giác Toàn mong muốn các đại biểu, nhà nghiên cứu cùng nhau bàn thảo và làm rõ thêm về việc xây dựng nội dung giảng dạy, cách truyền đạt giáo lý chính thống của Đức Phật trong khi tiếp thu những nội dung tín ngưỡng dân gian, đây là nét đặc sắc về văn hóa và đặc biệt tránh màu sắc mê tín dị đoan.

Tiếp đó, trong Báo cáo đề dẫn, Hòa thượng Danh Lung, Ủy viên Thường trực Hội đồng trị sự, Phó Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó ban Giáo dục Tăng ni Trung ương cho rằng: Tư tưởng từ bi hỉ xả, vô ngã,… của Đức Phật đã tạo thành một hệ thống giáo lý và được giảng dạy trong giáo dục Phật học nói chung. Kể từ ngày Đảng Cộng sản Việt nam ra đời, đặc biệt là sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước đã tạo điều kiện cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra đời. Theo đó, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách bảo vệ tiếng nói, chữ viết của tộc người Khmer và Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng đề ra nhiều chương trình hỗ trợ để nền giáo dục Phật giáo Nam tông Khmer phát triển đồng bộ trong lòng Giáo hội.

Hòa thượng Danh Lung nhấn mạnh, giáo dục là cơ hội để con người có được nền tri thức đa dạng hơn và cũng là yếu tố quan trọng để mỗi tộc người nhìn lại bản sắc văn hóa của tộc người mình. Nhận thức sâu sắc ý nghĩa đó, mục tiêu của Tọa đàm này là nhằm đánh giá lại thực trạng Giáo dục Phật giáo Nam tông Khmer hiện nay, để từ đó nâng cao hiệu quả giảng dạy, thống nhất chương trình đào tạo, biên soạn các giáo án cho từng lớp cơ sở, sơ cấp đến trung cấp với mục đích phát triển theo kịp yêu cầu của xã hội. Hòa thượng Danh Lung yêu cầu các đại biểu, chuyên gia nghiên cứu cần tập trung vào 3 nhóm vấn đề: 1/ Thực trạng giáo dục Phật giáo Nam tông Khmer hiện nay; 2/ Giải pháp khắc phục những hạn chế của giáo dục Phật giáo Nam tông Khmer (cơ sở vật chất, chương trình, giáo trình, giảng viên); 3/ Giải pháp nâng cao hiệu quả trong Giáo dục Phật giáo Nam tông Khmer.

Tại cuộc Tọa đàm, các đại biểu khẳng định: Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, Hội đoàn kết sư sãi yêu nước các cấp đã chỉ đạo, vận động trụ trì, ban quản trị các chùa và trường học tại các tỉnh, thành tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở lớp giảng dạy từ lớp cơ sở đến lớp trung cấp Phật học, nên công tác giáo dục của Phật giáo Nam tông Khmer từng bước được cải thiện cả về cơ sở vật chất lẫn chất lượng giảng dạy, góp phần quan trọng vào việc nâng cao dân trí cho đồng bào dân tộc Khmer Nam bộ. Do đó, việc nâng cao hiệu quả trong giáo dục Phật giáo Nam tông Khmer có ý nghĩa rất quan trọng trong giai đoạn hội nhập và phát triển hiện nay. Bởi vì, thông qua công tác này các tăng sinh sẽ nhận thức ngày càng rõ hơn về Giáo lý Phật giáo nói chung và Phật giáo Nam tông Khmer nói riêng, đồng thời hiểu biết và vận dụng các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng, công tác giáo dục Phật giáo Nam tông Khmer vẫn còn không ít hạn chế cần khắc phục như về tên trường, tên lớp, chương trình giảng dạy, chất lượng người giảng dạy chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Trong đó, đáng chú ý là: Giáo trình học chưa được thống nhất trong chương trình đào tạo Phật học, Pali, Dhamma Vini sơ cấp, trung cấp cho người tu học; cơ sở vật chất để phục vụ cho việc giảng dạy và học của các vị sư sãi còn nhiều khó khăn, chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới của giáo dục.

Để tháo gỡ được những khó khăn, hạn chế trên, các ý kiến tham luận tại cuộc Tọa đàm cho rằng cần có sự đầu tư tốt hơn nữa về tính hệ thống, tính phương pháp, tính liên thông, tính hiện đại của chương trình giáo dục nói chung và của giáo dục Phật giáo Nam tông Khmer nói riêng.

Trong đó, về chương trình giảng dạy cần có sự thống nhất chương trình cơ sở, sơ cấp Phật học Nam tông Khmer; hình thức giáo dục không nên quá chú trọng về giới hạn tuổi tác, mà cần tạo điều kiện và hỗ trợ các yếu tố cần thiết để các tăng sinh rút ngắn khoảng cách tiếp thu kiến thức. Chất lượng giảng dạy cũng là một yếu tố quyết định quan trọng, đặc biệt là chất lượng giảng dạy chương trình Việt ngữ bậc trung học cơ sở và phổ thông hệ giáo dục thường xuyên. Vì thế, giáo viên dạy chương trình phải nghe, nói cơ bản tiếng Khmer hoặc là người Khmer và luôn được tham gia tập huấn, các chương trình đào tạo dạy học song ngữ Việt - Khmer, Khmer - Việt. Đối với chương trình giảng dạy tại các trường Phật học cần có nội dung đáp ứng lời dạy của Đức Phật rằng hãy đến với số đông, vì hạnh phúc của số đông. Cần chú trọng công tác đào tạo Phật giáo Nam tông Khmer liên tỉnh hoặc liên khu vực. Để các tăng sinh có kỹ năng, kiến thức và tâm nguyện sau khi tốt nghiệp họ sẽ đến với quần chúng, người dân trong các thôn, ấp, làng xã giúp đỡ xóa mù chữ, nâng cao trình độ học vấn cho người dân, thực hiện tốt chủ trương mỗi ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer là một trung tâm giáo dục cộng đồng.

Đánh giá về ý nghĩa và vai trò của cuộc Tọa đàm, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo Hội Phật giáo Việt Nam cho rằng: Đây là một việc làm có ý nghĩa hết sức quan trọng trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay và cũng là hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 35 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (07-11-1981 - 07-11-2016), tiến tới Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII vào tháng 11-2017 tại Hà Nội. Hòa thượng Thích Thiện Nhơn tin rằng, những ý kiến thu được tại cuộc Tọa đàm là căn cứ, là giải pháp cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói chung và Phật giáo Nam tông Khmer nói riêng đề ra những chủ trương, chính sách phù hợp để công tác giáo dục ngày càng đạt chất lượng cao, đáp ứng với xu thế hội nhập hiện nay và trong thới gian tới./.

Nguồn: tapchicongsan.org.vn, ngày 13/7/2016

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi