Thứ Năm, 7/11/2024
Cần Thơ: Hiệu quả của một mô hình “Dân vận khéo”

Nhìn vườn chanh xanh mướt, chi chít trái đang chờ thu hoạch, chị Bùi Thị Diễm, hội viên phụ nữ ấp Trường Hòa, xã Trường Long, phấn khởi nói: "Trước đây, ba công đất vườn gia đình tôi trồng mít, xoài cát Hòa Lộc, nhưng năng suất thấp, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Nhờ thiếm Út Huệ (chị Nguyễn Thị Huệ, Chi hội Trưởng Hội Phụ nữ ấp Trường Hòa -pv) vận động chuyển sang trồng chanh không hạt và đã mang lại hiệu quả cao, cuộc sống gia đình tôi cũng vì thế mà khấm khá hơn. Từ đầu năm đến nay, sau 4 lần thu hoạch, tôi đã bán được 22 triệu đồng. Hiện nay, chanh đang giai đoạn cho trái nhiều, hứa hẹn sẽ cho thu nhập nhiều hơn. Trồng chanh ít tốn công chăm sóc, có nơi tiêu thụ sản phẩm nên gia đình tôi chuẩn bị lên liếp trồng tiếp thêm bốn công nữa".

Chuyện trồng chanh không hạt như là một cái duyên đến với gia đình chị Nguyễn Thị Huệ, Chi hội Trưởng Hội Phụ nữ ấp Trường Hòa. Chị Huệ kể, một lần đến thăm gia đình người thân ở tỉnh Hậu Giang, thấy trồng chanh không hạt có hiệu quả kinh tế cao. Về nhà, chị động viên "ông xã" chuyển đổi năm công vườn trồng xoài cát Hòa Lộc và dâu Hạ Châu nhưng hiệu quả không cao sang trồng chanh không hạt. Hiện nay, hàng năm, vườn chanh của gia đình chị cho thu nhập từ hơn 50 triệu đồng đến 250 triệu đồng. Chị Huệ tâm sự: "Thấy trồng chanh cho thu nhập cao, tôi vận động các hội viên trồng thử và nhân rộng mô hình nhằm giúp đỡ các hội viên vươn lên trong cuộc sống. Thấy hiệu quả, nhiều chị em nhiệt tình làm theo. Từ 10 chị ban đầu đến nay trong ấp có 30 chị tham gia trồng chanh, với diện tích khoảng 10 ha". Để phát triển mô hình bền vững, năm 2013, chị phối hợp với các cơ quan chức năng ra mắt câu lạc bộ trồng chanh không hạt ấp Trường Hòa. Chị Trần Thị Diễm Thúy, thành viên câu lạc bộ trồng chanh không hạt, cho biết: "Tham gia câu lạc bộ, tôi được hỗ trợ vốn để mua phân bón, vật tư và được trợ giá 60% cây giống. Ngoài ra, thông qua các kỳ sinh hoạt của câu lạc bộ, chúng tôi còn được truyền đạt kinh nghiệm sản suất, trao đổi kỹ thuật chăm sóc để cây chanh phát triển tốt, cho năng suất cao".

Chị Huệ chủ động liên hệ, hợp đồng với một doanh nghiệp để tạo đầu ra cho sản phẩm nên các thành viên câu lạc bộ rất an tâm sản xuất. Chị Nguyễn Thị Huệ nói: "Cây chanh không hạt cho trái quanh năm không theo mùa vụ từ đó người trồng chanh sẽ có thu nhập thường xuyên từ vườn chanh của mình. Từ khi xây dựng mô hình đến nay, kinh tế của các hội viên ổn định, nâng cao. Hiện Chi hội Phụ nữ ấp chuẩn bị nâng câu lạc bộ lên thành hợp tác xã nhằm tạo điều kiện các hội viên phát triển sản xuất, có cuộc sống khá hơn".

Chị Nguyễn Kim Tài, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Trường Long, nhận xét: "Mô hình "Dân vận khéo" trồng chanh không hạt của Chi hội Phụ nữ ấp Trường Hòa đã giúp chị em phụ nữ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và cải thiện cuộc sống gia đình. Mô hình được UBND thành phố tặng Bằng khen. Hiện nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đã nhân rộng mô hình ra một số ấp trong xã, như: Trường Thọ B, Trường Phú 2…".

Nguồn: baocantho.com.vn/ Thanh Thy, ngày 24/05/2015

Gửi cho bạn bè