Chủ Nhật, 12/1/2025
Một số kết quả nổi bật trong phong trào thi đua “Dân vận khéo” tỉnh Bắc Ninh 5 năm qua

Bắc Ninh là tỉnh sớm triển khai mô hình Dân vận khéo so với cả nước. Trên cơ sở rút kinh nghiệm chỉ đạo xây dựng mô hình “Công tác dân vận khéo” tại xã Mộ Đạo (Quế Võ) và tiếp theo là kết quả làm điểm của 17 địa phương, đơn vị, tháng 1-2007, Tỉnh ủy chỉ đạo triển khai xây dựng mô hình “Công tác dân vận khéo” toàn tỉnh.

Từ năm 2011 đến nay, các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị quan tâm lãnh, chỉ đạo và triển khai đồng bộ công tác dân vận, phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Việc đôn đốc, kiểm tra thực hiện phong trào đi vào chiều sâu. Nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị về phong trào thi đua “Dân vận khéo” có nhiều chuyển biến tích cực. Nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội, các hội quần chúng được đổi mới. Đội ngũ cán bộ Ban Dân vận, Mặt trận, đoàn thể nhân dân các cấp hướng về cơ sở, tổ dân vận ở khu dân cư hoạt động đi vào thực chất.

Hiện toàn tỉnh thành lập 730 Tổ dân vận (100% các khu dân cư) với tổng số 5.962 thành viên. Xây dựng được tiêu chí điển hình “Dân vận khéo” phù hợp với điều kiện mới. Các cấp uỷ Đảng tập trung chỉ đạo cơ sở bám sát tình hình thực tế địa phương, thực hiện 4 khéo: khéo chọn khâu, chọn việc đề ra chủ trương cho sát - khéo chọn nội dung phương thức tuyên truyền - khéo tổ chức cho dân bàn, dân làm - khéo kiểm tra, sơ kết, tổng kết, biểu dương khen thưởng. Từ đó, các điển hình “Dân vận khéo” được xây dựng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội ở các địa phương, đơn vị, góp phần tích cực trong thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Tính đến tháng 4-2015, toàn tỉnh có 928 mô hình công tác “Dân vận khéo”.

Trên lĩnh vực kinh tế, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh chung tay xây dựng nông thôn mới với hàng trăm km đường điện “Thắp sáng đường quê”. Hội Nông dân xây dựng các mô hình thi đua sản xuất kinh doanh giỏi trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp, TTCN và dịch vụ. Nhiều địa phương xây dựng các điển hình “Dân vận khéo” trong giải quyết việc làm cho nông dân, chuyển dịch cơ cấu vật nuôi cây trồng theo hướng sản xuất hàng hoá, dồn điền đổi thửa. Điển hình “Dân vận khéo” trong giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang phát triển công nghiệp, đô thị có phường Đình Bảng, xã Tương Giang (thị xã Từ Sơn), xã Đông Thọ (Yên Phong), xã Phượng Mao (Quế Võ)… bảo đảm sự nhất trí, đồng thuận, công khai, hạn chế việc khiếu kiện đông người, vượt cấp.

Các doanh nghiệp xây dựng điển hình “Dân vận khéo” gắn với thực hiện quy chế dân chủ, sắp xếp lại lao động, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, nâng cao mức sống của người lao động như Công ty Cổ phần tập đoàn DABACO Việt Nam, Công ty TNHH một thành viên thuốc lá Bắc Sơn, Công ty Cổ phần May Đáp Cầu, Công ty Cổ phần LILAMA 69-1…

Điển hình “Dân vận khéo” trên lĩnh vực văn hoá - xã hội tập trung vận động nhân dân phòng, chống tệ nạn xã hội, xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư. Năm 2013, Ban Công tác Mặt trận làng trong toàn tỉnh đăng ký 1.263 việc cụ thể với 137 mô hình “Phòng chống tội phạm”, 11 mô hình “Hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát cộng đồng”, 6 mô hình điểm “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường”, 160 mô hình tập trung thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, thực hiện Nghị quyết 20, 22 của HĐND tỉnh về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, tân gia, lễ hội. Toàn tỉnh có 470 khu dân cư triển khai vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang (tiết kiệm chi tiêu, hoả táng người chết, xây mộ đúng quy định). Năm 2014 có 948/4.365 (đạt 21,7%) người chết được đưa đi hỏa táng, 3.777/4.365 đám tang thực hiện tốt Nghị quyết 22, 20 của HĐND tỉnh.

Trên lĩnh vực quốc phòng-an ninh, các điển hình “Dân vận khéo” nắm chắc địa bàn, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, giải quyết những vấn đề về an ninh nông thôn, phòng chống tệ nạn xã hội. Năm 2013, Bộ CHQS tỉnh thành lập đội công tác làm nhiệm vụ tuyên truyền, vận động nhân dân ủng hộ xây dựng dự án nhà máy xử lý nước thải tại phường Châu Khê (thị xã Từ Sơn). Các đơn vị quân đội triển khai mô hình “Dân vận khéo” như xây dựng nhà tình nghĩa; kết hợp huấn luyện với dân vận bằng hình thức khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho nhân dân; tu sửa nghĩa trang liệt sỹ và thắp nến tri ân dịp 27-7; chung sức xây dựng nông thôn mới.

Trong Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, các mô hình Câu lạc bộ “Hướng thiện”, “Tuổi trẻ với pháp luật”, “Tình thương và trách nhiệm”, “Tổ dân phòng tự quản”, “Hòm thư tố giác tội phạm” góp phần thu hẹp các điểm phức tạp về an ninh trật tự. Các mô hình tự phòng, tự quản, các đội thanh niên xung kích, tình nguyện làm nhiệm vụ giữ gìn an ninh, trật tự, động viên nhân dân tích cực, chủ động hơn trong cung cấp tin tức, vận động các đối tượng ra đầu thú, phát hiện và tham gia bắt giữ đối tượng phạm tội, bảo vệ an ninh Tổ quốc. Các điển hình “Dân vận khéo” thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở, nắm sát tình hình quần chúng cùng cấp uỷ, chính quyền đối thoại, hoà giải nhiều vụ việc phức tạp ngay tại cơ sở làm cho cuộc sống của nhân dân bình yên, đoàn kết hơn.

 Trong xây dựng hệ thống chính trị, công tác dân vận của chính quyền các cấp được coi trọng, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước được cụ thể hoá và tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân, gắn xây dựng điển hình “Dân vận khéo” với cải cách hành chính, “Năm dân vận chính quyền”, bồi dưỡng phong cách làm việc của công chức, viên chức theo hướng gần dân, sát dân.

Kết quả của phong trào thi đua “Dân vận khéo” 5 năm qua tích cực góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, tạo sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong nhân dân. Từ đó trở thành lực đẩy, điểm nhấn mới, là tiền đề đưa các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động của quần chúng đạt những kết quả mới.

Nguồn: baobacninh.com.vn/ Bảo Anh, ngày 20/5/2015

Gửi cho bạn bè

Xem nhiều nhất