Chủ Nhật, 12/1/2025
Cao Bằng: Hiệu quả thiết thực của phong trào thi đua "Dân vận khéo"
 
Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Xuân Trường tuyên truyền chính sách, pháp luật
của Nhà nước cho nhân dân trên địa bàn. 

 Phát huy kết quả thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” giai đoạn 2007 - 2010, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 04-CT/TU, ngày 11/02/2011 về tiếp tục thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, chỉ đạo các địa phương, đơn vị triển khai đến toàn thể cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân. Ban Dân vận Tỉnh ủy ban hành các văn bản hướng dẫn về việc triển khai phong trào thi đua “Dân vận khéo”; 100% huyện, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy đã tổ chức quán triệt, triển khai các văn bản liên quan đến phong trào thi đua “Dân vận khéo”; xây dựng kế hoạch chỉ đạo các cấp ủy cơ sở  triển khai thực hiện, phát động phong trào trong cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể, chỉ đạo triển khai nhân rộng điển hình “Dân vận khéo” đến các khu dân cư.  

13/13 huyện, thành ủy, 4 đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy, 199/199 xã, phường, thị trấn thành lập Ban chỉ đạo thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, 2.471/2.480 xóm, tổ dân phố trên địa bàn toàn tỉnh thành lập tổ dân vận và đăng ký thực hiện “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực đời sống, xã hội. Các sở, ban, ngành, MTTQ và các tổ chức đoàn thể, căn cứ vào chức năng nhiệm vụ đã cụ thể hoá nội dung phong trào thi đua “Dân vận khéo”, xây dựng kế hoạch, tuyên truyền, vận động, phát động các phong trào thi đua yêu nước gắn với thực hiện “Dân vận khéo".

Phong trào thi đua “Dân vận khéo” được triển khai sâu rộng đã tạo sức lan toả mạnh mẽ, thu hút cán bộ, công nhân viên chức, chiến sỹ trong lực lượng vũ trang và đông đảo quần chúng nhân dân tham gia. Năm 2010 có 376 tổ, xóm đăng ký thực hiện “Dân vận khéo” trên lĩnh vực phát triển kinh tế; 647 tổ, xóm đăng ký thực hiện trên lĩnh vực văn hóa - xã hội và quốc phòng, an ninh. Đến năm 2015 phong trào đã phát triển được 4.053 mô hình “Dân vận khéo” trên tất cả các lĩnh vực của đời sống, xã hội.

Các cấp, các ngành trong hệ thống chính trị tập trung hướng về cơ sở, vận động nhân dân tham gia thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT- XH, sản xuất, kinh doanh giỏi, giảm nghèo, làm giàu chính đáng, tích cực giải quyết các vấn đề khó khăn, bức xúc, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

Đến nay, toàn tỉnh có 1.120 mô hình “Dân vận khéo” (895 tập thể và 225 cá nhân) trong phát triển kinh tế, sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Qua đó góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh từ 38,06% (năm 2010) xuống còn 20,05% (năm 2014).

Các phong trào: Xây dựng nhà tình nghĩa, ủng hộ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, gắn với việc “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, phong trào “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, “Thanh niên tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng”, “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”..., được triển khai sâu rộng. Giai đoạn 2011 - 2015 có 1.157 mô hình “Dân vận khéo” (1.009 tập thể và 148 cá nhân) trên lĩnh vực văn hoá - xã hội.

Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” gắn với thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở đã giải quyết được nhiều vấn đề dân sinh, dân chủ ở địa phương. Qua đó, số làng, xóm, cơ quan, đơn vị, gia đình văn hoá ngày càng tăng. Năm 2014, toàn tỉnh đã có 90% cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hoá, 79% gia đình đạt danh hiệu văn hoá, 49% xóm, tổ dân phố đạt chuẩn văn hoá; 1.655 nhà văn hoá xóm, tổ dân phố...

Cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể, lực lượng vũ trang đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục cho cán bộ, chiến sỹ, đoàn viên, hội viên, nhân dân nâng cao nhận thức về chủ quyền, an ninh biên giới Quốc gia; tham gia tuần tra, bảo vệ biên giới sau phân giới cắm mốc, vận động đồng bào không nghe, không theo kẻ xấu, chống truyền đạo trái pháp luật; gắn phong trào thi đua “Dân vận khéo” với thực hiện phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Xây dựng nền Quốc phòng toàn dân”, “Công an nhân dân học tập và thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy”...,  lắng nghe ý kiến, dựa vào quần chúng nhân dân, bám nắm địa bàn và củng cố thế trận lòng dân. Thực hiện tốt chính sách hậu phương Quân đội, tổ chức các hoạt động: Xây dựng “Nhà đồng đội”, “Mái ấm biên cương”, khám chữa bệnh miễn phí, giúp đỡ đồng bào gặp thiên tai lũ lụt, ủng hộ quỹ xã hội, tổ chức “Diễn đàn dân chủ cơ sở về chính sách và cuộc sống đồng bào dân tộc thiểu số”, tổ chức các chương trình, đề án Quốc gia về phòng chống tội phạm, tham gia đấu tranh và tố giác tội phạm… Qua đó, phát huy tinh thần, trách nhiệm của nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội. Từ năm 2011 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được 841 tổ tự quản về an ninh trật tự, 23 cụm liên kết an toàn về an ninh trật tự, duy trì 156 tổ tự quản/156 xóm biên giới với 333,125 km đường biên/634 cột mốc được nhân dân đăng ký tự quản. Toàn tỉnh không có địa bàn, tụ điểm phức tạp về an ninh trật tự; có 920 mô hình “Dân vận khéo” (653 tập thể và 267 cá nhân) được các địa phương, đơn vị thực hiện trên lĩnh vực an ninh - quốc phòng.

Trong lĩnh vực xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, cấp ủy, chính quyền, MTTQ, đoàn thể và các ngành đã phát huy quyền làm chủ của cán bộ, công chức và người lao động trong cơ quan, đơn vị; đồng thời vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia xây dựng tổ chức Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể trong sạch, vững mạnh; góp phần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới. Từ năm 2011 đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 855 mô hình “Dân vận khéo” (766 tập thể và 89 cá nhân) trên lĩnh vực xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.

Gắn “Dân vận khéo” với thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể trong toàn tỉnh đã “khéo” ra chủ trương, “khéo” vận động, tuyên truyền, công khai, dân chủ lấy ý kiến nhân dân, giúp nhân dân nhận thức rõ vai trò chủ thể trong xây dựng nông thôn mới. Đến hết năm 2014, các xã tham gia Chương trình xây dựng nông thôn mới đã huy động nhân dân đóng góp 3 tỷ 818 triệu đồng tiền mặt, trên 14.000 ngày công lao động, hiến 51.671 m2 đất, 264 m3 vật liệu cát, sỏi, 135 tấn xi măng, 10.000 viên gạch tuynel…, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

 Với những thành tích đạt được, trong 5 năm qua, ngành Dân vận tỉnh Cao Bằng được Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp tặng nhiều giấy khen, bằng khen, danh hiệu thi đua cao quý.

  50 lượt tập thể được tặng thưởng danh hiệu Lao động tiên tiến, 33 lượt tập thể được tặng thưởng danh hiệu Lao động xuất sắc, 1 tập thể được tặng Cờ thi đua cấp tỉnh, 1 tập thể được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba. Có: 159 lượt cá nhân được tặng thưởng danh hiệu Lao động tiên tiến, 56 lượt Chiến sỹ thi đua cơ sở, 166 lượt Giấy khen, 47 lượt Bằng khen, 1 Chiến sỹ thi đua cấp tỉnh, 1 Huân chương Lao động hạng ba.

Ban Dân vận Tỉnh ủy năm 2012 được UBND tỉnh tặng Cờ thi đua giải ba; năm 2013, đạt danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc; được UBND tỉnh  tặng 6 Bằng khen, Bộ Công an tặng 1 Bằng khen, Thủ tướng Chính phủ tặng 1 Bằng khen, Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba.


                  

Nguồn: baocaobang.vn/ Vương Biên, ngày 24/6/2015


Gửi cho bạn bè

Xem nhiều nhất