Thứ Năm, 7/11/2024
Từ cây thuốc Nam... làm dân vận khéo

Một số mô hình, cách làm hay đã được các cấp hội Đông y trong tỉnh duy trì và phát triển. Đó cũng là cách góp phần làm hài hòa giữa Đông- Tây y trong chăm sóc sức khỏe cho mọi người dân.

Bảo tồn thuốc với nhà kính phơi thuốc

Chúng tôi đến Hưng Thạnh tự (ấp Mỹ Thạnh Trung 1, xã Mỹ Thạnh Trung- Tam Bình - Vĩnh Long) một ngày đầu tháng 7- ngôi chùa mà mỗi ngày trong tuần (trừ chủ nhật), phật tử đến để phân loại (các cây, dây thuốc Nam tươi) để bộ phận cắt đưa vào máy xắt thuốc. Khuôn viên chùa có “căn nhà trệt” dài, rộng khoảng 130m2 dùng làm nơi phơi thuốc.

Hơn 5 năm nay, đây là điểm nhấn của địa chỉ hốt thuốc Nam tại chùa, cho ra lò những thang thuốc thành phẩm. Ông Phan Văn Bảy- y sĩ Trưởng Phòng thuốc Nam tại chùa nói: “Phơi thuốc trong nhà kính vậy rút ngắn thời gian, bớt nhân công phơi phóng, không bụi, không gió, gà qué, chuột bọ không tiếp cận được”.
 
Theo quan sát, khung nhà kính phơi thuốc làm bằng sắt thép, được quây, lợp tôn a-mi-ăng trong suốt, hấp thu ánh nắng chiếu từ nhiều phía.

Theo ông Bảy, mỗi lần phơi như vậy được khoảng 4- 5 tấn thuốc tươi. “Trước kia chưa có nhà kính, mỗi lần ăn cơm hay mùa mưa thì phải chạy ào ra gom thuốc vào. Nay thì thoải mái hơn nhiều. Phơi thuốc ngoài trời cùng một khối lượng như vậy mất 5- 10 nhân công, nay phơi nhà kính chỉ cần 1- 2 người”- ông Bảy còn cho biết do đặc thù nhà đóng kín lại, nên nhiệt độ bên trong cao hơn bên ngoài 1,5- 2 lần.

Chúng tôi vào nhà kính kiểm chứng, hơi nóng hừng hực và chỉ vài phút là mồ hôi vã ra như tắm. Ngoài điểm phơi này, tầng thượng của chùa cũng có một diện tích tương tự và cũng thực hiện công năng tương tự để cho ra thành phẩm thuốc Nam.

Ông Trần Minh Hoàng- Chủ tịch Hội Đông y xã Mỹ Thạnh Trung- nói mô hình nhà kính phơi thuốc Nam tại đây hoạt động rất hiệu quả. Theo ông, nguồn thuốc Nam tại địa bàn được duy trì, gầy dựng dồi dào.
 
“Hội Đông y xã được cho mượn một diện tích 2.000m2 để trồng tập trung cây thủy xương bồ. Tại phòng thuốc Nam của chùa, lúc nào cũng có “đội quân” chia thành 3 tổ chuyên sưu tầm cây thuốc tươi. Đó là nguồn dược liệu quý, phục vụ người bệnh”- ông Hoàng nói. Theo ông Phan Văn Bảy, ngày ít thì điểm thuốc Nam này phát 400 thang thuốc cho bà con xa gần, ngày nhiều phát đến 800- 900 thang thuốc.

Ông Nguyễn Thiện Chí- Chủ tịch Hội Đông y huyện Tam Bình- khẳng định mô hình trên đem lại hiệu quả cao trong khai thác, bảo tồn và sử dụng tốt nguồn dược liệu tại địa phương. Ông nói hoạt động về thuốc Nam thường phụ thuộc nhiều vào thời tiết. “Nắng thì tiện, mưa là thua”.
 
Một số xã như: Mỹ Thạnh Trung, Hòa Thạnh, Song Phú là có tổ chức mô hình sưu tầm, thu hái, chế biến, bảo quản, cung cấp thuốc Nam cho bà con rất tốt, bằng cách vừa có kinh phí từ xã hội hóa hỗ trợ, vừa kết hợp chùa tại địa bàn triển khai.

 
 Ông Phan Văn Bảy đảo dược liệu cho khô đều trong nhà kính phơi thuốc Nam.

Từ cây thuốc Nam... làm dân vận khéo

Theo ông Nguyễn Thiện Chí, Hội Đông y Tam Bình được Hội Đông y tỉnh Vĩnh Long chọn là đơn vị duy nhất trong tỉnh thực hiện mô hình dân vận khéo ở lĩnh vực Đông y.
 
Theo đó, tại 4 xã điểm: Song Phú, Mỹ Lộc, Hòa Lộc, Ngãi Tứ sẽ triển khai dân vận khéo là vận động người dân trong xã trồng cây thuốc Nam tại vườn nhà. Tại các xã này, mỗi ấp trong xã sẽ chọn 20 gia đình trồng và gắn bảng tên cho cây thuốc Nam.
 
“Chính bà con tại hộ và người dân quan tâm nhìn vào cây thuốc Nam đó sẽ biết mà nhân ra thêm, biết sử dụng phòng chữa bệnh cho mình”- ông Nguyễn Thiện Chí nói.

Theo ông, ngoài 4 xã điểm, huyện hội chọn 4 xã- thị trấn: Tam Bình, Hòa Hiệp, Phú Thịnh, Mỹ Thạnh Trung làm xã diện của mô hình này. Tại mỗi xã sẽ chọn 2 ấp, cũng trồng thuốc Nam tại vườn nhà và gắn bảng trên mỗi cây thuốc. Riêng các xã còn lại mỗi địa bàn chọn một ấp làm điểm.

“Với xã điểm làm dân vận khéo phát triển nguồn dược liệu thuốc Nam tại chỗ, ít nhất mỗi hộ gia đình chọn 5 loại cây thuốc, do đó tại mỗi ấp trong 4 xã điểm có ít nhất 100 cây thuốc Nam có gắn bảng (bảng tên, công dụng, liều dùng). Theo Hội Đông y Tam Bình, nguồn thuốc Nam tại địa phương phong phú, cốt yếu là tận dụng nguồn cây có tính chất dược liệu dồi dào tại mỗi nhà ở địa phương.

Ông Bùi Chí Công- Phó Chủ tịch Hội Đông y huyện Tam Bình- nói hội đang xin chủ trương tham gia chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân bằng thuốc Nam trồng tại chỗ, thầy tại chỗ chăm sóc tại nhà. “Các cấp hội Đông y trong huyện sẽ tìm hiểu tại hộ gia đình đó, có người bệnh không, bệnh như thế nào, để vận động hướng dẫn họ trồng và sử dụng các cây có tính dược liệu tại nhà mình để tiện sử dụng”- ông cho hay.

Làm như vậy để cụ thể hóa Chỉ thị 24/CT-TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới”, cũng đồng thời thực hiện kế hoạch của Tỉnh ủy Vĩnh Long về phát triển hoạt động Đông y trong chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân địa phương.

Ông Phan Văn Bảy cho biết, với việc luôn đảm bảo nguồn thuốc Nam, có nhà kính phơi thuốc, sản phẩm thuốc đảm bảo vệ sinh, nên nhiều năm qua người dân, bệnh nhân xa gần đến hốt thuốc ngày càng đông. Có thể nói bệnh nhân, người dân người ta đặt niềm tin vào cơ sở. Hiện bình quân mỗi ngày, cơ sở này xem mạch, hốt thuốc cho khoảng 100 bệnh nhân mới, cũ.

Nguồn: baovinhlong.com.vn/ Minh Thái, ngày 9/7/2015

Gửi cho bạn bè