16 năm làm Trưởng bản, anh Chang A
Kỷ (sinh năm 1973), dân tộc Mông ở bản Chin Chu Chải, xã vùng cao Nùng
Nàng, huyện Tam Đường (tỉnh Lai Châu) đã giúp cuộc sống của nhiều hộ dân
ở bản được cải thiện hơn. Đặc biệt, nhờ sự khéo léo trong công tác dân
vận, anh Kỷ đã góp phần giải quyết được rất nhiều vụ mâu thuẫn, xung đột
ở trong cũng như ngoài bản, đảm bảo an ninh trật tự ở một địa phương
vùng sâu, vùng xa.
Bản Chin Chu Chải nằm cách trung tâm xã Nùng
Nàng, huyện Tam Đường chừng 3km. Con đường bê tông vừa mới được hoàn
thành, uốn lượn quanh co qua các vạt lúa, nương ngô đã giúp người dân
trong bản có thêm thuận lợi trong phát triển kinh tế. Mùa này ở Chin Chu
Chải đang là mùa cấy lúa, người dân rất bận việc đồng áng nên phải hẹn
trước, chúng tôi mới gặp được Trưởng bản Chang A Kỷ.
Trưởng bản
Chang A Kỷ cho biết: Chưa năm nào gia đình anh nằm trong diện hộ nghèo
của bản, của xã. Học hỏi các kiến thức sản xuất, phát triển kinh tế từ
sách báo, anh Kỷ đã mạnh dạn ứng dựng khoa học kỹ thuật, đầu tư máy móc
cơ giới để áp dụng vào sản xuất nông nghiệp ở gia đình. Nhờ đó, với gần 6
ha nương thảo quả, ruộng lúa nước và ngô, mỗi năm gia đình anh thu được
ngót 100 triệu đồng.
|
Con đường bê tông mới hoàn thành, đã giúp cuộc sống của nhiều hộ dân
ở bản được cải thiện hơn, trẻ em ở bản Chin Chu Chải đến trường
đỡ vất vả hơn. (Nguồn: baolaichau.vn). |
Bản Chin Chu Chải có 100% là đồng bào dân
tộc Mông. Trước đây, hầu như tất cả các hộ dân trong bản đều thuộc diện
hộ nghèo. Cơ sở hạ tầng như đường sá, thủy lợi… ở địa phương chưa được
đầu tư nhiều. Một số phong tục tập quán ở vùng cao còn tồn tại đã gây
nhiều khó khăn cho cuộc sống sinh hoạt và phát triển kinh tế của người
dân địa phương. Trưởng bản Kỷ cho biết: "Ở vùng đồng bào dân tộc thiểu
số, việc thay đổi suy nghĩ của người dân không phải là điều dễ dàng. Bản
thân tôi cũng là người dân tộc thiểu số nên tôi hiểu rõ hơn tâm lý của
đồng bào. Để thay đổi tư duy làm nông nghiệp lạc hậu của đồng bào, tôi
hiểu cần phải có thời gian và kiên trì chứ không thể một sớm, một
chiều".
Với suy nghĩ ấy, Trưởng bản Kỷ đã tích cực vận động
người dân thay đổi phương thức sản xuất, cách gieo trồng cây ngô, lúa
làm sao để đạt năng suất cao và ổn định. Anh Kỷ đã hướng dẫn người dân
cách bón phân, thu hoạch nông sản hợp lý, đúng quy cách. Anh cũng chịu
khó đọc và tìm hiểu các kiến thức nông nghiệp qua sách báo, tìm những
phương pháp làm nông nghiệp phù hợp với đặc thù địa phương, đi đầu ứng
dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để đồng bào học tập, làm
theo. Nhờ đó, nhiều hộ trong bản đã thoát được nghèo, có điều kiện mua
sắm xe máy và một số đồ dùng thiết yếu khác cho gia đình. Từ chỗ tỉ lệ
hộ nghèo ở mức cao gần như tuyệt đối, đến nay bản có 41 hộ thì chỉ còn
khoảng một nửa trong số đó là hộ nghèo và cận nghèo.
Ở vùng cao,
có những khi mâu thuẫn giữa các hộ dân xảy ra xuất phát từ những vụ
trộm cắp vặt, xô xát, tranh chấp kênh mương, ruộng đất… Những mâu thuẫn
đó được Trưởng bản Kỷ giải quyết mềm mỏng và khéo léo qua những kinh
nghiệm được tiếp thu từ các buổi tập huấn do huyện, tỉnh tổ chức. Trưởng
bản Chang A Kỷ chia sẻ, trong các buổi hòa giải anh thường mời mọi
người trong bản đến chứng kiến. Mềm mỏng đi trước, cứng rắn theo sau,
mỗi người đều có những cái lý của mình, không ai chịu thiệt ai nên anh
luôn lắng nghe, giải quyết sao cho hợp lý và đôi bên nhường nhịn nhau;
trường hợp không thể giải quyết mới cần sự can thiệp, vào cuộc của các
cấp đoàn thể xã.
Để người dân trong bản nâng cao thêm kiến thức
pháp luật, hạn chế vi phạm pháp luật, tại các buổi họp bản, anh Kỷ
thường xuyên tuyên truyền đến người dân các nội dung: Luật Giao thông
đường bộ; Luật phòng chống ma túy, mại dâm HIV/AIDS, Luật bảo vệ
rừng..., góp phần xây dựng bản làng vùng cao văn minh, ổn định an ninh
trật tự./.
Nguồn: TTXVN/ Nguyễn Duy, ngày 3/7/2015