Phong
trào đã thực sự đi vào cuộc sống, tạo sự chuyển biến tích cực trên
nhiều phương diện, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị
của địa phương, đơn vị. Qua đó phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ, tính tích
cực, chủ động của nhân dân, khơi dậy sức dân trong mỗi công việc lớn,
nhỏ ở địa phương.
|
Tham quan mô hình phát triển kinh tế của CCB Phạm Trung Sinh, thôn Vân Thị, xã Gia Tân (Gia Viễn)
Ảnh:Thế Minh
|
Cán bộ đi trước
Chỉ mới cách đây
vài năm, cuộc sống của người dân xã Khánh Công (Yên Khánh) còn phụ thuộc chủ
yếu vào cây lúa, không có nghề phụ nên nhiều lao động dư thừa, hoặc nếu có việc
làm thì chỉ mang tính thời vụ. Nhưng đến nay không ít gia đình đã có của ăn của
để, thanh niên trong làng, trong xã cũng đã bớt cảnh phải đi làm ăn xa… Có được
đổi thay đáng kể ấy không thể không nhắc đến mô hình dân vận khéo đưa nghề
trồng nấm về địa phương của Hội phụ nữ xã. Chị Vũ Thị Đam, Phó Chủ tịch Hội Phụ
nữ xã Khánh Công cho biết: Hàng năm, sau mỗi mùa thu hoạch lúa, một lượng lớn
rơm rạ bị đốt gây ô nhiễm môi trường, trong khi đây lại là nguồn nguyên liệu
chính để trồng nấm. Do đó năm 2007, gia đình tôi cùng một số hộ khác trong xã
mày mò, học làm nấm từ các địa phương lân cận, được biết nếu sản xuất theo đúng
quy trình kỹ thuật thì có thể cho thu nhập gấp 2-3 lần so với trồng lúa.
Tuy vậy, thời
điểm đó do mới học làm, kỹ thuật chưa tốt, lán trại còn tạm bợ, công tác vệ
sinh chưa đảm bảo, đầu ra bấp bênh nên các hộ trồng nấm trong xã thu nhập chưa
cao. Chị Đam băn khoăn nếu tiếp tục làm theo kiểu tự phát thì nghề sẽ khó tồn
tại được. Từ suy nghĩ đó, chị đã vận động các hộ liên kết với nhau thành một
nhóm, tiến tới thành lập hợp tác xã để có điều kiện chuyển giao khoa học kỹ
thuật, xây dựng kế hoạch sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Công tác vận động không
dễ dàng chút nào khi người dân đã quen với kiểu làm ăn manh mún, tự phát từ
nhiều năm nay. Mãi đến năm 2009, khi có sự vào cuộc của từng chi hội phụ nữ mới
giúp vận động được 30 hộ tham gia, chia làm 11 nhóm và tiến hành thành lập tổ
liên kết sản xuất nấm của Hội Phụ nữ xã. Chị Đam trực tiếp làm tổ trưởng.
Chị Đam chia sẻ:
Trong trồng nấm, công đoạn khó nhất là ủ nguyên liệu và đóng bịch nấm. Trước
đây, việc này thường được thực hiện độc lập tại các hộ và mất từ 10-15 ngày.
Năm 2013, được Hội Phụ nữ tỉnh hỗ trợ xây 300 m2 lán trại nấm cho tổ hợp, chị
Đam đã vận động chị em tiến hành đóng gói tại một điểm tập trung, sau đó mang
về các lán trại để treo. Làm như vậy sẽ tiết kiệm công lao động và giảm thời
gian xuống còn 3-4 ngày. Ngoài ra, chị Đam cũng vận động chị em trong tổ hợp hỗ
trợ nhau trong khâu thu hoạch vì với nấm ăn, việc thu hái đúng thời điểm rất
quan trọng, nếu để già quá sẽ không thu hoạch được. Với cách làm đó, năm 2014
tổ hợp đã thu hút thêm 11 hộ tham gia, nâng tổng số lên 41 hộ sản xuất theo 18
nhóm với diện tích 4.800 m2. Tổ hợp đã sản xuất và tiêu thụ gần 100 tấn nấm
tươi, doanh thu đạt 2,7 tỷ đồng, thu lãi hơn 1 tỷ đồng. Từ năm 2010-2014, tổ đã
giúp 9 phụ nữ thoát nghèo.
Từ hiệu quả của
việc trồng nấm và qua quá trình tiêu thụ sản phẩm tại các chợ đầu mối ở Long
Biên, Hải Phòng, Quảng Ninh…, chị Đam khám phá thêm một số cơ hội để chị em phụ
nữ Khánh Công nói riêng và các xã lân cận nói chung có thể tận dụng nguồn đất
đai, khí hậu, lao động của địa phương để mở rộng các mô hình phát triển kinh tế
hộ gia đình như trồng ớt chỉ thiên, trồng bí xanh, mướp đắng. Chị Đam kể: Năm
2014, tôi đã mạnh dạn vận động 26 hộ ở xóm 13 xã Khánh Thành, 14 hộ tại xóm 5,
xóm 6 xã Khánh Công trồng ớt chỉ thiên với diện tích 8 mẫu. Lúc đầu việc vận
động rất khó khăn vì các hộ còn băn khoăn về giống, đầu ra cho sản phẩm. Để tạo
niềm tin, tổ hợp đã ứng trước cho các hộ 600 nghìn đồng/sào để mua phân bón và
cung ứng giống cây trồng. Tháng 5-2014, lứa ớt đầu tiên được thu hoạch, bình
quân thu lãi mỗi sào từ 8-10 triệu đồng, so với trồng lúa thì thu nhập cao hơn
từ 2-3 lần. Từ kết quả đó các hộ đã tin tưởng và yên tâm sản xuất. Để đáp ứng
tốt hơn nhu cầu thị trường, chị Đam tiếp tục vận động thêm được 45 hộ trong xã
trồng 30 mẫu ớt giúp giải quyết việc làm cho khoảng 200 lao động địa phương.
Tạo sự đồng thuận của người dân
Khoảng 1 năm
trước đây, gia đình ông Phạm Trung Sinh, hội viên cựu chiến binh ở thôn Vân
Thị, xã Gia Tân (Gia Viễn) có tới 7-8 mảnh ruộng nằm rải rác ở nhiều nơi khác
nhau. Số ruộng này nay được dồn thành 1 mẫu ở ngay gần nhà, ông Sinh đầu tư đào
ao nuôi ba ba, kết hợp thả cá và nuôi vịt trời, mở ra hướng làm ăn mới mà trước
đây gia đình ông chưa bao giờ dám nghĩ tới. Ông cho biết: Đây là kết quả từ
việc dồn điền, đổi thửa của địa phương, trong đó Hội Cựu chiến binh xã giữ vai
trò nòng cốt.
Theo đồng chí Chủ
tịch Hội Cựu chiến binh xã Gia Tân: Thời gian qua, Hội đã chọn khâu đột phá là
thực hiện mô hình “Dân vận khéo” trong công tác dồn điền, đổi thửa đất sản xuất
nông nghiệp của địa phương. Bởi dồn điền, đổi thửa là yếu tố quyết định của
nhiều tiêu chí khác trong xây dựng nông thôn mới, giúp khắc phục tình trạng
ruộng đất manh mún, phân tán, tạo điều kiện quy hoạch vùng sản xuất, áp dụng
tiến bộ KHKT… Bắt tay vào triển khai mô hình này, Hội đã gặp không ít khó khăn
do nhận thức của người dân về dồn điền, đổi thửa còn hạn chế. Chính vì vậy ngay
từ ban đầu, công tác tuyên truyền được thực hiện sâu rộng. Tại các hội nghị bàn
về dồn điền, đổi thửa ở các thôn xóm, 100% hội viên Cựu chiến binh phát huy dân
chủ, đề cao trách nhiệm, tích cực tham gia đóng góp ý kiến, mỗi hội viên thực
sự là một tuyên truyền viên vận động gia đình mình và được phân công vận động 5
hộ gia đình ở các hội đoàn thể khác. Trong quá trình thực hiện phương án dồn
điền, đổi thửa, cán bộ, hội viên cựu chiến binh đã gương mẫu thực hiện, nhiều
người mạnh dạn nhận ruộng ở vùng quy hoạch để xây dựng trang trại chăn nuôi,
thậm chí có người nhận ruộng ở chỗ khó khăn, ruộng cao, nhiều gò mả như hội
viên Phạm Trung Đĩnh, Phạm Trung Sinh, Dư Văn Mạnh… Đồng thời vận động anh em
trong gia đình dồn đổi ruộng, nhận các thửa ruộng ở vùng trước đây là đầm lún,
ruộng sâu cấy lúa 1 vụ cho sản lượng thấp để đào ao, làm vườn, xây dựng chuồng
trại. Nhờ đó, tại các thôn xóm, nhân dân đều tin tưởng cử hội viên cựu chiến
binh vào ban giám sát công trình, giám sát chặt chẽ đảm bảo khối lượng, chất
lượng các tuyến bờ vùng, bờ thửa, không để xảy ra tiêu cực. Đồng chí Chủ tịch
Hội Cựu chiến binh xã chia sẻ: Thực tiễn triển khai công tác này đã có nhiều ý
kiến khác nhau nhưng đều được cán bộ, hội viên cựu chiến binh cùng cán bộ địa
phương tuyên truyền, giải thích, tháo gỡ, giải quyết kịp thời.
Nhờ mô hình dân
vận khéo này, vụ đông xuân năm 2015, nhân dân trong xã đã được canh tác trên
các thửa ruộng lớn, mỗi hộ chỉ còn 1 đến 2 mảnh, một số hộ nhận ruộng ở vùng
quy hoạch cho phát triển sản xuất, chăn nuôi bước đầu đã có kết quả. Lợi ích rõ
rệt mà ai cũng nhận thấy ngay trong vụ sản xuất đầu tiên sau dồn điền, đổi thửa
đó là sản xuất, thu hoạch nhanh gọn hơn, giảm được nhiều ngày công lao động,
sản lượng thu hoạch khá hơn… Đến nay xã Gia Tân đã đạt 18/19 tiêu chí, đang
tích cực phấn đấu về đích nông thôn mới trong năm 2015.
Những mô hình dân
vận khéo ở Khánh Công, ở Gia Tân nằm trong số hơn 800 mô hình đang được triển
khai trên địa bàn toàn tỉnh. Điểm chung của những mô hình này là đã phát huy
tối đa sự nhiệt tình, tâm huyết của mỗi cán bộ dân vận, đồng thời lựa chọn
những công việc không đòi hỏi nhiều về kinh phí, kỹ thuật để huy động sự tham
gia trực tiếp của nhân dân.
Nguồn: baoninhbinh.org.vn/ Duy Hiền, ngày 30/7/2015