Chủ Nhật, 12/1/2025
Thành công nhờ dân vận khéo ở Anh Sơn
Nhìn những con đường bê tông trải dài trong nắng sớm, đồng chí Nguyễn Văn Phú, Bí thư Chi bộ kiêm Xóm trưởng xóm 5, xã Hoa Sơn không giấu niềm tự hào trước những thay đổi của quê hương. Xóm 5 có 208 hộ dân với hơn 900 nhân khẩu, trong đó có hơn 100 hộ dân là bà con giáo dân. Cuộc sống của bà con trong xóm cơ bản phụ thuộc vào nông nghiệp nên đời sống vẫn còn nhiều khó khăn. Nhưng khi nói về an ninh trật tự, hạ tầng giao thông thì các đồng chí cán bộ xã đều đánh giá đây là một điểm sáng; còn các cán bộ xóm cho đến mỗi người dân đều phấn khởi nói vui rằng: “Buổi tối chúng tôi không cần đóng cửa, xe cứ để ngoài sân cũng không sợ mất”.
 
Có được kết quả trên, đó là một hành trình dài với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị ở cơ sở. Ngay từ năm 2002, xóm đã thành lập 13 tổ tự quản, bà con giáo dân cũng có 6 tổ chia sẻ. Công tác phối hợp giữa các tổ tự quản và tổ chia sẻ được thực hiện rất chặt chẽ nhằm kịp thời chấn chỉnh và nhắc nhở các cá nhân vi phạm. Dần dần, cuộc sống của xóm làng đi vào nếp, giữ vững sự yên bình, đoàn kết. Đó cũng nền tảng để xóm 5 thực hiện công cuộc xây dựng NTM hôm nay với sự hưởng ứng rất cao của nhân dân. 
 
Ông Nguyễn Văn Minh là một giáo dân tiêu biểu. Mặc dù bận bịu công việc nhà nông nhưng ông là tổ trưởng tích cực của tổ tự quản 3, đảm trách cả trưởng ban công tác mặt trận xóm. Năm 2010, ông đã hiến gần 100m2 đất để làm đường giao thông. Đến năm 2014, ông tiếp tục hiến 25m2 đất và đập bỏ tường rào kiên cố để mở rộng đường làm NTM. Nói về những việc làm có ý nghĩa của mình, ông chỉ khiêm tốn: “Mỗi người chịu hy sinh một ít lợi ích là đường làng ngõ xóm được mở ra phong quang, sạch đẹp, đi lại thuận tiện hơn so với đường đất rất nhiều”. Chính những gương như ông Minh đã khích lệ bà con hưởng ứng nhiệt tình phong trào hiến đất, góp công, góp của xây dựng hạ tầng của xóm ngày một khang trang. Đồng chí Nguyễn Văn Phú chia sẻ: “Chúng tôi xác định công tác dân vận ở địa phương phải đề cao tính đoàn kết, đồng lòng giữa đồng bào lương và giáo. Vì vậy, ngoài tính tiên phong, gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên; ban cán sự xóm cũng phối hợp chặt chẽ với Hội đồng mục vụ Giáo họ Quan Lãng. Đó là nền tảng cho những thành quả đạt được hôm nay”.

 
Lãnh đạo xã Hoa Sơn trao đổi với nhân dân xóm 5 về kết quả
chương trình xây dựng nông thôn mới. 

Khéo dân vận không chỉ làm thay đổi bộ mặt của nhiều miền quê ở vùng đất dưới đỉnh Kim Nhan mà còn thể hiện rõ trong các dự án, công trình trọng điểm. Tiêu biểu là công tác dân vận của cả hệ thống chính trị huyện Anh Sơn trong quá trình giải phóng mặt bằng (GPMB) cho Dự án Nhà máy sản xuất than củi sạch xuất khẩu do Công ty CP Nhiên liệu sạch làm chủ đầu tư tại xã Khai Sơn. Đây là dự án lớn, hứa hẹn tác động rất lớn đến phát triển kinh tế của không chỉ của Anh Sơn mà cả nhiều huyện miền Tây Nghệ An. Công tác triển khai dự án của chủ đầu tư cũng hết sức khẩn trương, đòi hỏi khâu GPMB phải triển khai nhanh, từ tháng 7 đến tháng 9 năm 2014. Trong giai đoạn đầu, công tác GPMB tương đối khó khăn. Nhiều người dân bị ảnh hưởng vẫn chưa thấu hiểu được ý nghĩa của dự án, cũng như có nhiều vấn đề chưa thông suốt về mức giá đền bù.
 
Trước thực tế đó, Thường trực Huyện ủy Anh Sơn đã trực tiếp làm việc với UBND huyện nhằm tìm giải pháp tháo gỡ. Cơ quan liên quan đến công tác đền bù GPMB cũng tổ chức đối thoại trực tiếp với nhân dân địa phương nhiều lần. Đặc biệt, công tác dân vận của cả hệ thống chính trị vào cuộc hết sức sôi nổi và hiệu quả. Ngoài dân vận chính quyền của cấp huyện và xã thì mỗi tổ chức đoàn thể đều được triển khai vào cuộc theo phương châm “đến từng nhà, vận động từng hộ”. Từ những bước đi bài bản đó kết hợp với công tác triển khai đo đạc, áp giá đền bù, hỗ trợ được công khai minh bạch nên người dân thấu hiểu và đồng tình cao. Nhiều xóm bị ảnh hưởng lúc đầu ước chừng không thể GPMB đúng hẹn, về sau lại bàn giao mặt bằng sớm. Vì vậy, chỉ mất 2,5 tháng, toàn bộ 17 ha thuộc đất sản xuất trên 5 xóm của 252 hộ dân bị ảnh hưởng ở xã Khai Sơn đã hoàn thành công tác GPMB, dư luận nhân dân đồng tình cao, không có đơn thư khiếu nại. “Công tác GPMB ở Dự án Nhà máy sản xuất than củi sạch xuất khẩu được triển khai rất đồng bộ, thể hiện được tính dân chủ rất cao. Từ đó để lại nhiều bài học quý trong công tác dân vận của cả hệ thống chính trị”, đồng chí Trần Thị Âu, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Anh Sơn đúc kết.
 
Trong nhiệm kỳ 2010 -2015, công tác dân vận ở Anh Sơn có chuyển biến mạnh mẽ với nhiều cách làm hiệu quả, phát huy được sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, mở rộng dân chủ. Từ những công trình, dự án phát triển hạ tầng kinh tế, xã hội đến các vấn đề bức xúc nảy sinh trong nhiều ngành, lĩnh vực như đất đai, giáo dục và cả trong công tác đảng đều được các cấp, ngành chủ quản và liên quan tổ chức đối thoại. Đơn cử đối thoại giữa Ban Thường vụ Huyện ủy với 320 bí thư chi bộ trực thuộc các đảng bộ cơ sở; giữa UBND huyện, ngành Giáo dục với 198 giáo viên hợp đồng bậc học THCS… Nhờ đó đã tạo không khí dân chủ, tạo được niềm tin trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; đồng thời các cấp lãnh đạo cũng nhận được những phản hồi sinh động từ thực tế nhằm nâng cao chất lượng công tác lãnh đạo. 
 
Phong trào dân vận khéo được triển khai sâu rộng, có hiệu quả, tác động lớn đến nhiều lĩnh vực, địa phương, đơn vị, từ đó để lại dấu ấn đậm nét trên mọi mặt của đời sống. Trong 5 năm qua, toàn huyện xây dựng được 650 mô hình, điển hình dân vận khéo, trong đó có 350 mô hình điển hình về phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Chỉ tính 6 tháng đầu năm 2015, trên địa bàn huyện Anh Sơn đã xuất hiện nhiều mô hình dân vận khéo với cách làm hay như: mô hình vận động nhân dân hiến đất, GPMB, làm đường giao thông ở xã Tường Sơn; mô hình chuyển đổi ruộng đất, chỉnh trang đồng ruộng tại thôn 5, xã Tào Sơn…
 
Trao đổi về những định hướng trong công tác dân vận nhiệm kỳ 2015 - 2020, đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Anh Sơn cho biết: “Huyện sẽ tiếp tục tích cực đổi mới nội dung, hình thức công tác dân vận phù hợp với từng địa phương, đơn vị; hướng về cơ sở trên tinh thần “gần dân, trọng dân, hiểu dân, học dân”; thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, tạo sự chuyển biến rõ nét trong công tác vận động nhân dân, nhất là ở vùng đặc thù; khơi dậy tinh thần đoàn kết toàn dân, có ý thức tự lực, tự cường, vượt qua khó khăn thách thức, vươn lên làm giàu chính đáng”.
 
Thực tế cuộc sống hàng ngày có nhiều vấn đề sự việc nảy sinh, do đó công tác dân vận phải đi trước một bước. Đó là giải pháp hiệu quả để nâng cao dân chủ, nhân dân được nắm vững, nắm rõ những vấn đề liên quan; cán bộ quản lý, điều hành cũng có được những phải hồi từ cơ sở để nâng cao hiệu quả công việc. Kiên định nguyên tắc dân vận khéo, nhiệm kỳ 2010 -2015, huyện Anh Sơn đã gặt hái được nhiều thành công. Những kinh nghiệm, bài học thu được trong công tác dân vận sẽ là hành trang vững chắc để hiện thực hóa những chỉ tiêu của Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015 -2020.
 
Nguồn: baonghean.vn/ Nhật Lệ, ngày 20/7/2015


Gửi cho bạn bè

Xem nhiều nhất