Phong trào thi đua “Dân vận khéo” ở thành phố Tuyên Quang luôn nhận được
sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, sự ủng hộ của người dân. Từ phong
trào đã góp phần quan trọng trong tuyên truyền, vận động nhân dân tham
gia thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà
nước, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng, chỉnh trang đô thị trên địa
bàn.
|
Cán bộ phường Hưng Thành cùng nhân dân tổ 10 kiểm tra chất lượng đường bê tông của tổ.
Ảnh: Thu Hằng |
Toàn thành phố hiện có
1.029 mô hình “Dân vận khéo” ở tất cả các lĩnh vực trong đời sống kinh
tế - xã hội, trong đó có 305 mô hình văn hóa - xã hội, 105 mô hình phát
triển kinh tế, 39 mô hình xây dựng nông thôn mới, 122 mô hình xây dựng
hệ thống chính trị và 146 mô hình về quốc phòng - an ninh. Các xã,
phường đã đẩy mạnh tuyên truyền nhân dân tập trung sản xuất nông, lâm
nghiệp, lựa chọn đưa các giống cây trồng mới vào canh tác. Điển hình như
hộ bà Bùi Thị Nụ, thôn Phúc Lộc A, xã An Khang nuôi 800 đàn ong, mỗi
năm thu 20 tấn mật, trị giá trên 800 triệu đồng, tạo việc làm thường
xuyên cho 5 lao động; hộ ông Dương Văn Phương, thôn Hòa Mục, xã Thái
Long chăn nuôi gia cầm với quy mô 5.000 con vịt siêu trứng, bình quân
mỗi ngày thu từ 1.600 - 1.700 quả trứng, thu gần 6 triệu đồng/ngày; hộ
ông Vũ Duy Thiệu, tổ 1, phường Tân Hà phát triển mô hình trồng cây ăn
quả, cây con giống và trồng rừng cho thu nhập 300 triệu đồng/năm…
Song song với công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham
gia phát triển kinh tế, nhiều phường đã chọn đăng ký và thực hiện hiệu
quả xây dựng công trình, việc làm trong điển hình “Dân vận khéo” về công
tác kiểm kê, giải phóng mặt bằng, chỉnh trang đô thị, giữ gìn vệ sinh
môi trường, phát triển kinh doanh, thương mại, dịch vụ, làm đường bê
tông, nhà sinh hoạt cộng đồng, xây dựng tuyến phố văn minh. Tiêu biểu
như phường Ỷ La với mô hình “Sạch đường, sáng ngõ”. Với phương châm
hướng mạnh về cơ sở, Đoàn thanh niên phường đã phối hợp với các tổ dân
phố vận động nhân dân lắp đặt được 52 tuyến đường điện chiếu sáng, tổng
kinh phí thực hiện trên 50 triệu đồng và hàng trăm công lao động. Các
đoàn thể, khối dân vận cơ sở đã chú trọng vận động nhân dân xây dựng
nông thôn mới, tập trung vào các tiêu chí chưa đạt như công tác môi
trường, cơ sở vật chất văn hóa, nhà ở dân cư, giao thông,...
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động của đội ngũ cán bộ, đảng
viên, trong 5 năm (2010 - 2015) thôn Khe Cua 1, xã Đội Cấn đã vận động
nhân dân đóng góp vật liệu, ngày công làm mới 4,5 km đường bê tông nông
thôn. Đặc biệt, đã vận động nhân dân hiến hơn 2.000 m2 đất, 1.250 ngày
công lao động và hơn 27 triệu đồng làm tuyến đường giao thông liên xã từ
ngã ba thôn Cây Khế đến thôn Khe Cua 1, với tổng chiều dài 326 m; hiến
528 m2 đất, 250 ngày công lao động và 180 triệu đồng xây dựng nhà văn
hóa thôn.
Đồng chí Vương Thị Kim Tuyến, Phó Trưởng Ban Dân vận thành phố cho
biết: Một trong những thành công của phong trào thi đua “Dân vận khéo”
là cấp ủy, chính quyền tổ chức lấy ý kiến của nhân dân trước khi ban
hành chủ trương. Với phương pháp vận động “Đảng viên đi trước” đã tạo
được phong trào quần chúng trong việc thực hiện phong trào thi đua cơ
sở. Qua đó, phong trào đã tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và
hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác dân vận, góp
phần nâng cao vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, chất
lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.
Nguồn: baotuyenquang.com.vn/ Bàn Thanh, ngày 13/7/2015