Đặc biệt, cấp ủy, chính quyền các cấp đã quan tâm lãnh đạo,
chỉ đạo, xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện nghiêm túc phong trào
thi đua "Dân vận khéo" để phong trào thực sự đi vào lòng dân, được nhân
dân tin tưởng, ủng hộ và tích cực thực hiện.
Bám sát cơ sở, gần gũi với nhân dân là phương châm trong công tác vận
động quần chúng ở Mù Cang Chải. Dưới sự chỉ đạo của Huyện ủy, Ban Dân
vận, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể không những tích cực trong vận
động quần chúng mà còn thường xuyên kiểm tra, giám sát, hướng dẫn việc
xây dựng và thực hiện các mô hình "Dân vận khéo" của huyện, xã; tổ chức
đánh giá chất lượng, tiến độ và hiệu quả các mô hình theo từng thời
điểm, từ đó có kế hoạch, giải pháp khắc phục những mô hình kém hiệu quả,
nhân rộng những mô hình điển hình tiên tiến.
Nhờ đó, trong những năm qua, toàn huyện đã xây dựng được trên 200 mô
hình dân vận khéo, trong đó trên 60 mô hình tiêu biểu trên các lĩnh vực
kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh. Một số mô hình kinh tế điển hình đã
được huyện hỗ trợ kinh phí hoạt động. Ngoài ra, Mặt trận Tổ quốc và
đoàn thể các cấp thông qua các chương trình, dự án lồng ghép hỗ trợ mỗi
xã một vài mô hình, góp phần nâng quả hiệu quả của các mô hình.
Qua đẩy mạnh thực hiện, lĩnh vực nào cũng xuất hiện những điển hình
"Dân vận khéo". Trong đó, lĩnh vực kinh tế có trên 40 mô hình, chủ yếu
là về chăn nuôi gia súc, gia cầm, sản xuất kinh doanh, sản xuất nông,
lâm nghiệp. Các mô hình đã phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương,
từng bước đưa nhân dân thoát khỏi thế sản xuất độc canh sang thâm canh,
tăng vụ, áp dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật vào sản xuất, góp phần xóa
đói, giảm nghèo. Khao Mang, Lao Chải, Hồ Bốn là những địa phương điển
hình trong vận động nhân dân sản xuất vụ đông xuân.
Đối với diện tích lúa nương ở các xã, do nhiều năm sản xuất cho năng
suất thấp, bà con đã tích cực chuyển đổi sang trồng ngô, tiêu biểu như
ông Vàng Súa Lử ở xã Nậm Có; ông Chang A Rùa ở xã Nậm Khắt; ông Thào A
Chờ, Giàng A Chua ở xã Hồ Bốn. Phát triển kinh tế từ chăn nuôi, tiêu
biểu là các hộ: Giàng A Ràng, xã Lao Chải; Giàng A Sinh, Giàng Pàng Tủa,
xã Hồ Bốn; Hảng A Lồng ở xã La Pán Tẩn thì phát triển mô hình trang
trại nông lâm kết hợp; Thào Khua Kỷ ở xã Púng Luông; Sùng Lử Chang, xã
Mồ Dề, Giàng A Vàng, xã Dế Xu Phình… tập trung nuôi ong lấy mật.
Huy động học sinh ra lớp, giữ tỷ lệ thường xuyên, chuyên cần là một
việc không hề đơn giản ở huyện vùng cao, chủ yếu đồng bào Mông như Mù
Cang Chải. Tuy nhiên, những năm qua, huyện đã duy trì được tỷ lệ thường
xuyên, chuyên cần trong giáo dục từ 95% đến 98%. Kết quả này có sự đóng
góp của những mô hình dân vận khéo như mô hình "Vận động, huy động học
sinh ra lớp" ở bán Pú Nhu xã La Pán Tẩn; mô hình "Vận động con em đúng
độ tuổi đến lớp" ở bản Dế Xu Phình, xã Dế Xu Phình; "Vận động học sinh
ra lớp" của Trường Dân tộc bán trú Tiểu học - THCS xã Hồ Bốn… Trong xây
dựng gia đình, làng bản văn hóa, nếp sống văn hóa mới ở khu dân cư, nổi
lên các mô hình "5 không, 3 sạch" ở bản Dế Xu Phình A, xã Dế Xu Phình;
bản Trống Tông, xã La Pán Tẩn; mô hình vận động các cặp vợ chồng không
sinh con thứ ba ở bản Trống Páo Sang, xã La Pán Tẩn; "Không sinh con thứ
ba, không tảo hôn, không hôn nhân cận huyết thống, không thách cưới
cao" ở bản Lả Khắt, xã Nậm Khắt…
Lĩnh vực quốc phòng - an ninh cũng có trên mười mô hình, trong đó có
các mô hình tiêu biểu như: "Giữ vững an ninh trật tự" ở bản Trống Gầu
Bua, xã Hồ Bốn và bản Háng Tầu Dê xã Chế Cu Nha; "Vận động nhân dân
không nghiện hút, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán ma túy" ở bản Hua Khắt,
xã Nậm Khắt… Nhờ đó, đã nâng cao tinh thần cảnh giác, phòng, chống tội
phạm của nhân dân, góp phần giữ vững an ninh trật tự và ổn định an ninh
chính trị trên địa bàn huyện ngay từ cơ sở.
Thông qua các mô hình "Dân vận khéo", công tác xây dựng đảng, chính
quyền từ huyện đến cơ sở cũng được tăng cường. Các chi bộ thôn bản đã
phát huy vai trò hạt nhân chính trị tại cơ sở, cán bộ, đảng viên thường
xuyên gắn bó với nhân dân, lắng nghe tâm tư nguyện vọng, đồng thời lãnh
đạo nhân dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật
của Nhà nước. UBND các cấp không ngừng cải cách, đổi mới phong cách làm
việc theo hướng gần dân, sát dân…
Dân vận khéo cũng đã được phát huy cao độ trong xây dựng nông thôn
mới. Qua đó, nhân dân xã Dế Xu Phình đã tự góp được trên 60 triệu đồng
và công lao động để làm 2km đường bê tông; góp 120 triệu đồng làm cầu
treo qua suối Nậm Kim. Nhân dân xã Nậm Khắt góp tiền, vật liệu và công
lao động làm được 3 nhà sinh hoạt cộng đồng, mỗi nhà trị giá 200 triệu
đồng. Nhân dân các xã đã tích cực ủng hộ hiến đất mở đường giao thông
vào các thôn bản, các khu sản xuất… góp phần thực hiện các tiêu chí nông
thôn mới.
Những nỗ lực ở huyện Mù Cang Chải 5 năm qua, trong việc quan tâm, tập
trung lãnh, chỉ đạo thực hiện và nhân rộng các mô hình dân vận khéo;
phát huy tốt vai trò của cấp ủy, chính quyền, khơi dậy và tập hợp được
sức mạnh nhân dân, đã góp phần phát triển kinh tế, xã hội, ổn định quốc
phòng - an ninh trên địa bàn huyện cũng như thực hiện những chỉ tiêu Đại
hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2010 - 2015.
Nguồn: baoyenbai.com.vn/ Hạnh Quyên, ngày 5/8/2015