Đó
là phương châm tuyên truyền trong suốt hơn 3 năm làm công tác dân
vận của ông Ngô Văn Nho – Bí thư Chi bộ Khuê Đông 1 (P. Hòa Quý,
Q. Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng).
Trở
lại thời gian năm 2007, khi thành phố có chủ trương di dời,
giải tỏa vùng đất Khuê Đông với tổng diện tích 332 ha đất ở
và đất nông nghiệp để xây dựng dự án khu đô thị sinh thái, công
viên văn hóa, làng quê sông nước, trên 365 hộ tại Khuê Đông 1 và
Đồng Nò phải sang ở khu tái định cư Bá Tùng. Việc thu hồi đất
giải tỏa đền bù và tái định cư đã đặt ra nhiệm vụ vô cùng
khó khăn cho lãnh đạo địa phương ngay từ khi dự án bắt đầu
khởi công. Nhiều cuộc họp diễn ra, có khi kéo dài và tranh
luận gay gắt bởi người dân đã quen với nếp sống cũ, không chịu
chuyển sang nơi ở mới. Trước tình hình đó, ông Nho đã chủ
động đi đến từng nhà, giải thích, phân tích cho người dân thấy
được những lợi ích trong việc di dời, giải tỏa.
Bên cạnh
đó, ông luôn làm gương, đi đầu, là một trong những người đầu
tiên tháo dỡ nhà cửa, trả lại mặt bằng, giao đất cho dự án.
Dần dà, thấy được sự cương quyết trong công việc của ông, nhiều
hộ dân đã đồng ý và chấp thuận đi theo. Ông Nho tâm sự: “Dù
thế nào đi nữa, đó cũng là nơi chôn nhau cắt rốn, là mảnh đất
của ông bà, tổ tiên để lại từ bao đời nay, không phải một sớm
một chiều mà họ quên ngay hình ảnh ấy. Do đó, muốn nhân dân
đồng thuận thì phải đặt mình vào hoàn cảnh của họ để giải
quyết. Tuyệt đối không được áp đặt, mệnh lệnh, gây bức xúc
trong nhân dân”. Bằng cách làm thân tình đó mà đến nay, hơn 90%
hộ dân đã sang khu tái định cư mới, 10% hộ dân ở lại là do giá
cả đền bù, việc bố trí đất tái định cư chưa hợp lý, chưa có
đất thực tế.
Nhận chức Bí thư Chi bộ từ năm 1992, đến
nay dù đã gần 70 tuổi nhưng ông Nho luôn nhiệt tình, mẫu mực,
được nhân dân quý mến. Trên chiếc xe đạp cũ, ông cứ đạp xe đến
nhắc nhở từng hộ dân, hoặc khi có công văn gửi cho tổ trưởng
tổ dân phố, ông cũng là người đạp xe đến tận nơi để phân phát.
Những thắc mắc, kiến nghị và quyền lợi chính đáng của người
dân đều được ông xem xét giải quyết cụ thể, thỏa đáng. Trong
mọi phong trào, ông luôn là người làm trước để mọi người noi
theo. Như việc vận động nhân dân nâng cao ý thức phòng cháy chữa
cháy, mỗi hộ trang bị một bình xịt cứu hỏa trong nhà, ông
cũng là người tiên phong. Nói về những khó khăn trong công tác
dân vận, ông Nho chỉ cười: “Nhiều người nói tui hình thức, nhà
cửa xây kiên cố dễ gì cháy, nhưng tui vẫn từ từ thuyết phục
cho họ hiểu. Cái nhà là cơ ngơi cả đời người, lỡ xảy ra
chuyện gì thì xem như trắng tay. Vậy là dần dần họ cũng nghe
theo, tới bây giờ thì gần như nhà nào cũng có một bình xịt
chữa cháy đặt trong nhà rồi”.
Giờ đây, cuộc sống của bà
con tại khu tái định cư Bá Tùng đã ổn định hơn rất nhiều. Thay
vì làm ruộng, các thanh niên đã có thể vừa học nghề, vừa lao
động, nhà cửa thì khang trang, không phải đối mặt với nỗi lo
mùa bão lũ. Ông Thái Công Giới (53 tuổi, trú tổ 98, P. Hòa
Quý, Q. Ngũ Hành Sơn) chia sẻ: “Mặc dù tuổi cao nhưng ông Nho
rất tận tâm với công việc. Người dân nơi đây, ai mới chuyển về
ở cũng được ông qua tận nhà trò chuyện, hỏi thăm”. Chính vậy
mà trong suốt nhiều năm qua, ông luôn nhận được bằng khen là cá
nhân xuất sắc trong phong trào dân vận nói riêng và công tác chi
bộ nói chung.
|
Ông Ngô Văn Nho (bên trái) trò chuyện cùng tổ trưởng tổ dân phố 98, P. Hòa Quý. |
TUYÊN TRUYỀN BẰNG THƠ CA
Nếu
như nghĩ vận động nhân dân là một việc khuôn mẫu, khô cứng thì
hẳn bà con nhân dân ở P. Khuê Mỹ, Q. Ngũ Hành Sơn đã không
hưởng ứng nhiệt tình đến vậy, bởi ông Trần Minh Thiên – 63
tuổi, Bí thư Chi bộ Đa Mặn 5 đã có cách tuyên truyền hoàn toàn
mới lạ, gần gũi với nhân dân: tuyên truyền bằng thơ ca, hò vè.
Với cương vị Bí thư Chi bộ từ năm 2011, ông Thiên đã cùng với
chính quyền các cấp vận động nhân dân tự nguyện thực hiện các
nhiệm vụ do Đảng ủy phường giao phó.
Đặc biệt trong phong
trào dân vận khéo, ông đã tham mưu cấp ủy quận vận động tổ
trưởng tổ dân phố, các chi hội, đoàn thể làm pano, khẩu hiệu
tuyên truyền hằng năm. Ông kể: “Nội dung tuyên truyền được gửi
về bằng văn bản, rất dài và khó thuộc. Do đó tôi đã sáng tác
bài thơ “Gia đình 7 tốt” để nhân dân dễ đọc, dễ nhớ”. Bài thơ
với thể lục bát, đọc lên nghe vần điệu nhịp nhàng, lại thể
hiện được hết nội dung cần phổ biến đến nhân dân: “Một là
đoàn kết với nhau/Quan hệ ứng xử trước sau thuận hòa/Hai là
tích cực tham gia/Họp tổ dân phố cả nhà cùng đi/Ba là đóng
quỹ ngại chi/Góp công góp của luôn đi về đầu...”. Với cách làm
này, bài thơ của ông Thiên đã được triển khai rộng rãi trong
toàn phường với 82 pano treo tại các tổ dân phố, 7 pano treo tại
phường và 6 nhà họp dân, in hơn 2.700 tờ A4 phát cho các hộ
dân, phổ nhạc dân ca để tuyên truyền qua các cuộc họp...
|
Ông Trần Minh Thiên với biệt tài tuyên truyền bằng thơ ca. |
Để
công tác dân vận có hiệu quả, ông đã đi đến từng nhà để hỏi
thăm, kiểm tra. Có lần tuyên truyền cho nhân dân việc treo ảnh
Bác Hồ tại nơi trang trọng trong nhà, nhiều hộ không chịu làm
theo, ông phải đến tận nơi phân tích cặn kẽ, thậm chí còn tự
mua ảnh tặng cho gia đình đó rồi tự mình đóng đinh treo tường
giúp người ta. “Phải đích thân mình chủ động làm thì người ta
mới nghe theo được, chứ nói suông không thôi thì khó lắm” – ông
Thiên chia sẻ. Vậy đó mà trong những năm qua, ông đã vận động
được 100% nhân dân toàn khu dân cư hưởng ứng thực hiện phong trào
toàn dân bảo vệ ANTQ gắn với phong trào toàn dân đoàn kết xây
dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư. Ông vui mừng cho hay, từ
khi có bài thơ tuyên truyền, bà con nhân dân thích đi họp hơn,
con nít trong xóm cũng nghêu ngao đọc bài thơ nghe rất vui tai.
Sắp tới, ông cũng phát động phong trào “Ngọn đèn, tiếng kẻng
phòng gian” với một bài thơ đã làm sẵn. Đây thực sự là cách
tuyên truyền mới mẻ và đem về nhiều kết quả thiết thực.
Ngoài
công tác dân vận, ông Thiên còn là người rất quan tâm đến các
hộ khó khăn trên địa bàn phường. Ông đã từng kêu gọi, đề xuất
hỗ trợ cho các hộ nghèo, vận động sửa sang nhà cửa, trợ cấp
học bổng cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn... “Phải đi sâu
sát vào đời sống nhân dân, phải hiểu nhân dân thì công tác
tuyên truyền mới hiệu quả được. Phải làm sao cho người ta tin
tưởng mình, đó mới là thành công” – ông Thiên chia sẻ.
Với
những việc làm lặng thầm nhưng đầy ý nghĩa, ông Ngô Văn Nho và
ông Trần Minh Thiên xứng đáng là những hạt nhân điển hình
trong phong trào "Dân vận khéo".
Nguồn: cadn.com.vn/ Thảo Vy, ngày 24/9/2015