Trong những năm qua, thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, công tác dân vận của hệ thống chính trị Thành phố Hà Nội đã được quan tâm, đóng góp ngày càng quan trọng trong việc vận động các tầng lớp nhân dân Thủ đô thực hiện tốt chủ trương của Đảng, Nhà nước, huy động sức mạnh toàn dân trong việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là giải quyết tốt những vấn đề phức tạp phát sinh trên địa bàn.
|
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng trao bằng khen cho các tập thể, cá nhân |
Tiếp tục thực hiện Kế hoạch 70-KH/BDVTW, ngày 26/2/2009, của Ban Dân vận Trung ương và sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 14, ngày 12/4/2012 về thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2012-2015, trong đó xây dựng tiêu chí, đăng ký mô hình, điển hình “Dân vận khéo” với những nội dung cụ thể, bám sát nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Thành phố, các địa phương, đơn vị. Hưởng ứng phong trào trên, 100% các đơn vị trên địa bàn Thành phố đã tổ chức quán triệt, triển khai đến đội ngũ cán bộ chủ chốt, lãnh đạo MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội. Cấp ủy các cấp cũng xác định tầm quan trọng của phong trào thi đua “Dân vận khéo” đối với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, trong đó tập trung xây dựng mô hình “Dân vận khéo” trong cán bộ, công chức trực tiếp tiếp xúc với nhân dân như bộ phận một cửa, bộ phận tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo… Nhiều địa phương, đơn vị xây dựng mô hình “Dân vận khéo” trên các nội dung như học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức cơ sở đảng và cải tiến nội dung sinh hoạt chi bộ… đã cho thấy sức lan tỏa của phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong các ngành, lĩnh vực, địa phương, đơn vị.
Trong lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã được triển khai hiệu quả trong việc thực hiện cuộc vận động “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”, vận động nhân dân dồn điền đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và các phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi. Qua đó, đã huy động sức mạnh tổng hợp trong xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống, thu nhập cho người nông dân, làm chuyển biến mạnh mẽ bộ mặt nông thôn. Nhiều mô hình “Dân vận khéo” cũng góp phần tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân duy trì vệ sinh môi trường vào sáng thứ 7 hàng tuần, vận động giải tỏa dứt điểm 97 tụ điểm chợ cóc, chợ tạm, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường; duy trì xây dựng mỗi quận 1 phường đạt chuẩn văn minh đô thị, 2-3 tuyến phố văn minh đô thị.
Mô hình “Dân vận khéo” trong vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội cũng đã mang lại những kết quả tích cực. Tại các địa phương, đơn vị ngày càng nhiều đám cưới được thực hiện theo nếp sống mới, tiết kiệm, trang trọng, lành mạnh như tổ chức tiệc trà, báo hỷ sau cưới, trao giấy chứng nhận đăng ký kết hôn ở UBND xã, không tổ chức ăn uống linh đình, kéo dài nhiều ngày, không hút thuốc lá… tiêu biểu là các quận, huyện như Hà Đông, Hoàn Kiếm, Hoài Đức, Thanh Oai. Trong việc tang, hầu hết các hủ tục như lăn đường, khóc mướn, cờ bạc… đã được loại bỏ, tỷ lệ hỏa táng cũng ngày một nâng cao. Mô hình “Dân vận khéo” trong đồng bào tôn giáo đã tập trung tập trung vận động, hướng dẫn đồng bào có đạo tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Tiêu biểu như một số giáo dân ở huyện Thanh Trì tích cực xây dựng nông thôn mới, dồn điền đổi thửa, phát triển kinh tế trang trại cho thu nhập 200 triệu đồng/năm. Nhiều xứ, họ đạo tích cực thực hiện cam kết “Họ giáo không có người nghiện ma túy và mắc tệ nạn xã hội”…
Đáng chú ý, trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã kết hợp hiệu quả với phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, qua đó đã vận động quần chúng nhân dân tích cực tham gia phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm ngay từ gia đình, cộng đồng theo hướng tự quản, tự phòng, tự đảm bảo an ninh trật tự. Nhiều mô hình “Dân vận khéo” được nhân rộng, phát huy hiệu quả như “cụm dân cư an toàn”, đơn vị an toàn”, mô hình “nhân dân tự quản”, “xóm đạo, làng chài bình yên”, “tiếng mõ an ninh”… Đặc biệt, trong thời gian Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, các mô hình “Dân vận khéo” đã góp phần quan trọng trong việc ổn định tình hình, tuyên truyền, vận động nhân dân, công nhân trong các khu công nghiệp, chế xuất tin tưởng vào chủ trương, giải pháp đấu tranh của Đảng, Nhà nước, không để các đối tượng xấu lợi dụng kích động, lôi kéo làm mất an ninh trật tự tại địa phương.
Cùng với các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội là những lực lượng nòng cốt trong việc thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, gắn với các phong trào thi đua, cuộc vận động của từng đơn vị, như “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, phong trào đền ơn đáp nghĩa và cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”… Hội Liên hiệp Phụ nữ triển khai mô hình “Dân vận khéo” trong vận động hội viên tích cực hưởng ứng phong trào “Thực hành tiết kiệm nuôi lợn nhựa”, xây dựng “Mái ấm tình thương”, nhân rộng các mô hình “Chi hội phụ nữ trong việc cưới, việc tang”…
Sau 4 năm triển khai phong trào thi đua “Dân vận khéo”, Ban Dân vận Thành ủy đã chỉ ra một số bài học kinh nghiệm nhằm nhân rộng, phát huy hiệu quả của phong trào trong những năm tiếp theo, đó là phải nghiên cứu và nắm vững các quan điểm chỉ đạo của Đảng về công tác dân vận trong từng thời kỳ để cụ thể hóa thành mục tiêu, giải pháp, chương trình sát với tình hình thực tiễn và yêu cầu của địa phương, đơn vị; MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội tiếp tục phát huy vai trò là lực lượng nòng cốt trong thực hiện hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo” tại cơ sở. Chú trọng xây dựng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trong đội ngũ cán bộ, công chức theo phong cách “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”.
Với những kết quả trong việc thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, trong những năm qua, 2 tập thể và 2 cá nhân của thành phố Hà Nội đã được Ban Dân vận Trung ương tặng bằng khen. Thành ủy, UBND TP cũng tặng bằng khen cho 45 tập thể và 45 cá nhân. Đây là những động lực để tiếp tục nhân rộng, phát huy hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong thời gian tới, góp phần huy động sức mạnh tổng hợp vào việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của Thủ đô.
Nguồn: hanoi.gov.vn/Huy Kiên, 12/10/2015