Chính sự kiên trì, sáng tạo của các
cá nhân, tập thể điển hình dân vận khéo đã thuyết phục, vận động người
dân đóng góp sức mình vào sự phát triển chung của TP HCM.
Chạng vạng tối, khu trọ của bà Phan Thị Thanh - Chủ nhiệm CLB Nữ chủ
nhà trọ xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, TP HCM - rộn ràng tiếng công nhân
(CN) trở về sau một ngày làm việc mệt nhọc. Đứng trước cửa nhà trọ,
nhiều CN í ới gọi: “Cô Thanh ơi, cho con lấy đồ ăn!”. Rồi không ai bảo
ai, mọi người tự động vào mở thùng đá, lấy bọc thức ăn của mình. Nhìn
rau, thịt, cá… tươi ngon bỏ cẩn thận trong từng bịch ni-lông sạch sẽ, ai
cũng hài lòng.
Tấm gương sáng
CN ở trọ nhà bà Thanh luôn miệng nhắc đến bà chủ nhà trọ nhân hậu,
tốt bụng. Sáng sớm, CN gửi bà mua đồ ăn trước khi đi làm. Sau đó, bà
Thanh ra chợ lựa đồ tươi ngon, bảo đảm vệ sinh, giá rẻ chất đầy xe mang
về cất thùng đá. Chẳng biết từ khi nào, nhà bà trở thành “trung tâm cung
cấp thực phẩm ngon - bổ - rẻ theo yêu cầu”.
Giáp Tết Nguyên đán, hiểu CN không có thời gian mua sắm vì phải tăng
ca, bà đến Chợ Lớn (quận 5) mua hàng Tết phục vụ cả khu trọ. Bà cẩn thận
lựa từng món, khảo sát giá cả, chắt chiu tính toán để CN mua được hàng
vừa rẻ vừa chất lượng. Cứ thế, CN lãnh lương xong chỉ việc xách đồ về,
không mất công đi mua hay lo lắng mua nhầm hàng giả. Tình cảm giữa bà
Thanh và nhiều CN ở trọ mật thiết đến nỗi nhiều CN về quê lấy chồng vẫn
thường xuyên gọi điện tâm sự, hỏi thăm gia đình bà. Gần 10 năm nay, khu
trọ như gia đình thứ hai của nhiều CN từ các tỉnh, thành về TP làm ăn,
sinh sống.
Đây cũng là hình ảnh thường thấy ở nhiều khu trọ thành viên của CLB
Nữ chủ nhà trọ ở xã Tân Kiên. Thành lập từ năm 2008, CLB Nữ chủ nhà trọ
do bà Thanh làm chủ nhiệm có 38 thành viên, quản lý 528 phòng trọ với
hơn 800 CN. Các dãy trọ của CLB không tăng giá điện, giá thuê phòng.
Hằng năm, CLB tặng quà Tết cho CN không có điều kiện về quê, ủng hộ tiền
cho CN có hoàn cảnh khó khăn. “Muốn các chủ nhà trọ chăm lo cho CN thì
mình phải làm gương trước. Mình có làm thì nói họ mới nghe chứ” - bà
Thanh chia sẻ.
|
Ông Trần Trọng Tuyên chạy xe trên con đường bê-tông do dân hiến đất, góp tiền xâyẢnh: Phan Anh |
Mưa dầm thấm lâu
Với cương vị là trưởng Ban Điều hành khu phố 5 (phường Bình Trưng
Tây, quận 2), ông Trần Trọng Tuyên cùng các thành viên trong ban điều
hành đã vận động 365 hộ dân đóng góp 1,5 tỉ đồng và hiến hơn 360 m2 đất
để nâng cấp, mở rộng 7 tuyến đường, hẻm. Riêng ông Tuyên đã tích cực vận
động gần 500 triệu đồng và 100 m2 đất làm con hẻm, cống thoát nước. Nhờ
sự kiên trì của ông, khu phố 5 đã bê-tông hóa hầu hết các tuyến đường,
tuyến hẻm làm ai nấy cũng phấn khởi.
“Muốn dân vận thành công, trước hết phải lắng nghe dân. Khi hiểu dân
rồi mình sẽ có những cách vận động phù hợp. Nhất là phải áp dụng biện
pháp “mưa dầm thấm lâu” vì không phải hộ dân nào vận động lần đầu cũng
thành công” - ông Tuyên nói.
Ông Tuyên nhớ có lần vừa bước vào nhà một hộ dân, ông đã bị chửi như
“tát nước vào mặt”, có hộ không thèm tiếp. Ấy vậy mà ngày hôm sau, họ
lại thấy ông đến. Ban ngày đến không có họ ở nhà, ông Tuyên chuyển sang
ban đêm. Cứ như vậy, ông đi hết hộ dân này đến hộ dân khác. “Nhận thì
dễ, để cho đi thì không dễ chút nào nhưng vì cái chung nên tôi chỉ biết
cố gắng hết sức thôi” - ông chia sẻ.
Thêm một cách để dân vận thành công mà theo ông Tuyên là dùng dân để
vận động dân. Khi vận động được một hộ, ông Tuyên nhờ họ cùng đi với
mình đến hộ khác. Biết khu phố còn nhiều hộ nghèo, cận nghèo, ông đã
thuyết phục các mạnh thường quân hỗ trợ kinh phí giúp đỡ họ. Cảm nhận về
ông Tuyên, bà Hồ Thị Phước, Phó Chủ tịch UBND phường Bình Trưng Tây,
nói: “Ông Tuyên có uy tín ở địa phương nên được người dân ở khu phố kính
trọng”.
Vào từng ngõ, gõ từng nhà...
Một điển hình khác trong công tác dân vận là tập thể Quận đoàn 4, TP
HCM. Trong giai đoạn 2011-2015, Quận đoàn 4 đã xây dựng 13 công trình
“Dân vận khéo” cấp quận và 261 công trình cấp phường, khu phố. Nổi bật
nhất là công trình “Nhận thức mới, cuộc sống mới” nhằm giáo dục, cảm hóa
thanh niên chậm tiến.
Theo anh Doãn Trường Quang, Bí thư Quận đoàn 4, làm công tác dân vận
với người bình thường khó một thì với những thanh niên chậm tiến thì khó
mười. Chính vì vậy, các đoàn viên trong quận đoàn đã ra phương châm
“vào từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”; rồi cứ tới lui “rủ rê”
các em lúc tham gia làm vệ sinh, lúc thì đi dự các phiên tòa xét xử vị
thành niên của TAND quận 4.
Đặc biệt, quận đoàn còn đưa các em đi thăm mái ấm, nhà mở để cảm nhận
được bản thân mình còn hạnh phúc hơn những mảnh đời cơ nhỡ. “Đa dạng
cách làm, cách tiếp xúc của quận đoàn đã kéo nhiều thanh niên chậm tiến
như em ra khỏi những trận đánh, những lần cày game thâu đêm suốt sáng” -
Nguyễn Tấn Tài bộc bạch. Giờ đây, Tài là một thành viên tích cực đi vận
động những thanh niên chậm tiến tham gia các phong trào đoàn của Quận
đoàn 4.
Nguồn: nld.com.vn, ngày 3/10/2015