Những năm qua, Công an Hậu Giang luôn chú trọng
xây dựng mô hình “Dân vận khéo” gắn với phong trào thi đua yêu nước, phát triển
kinh tế. Công an các địa phương, đơn vị đã chủ động, sáng tạo trong công tác
dân vận, nhất là những việc liên quan trực tiếp quyền lợi và nghĩa vụ của người
dân. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên người dân ngày càng phấn
khởi, tin tưởng vào các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
|
Nhờ tham gia mô hình “3+1”, Trần Duy Đăng, ở phường Thuận An, thị xã Long Mỹ, đã chí thú làm ăn |
Tuyến
đường công vụ ở xã Thạnh Xuân là một trong những tuyến đường “huyết mạch” của
xã đi trung tâm huyện Châu Thành A, do đó lượng xe lưu thông khá nhiều. Theo
lãnh đạo xã Thạnh Xuân, những năm trước, mỗi năm tuyến đường này xảy ra 3-4 vụ
tai nạn giao thông, ngoài ra việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người
dân sống cạnh tuyến đường còn nhiều hạn chế. Trước tình hình trên, năm 2014,
Công an huyện Châu Thành A phối hợp với UBND xã Thạnh Xuân thành lập mô hình
“Ấp văn hóa an toàn giao thông” (ở ấp Trầu Hôi và Trầu Hôi A).
Để
mô hình hoạt động hiệu quả, lãnh đạo xã cho người dân ký cam kết không vi phạm
Luật Giao thông đường bộ; bộ phận tư pháp của xã tổ chức hội thi “Tìm hiểu Luật
Giao thông đường bộ”; các ngành, đoàn thể xã thường xuyên phát quang bụi rậm
cặp tuyến đường; nắm danh sách những trường hợp có nguy cơ vi phạm Luật Giao
thông đường bộ. “Bên cạnh đó, chúng tôi còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật
Giao thông đường bộ cho người dân, chủ yếu các nội dung như: xử phạt vi phạm
hành chính khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông không đội nón bảo
hiểm, uống rượu bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông, phối hợp với
Đội Cảnh sát giao thông và Trật tự cơ động, Công an huyện Châu Thành A gửi danh
sách những trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ về địa phương…”, chị
Huỳnh Ngọc Phỉ, Bí thư Xã đoàn Thạnh Xuân, cho biết.
Bà
Nguyễn Thị Thúy, ở ấp Trầu Hôi, xã Thạnh Xuân, cho hay: “Khi thành lập mô hình
này, người dân rất hưởng ứng, vì sẽ hiểu nhiều hơn về Luật Giao thông đường bộ,
từ đó chấp hành tốt hơn. Từ khi thành lập mô hình, không còn thấy tình trạng
người dân ở đây không đội nón bảo hiểm khi tham gia giao thông”.
Còn
tại mô hình “3+1”, ở phường Thuận An, thị xã Long Mỹ, đã và đang hoạt động hiệu
quả trong công tác phòng, chống tội phạm. Theo thiếu tá Đinh Văn Út Em, Trưởng
Công an phường Thuận An, mô hình được thành lập với mục đích nâng cao trách
nhiệm, nghĩa vụ của cán bộ, gia đình và nhân dân trong công tác quản lý, giáo
dục, giúp đỡ người có quá khứ lầm lỗi, người đang có biểu hiện vi phạm pháp
luật, nhằm ngăn ngừa phát sinh tội phạm trên địa bàn. Để mô hình hoạt động hiệu
quả, Công an phường tham mưu với Đảng ủy, UBND phường lập kế hoạch hoạt động và
phân công cụ thể cho từng thành viên trong ban chỉ đạo theo sát, kèm cặp đối
tượng. Vận động gia đình có con em trong mô hình thường xuyên phối hợp với lực
lượng công an, đoàn thể quản lý, giáo dục. Nội dung giáo dục, tuyên truyền là
các quy định của pháp luật về tệ nạn xã hội, chỉ ra những hành vi có nguy cơ vi
phạm pháp luật để từng đối tượng nhận thức rõ mà tránh. “Mỗi tuần, cán bộ được
phân công kèm cặp đến tận nhà đối tượng ít nhất 1 lần để theo dõi và có nhận
xét về sự tiến bộ hay không tiến bộ của đối tượng. Định kỳ 3 tháng, cán bộ này
phải có bản nhận xét, đánh giá và đề xuất hướng quan tâm, giúp đỡ, biện pháp
giáo dục đối tượng”, thiếu tá Út Em cho biết thêm.
Trước
đây, một số đối tượng có hành vi nguy cơ vi phạm pháp luật, nhưng chưa đến mức
phải đưa vào mô hình, nhưng gia đình đối tượng đã vận động con em và xin chính
quyền địa phương tham gia mô hình, như trường hợp của anh Trần Duy Đăng. Trước
đây, Đăng không lo làm ăn, suốt ngày tụ tập bạn bè chơi bời, mặc dù được gia
đình khuyên giải nhiều lần nhưng Đăng không thay đổi. Thấy thế, gia đình anh
xin chính quyền địa phương đăng ký tham gia vào mô hình. Nhờ được giáo dục, đến
nay, Đăng đã lo làm ăn, phụ giúp gia đình phát triển sản xuất.
Mô
hình có 18 đối tượng, đến nay có 12 đối tượng chuyển biến tốt trong nhận thức
và hành động về giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn, chí thú làm ăn. “Chúng
tôi sẽ nhân rộng mô hình này ra các địa bàn khác để có sức lan tỏa trong toàn
dân, đồng thời khuyên răn, giáo dục những đối tượng có quá khứ lầm lỗi, đối
tượng có hành vi nguy cơ vi phạm luật trở thành công dân tốt”, thiếu tá Út Em
nhấn mạnh.
Theo
Công an tỉnh, để phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong vận động nhân dân tham
gia phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” mang lại hiệu quả, 5 năm qua,
Công an tỉnh đã phối hợp với Ban Dân vận Tỉnh ủy, UBMTTQVN tỉnh tổ chức nhiều
hoạt động tuyên truyền. Công an các đơn vị, địa phương còn có nhiều sáng kiến
trong xây dựng mô hình điển hình “Dân vận khéo”, đến nay có 17 mô hình “Dân vận
khéo” trong vận động nhân dân tham gia phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ
quốc”; 76 mô hình phòng chống tội phạm và giữ gìn trật tự an toàn giao thông…
Trong đó, có các mô hình nổi bật như: “Xóm đạo bình yên”, “Tiếng mõ an ninh”,
“Đội xe ôm xung kích”, “Cánh cửa an toàn về an ninh trật tự”, “Ấp văn hóa an
toàn giao thông”… Từ đó đã mang lại hiệu quả trong công tác đảm bảo an ninh
trật tự trên địa bàn.
Theo
đại tá Phan Văn Hùng, Phó Giám đốc Công an tỉnh, Công an tỉnh sẽ tiếp tục tuyên
truyền, vận động nhân dân tham gia phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ
quốc”; phối hợp với các ngành liên quan xây dựng và nhân rộng mô hình điển hình
“Dân vận khéo” trong lĩnh vực phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, trật tự an
toàn giao thông; kịp thời biểu dương những tập thể, cá nhân có thành tích xuất
sắc trong thực hiện mô hình để mô hình “Dân vận khéo” lan tỏa nhiều hơn nữa trong
toàn dân…
Nguồn:
baohaugiang.com.vn/ Nhật Tân, ngày 1/10/2015