Thứ Bảy, 11/1/2025
Dân vận khéo ở Minh Long
 
Đoạn đường ấp 2 được trải nhựa, học sinh đến trường bằng xe đạp 

Không phải đến khi Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được triển khai, Minh Long mới bắt tay vào vận động “Nhà nước và nhân dân cùng làm” mà cách đây 20 năm, nghĩa là trước cả thời điểm tái lập tỉnh, cấp ủy và chính quyền xã đã chú trọng đẩy mạnh công tác dân vận trong sửa chữa, làm mới các tuyến đường. Minh chứng là đường nông thôn trong xã đã và đang được nhựa hóa, bê tông thay cho những tuyến đường đất đỏ, lối tắt, đường mòn khi xưa.

Khoan sức dân

Đi trên đoạn đường dài 1.243m được trải nhựa từ năm 2014 tại ấp 2, ai cũng cảm nhận được niềm vui của người dân với cách gọi thân thương “Đoạn đường ý Đảng lòng dân”. Ông Phạm Ngọc Nhật, Trưởng ấp 2 giới thiệu: Trước đây, đoạn này là đường đất rất nhỏ, lại xuống cấp nghiêm trọng nên nắng bụi, mưa lầy. Nông sản của người dân thường bị thương lái ép giá. Học sinh đến trường bị té là chuyện không hiếm. Hiểu nỗi khổ của dân, cấp ủy, chính quyền xã và ban điều hành ấp đã cùng xắn tay vào làm và vấn đề đặt ra trước tiên là phải tạo được sự đồng thuận từ nhân dân. Tất nhiên trách nhiệm, trước hết thuộc về ban điều hành ấp cùng các nhân tố nòng cốt trong dân đi vận động, thuyết phục.

Khi đã thuận, người dân họp, bàn bạc và thống nhất thu tiền theo diện tích đất. Hai bên đường có 21 hộ dân sinh sống và khoảng 10 hộ có vườn rẫy phía trong, người dân tự cưa cây để mở rộng thêm. Với những hộ khó khăn, trưởng ấp đề nghị xã cho vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để có tiền đóng. Người dân đồng tình miễn thu tiền của 1 hộ nghèo, hộ khó khăn được giảm từ 20-30% tùy vào điều kiện gia đình nên tổng số tiền thu được 667 triệu đồng. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, trong quá trình thi công, người dân cử đại diện giám sát chặt chẽ. Chẳng bao lâu, đoạn đường trải nhựa hình thành trước niềm hân hoan của người dân.

Tích cực tham gia cùng ban điều hành ấp đi vận động, ông Trần Công Pháp ở tổ 3, ấp 2 vui vẻ nói: Có đường nhựa, người dân mừng lắm, làm gì, đi đâu cũng thuận lợi, nhất là tụi nhỏ có thể tự đạp xe đến trường. Hàng hóa mua đâu, bán đâu đều dễ dàng. Tổ phụ nữ đã tự nguyện thu gom, đốt rác hai bên đường vào ngày nghỉ cuối tuần.

Nhờ dân vận khéo nên nhân dân ấp 2 đã đồng lòng góp sức xây nhà văn hóa và mua sắm trang thiết bị phục vụ sinh hoạt. Ông Nhật phân tích: Vận động không nên cứng nhắc, phải tùy vào sức dân. Một năm làm chưa xong thì vài ba năm, sức dân có hạn nên phải chấp nhận làm dàn trải, cái nào cần thiết ưu tiên trước. Khi chưa có nhà văn hóa thì tập trung làm trước lấy chỗ sinh hoạt, sau đó sắm sửa, nâng cấp dần. Đến nay, sân nhà văn hóa đã đổ bê tông tạo không gian sạch sẽ, thoáng mát, trong đó tiền nhân dân góp hơn 100 triệu đồng.

Những năm trước, đường nhỏ, dân cư phân bố không đều nên điện lưới quốc gia chưa kéo về. Vì vậy, từ năm 1999, người dân đã dựng trụ, cây gỗ tạm kéo nhờ đường điện từ phía ngoài, rất nguy hiểm. Nhờ đường trải nhựa nên năm 2014, đường điện hạ thế đã kéo vào, dự kiến cuối năm nay sẽ đóng điện. Khi giải tỏa để kéo điện hạ thế đã nhận được sự đồng tình của người dân, vướng vào cây của hộ nào thì hộ đó tự nguyện chặt bỏ. Bà Phạm Thị Tảo ở tổ 3, ấp 2 cho hay: “Nhà tôi bị vướng 9 cây cao su đang thu hoạch, tôi tự nguyện cưa trước khi ban điều hành ấp đến vận động”.

“Khó vạn lần dân liệu cũng xong”

Từ năm 2010 đến tháng 6-2015, xã giải tỏa hành lang lộ giới 104 lần, giải tỏa 1.228 cây xanh, cây lâu năm và 775m hàng rào; khơi thông, nạo vét 4.240m mương, đặt 10 ống cống. Vận động nhân dân 1,568 tỷ đồng sửa chữa 155km đường đất, 450m đường bê tông, 1km đường đất đỏ. Xã còn vận động dân đóng góp theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” trải nhựa 2.846m với hơn 1,511 tỷ đồng. Riêng đường điện, từ 1997-2014 người dân đã giải tỏa hành lang kéo 17,4km trung thế và 23,4km hạ thế.

Ông Nguyễn Văn Khôi cho biết thêm: Do sức dân có hạn, không thể cứng nhắc trong quá trình vận động mà phải tận dụng nhiều nguồn, như lao động công ích, tiền, đất đai, cây trồng... của dân đóng góp. Hằng năm, Đảng ủy, HĐND xã đều ban hành nghị quyết xây dựng đường nông thôn và quán triệt đến từng ấp. Ban điều hành ấp có trách nhiệm triển khai đồng bộ, giải thích cho dân hiểu về lợi ích mà dân được hưởng, đồng thời xây dựng nòng cốt ở các hội, đoàn thể cùng tuyên truyền. Với phương châm “Mưa dầm thấm lâu”, linh hoạt, mềm mỏng trong cách vận động nên xã nhận được sự đồng tình từ người dân giải tỏa mặt bằng để mở rộng, nâng cấp và sửa chữa nhiều tuyến đường.

Ngoài huy động sức dân, xã còn vận động doanh nghiệp góp sức xây dựng nông thôn mới. Vừa qua, xã vận động Công ty TNHH cao lanh Hoàng Oanh đứng chân trên địa bàn hỗ trợ 740 triệu đồng, đáp ứng đủ 30% kinh phí làm đường theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” trải nhựa đường số 19 ở ấp 1, dài 1.178m. Đoạn đường đã khánh thành và đưa vào sử dụng từ tháng 7-2015. Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Trưởng ấp 1 nói: Dân vận khéo không chỉ huy động được mọi nguồn lực mà còn làm thay đổi cách nghĩ của người dân trong bảo vệ và gìn giữ đường dân sinh.

“Sinh thời Bác Hồ đã từng nói “Dễ trăm lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Quan trọng phải đồng sức đồng lòng mà trước hết phải dân vận khéo để phục vụ xây dựng kinh tế - xã hội, làm cho bộ mặt nông thôn đổi thay từng ngày, ông Nguyễn Văn Khôi khẳng định.  

Nguồn: baobinhphuoc.com.vn/ Hải Châu, ngày 27/9/2015


Gửi cho bạn bè

Xem nhiều nhất