- PV: Thưa đồng chí, trải qua các thời kỳ cách mạng, Đảng ta luôn
xem công tác dân vận là một trong những công tác cơ bản, là nhiệm vụ có
ý nghĩa chiến lược quan trọng, xuyên suốt của của Đảng. Xin đồng chí
Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy cho biết việc triển khai thực hiện phong trào
thi đua “Dân vận khéo” ở tỉnh ta thời gian qua?
- Đồng chí Trần Vũ Khiêm: Trong bài “Dân vận” đăng
trên báo Sự thật ngày 15-10-1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Việc
dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo
thì việc gì cũng thành công”. Đây là sự tổng kết từ thực tiễn cách mạng
và từ sự trải nghiệm của Người trong quá trình giữ cương vị lãnh tụ của
Đảng, của đất nước, hàm ý nhắc nhở chúng ta phải thường xuyên coi trọng
và làm tốt công tác dân vận.
Bởi công tác dân vận có sự tác động mạnh mẽ đối với sự đồng thuận của
nhân dân đối với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước “Dân chúng
đồng lòng, việc gì cũng làm được. Dân chúng không ủng hộ, việc gì cũng
không nên”. Thực hiện lời dạy của Bác, trải qua các thời kỳ cách mạng,
nhất là từ những năm bước vào đổi mới đến nay, các cấp, các ngành ở tỉnh
ta đã thường xuyên quan tâm, chăm lo công tác dân vận, trọng tâm là đổi
mới nội dung, phương thức công tác dân vận theo quan điểm và yêu cầu
“Dân vận khéo”.
Những năm 1996 - 2000 các cấp ủy, tổ chức đảng đã chỉ đạo các hoạt
động chuyên đề “Dân vận khéo” ở cơ sở và hội thảo “Dân vận khéo thì việc
gì cũng thành công”; giai đoạn 2001- 2005 tổ chức hội thi “Dân vận
khéo” ở các cấp, tạo thành đợt sinh hoạt chính trị mang nhiều ý nghĩa
thiết thực.
Từ năm 2009 đến nay, đặc biệt là giai đoạn 2011- 2015, thực hiện Chỉ
thị số 27-CT/TU ngày 18-5-2009 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tổ chức
phong trào thi đua “Dân vận khéo”, Quy chế công tác dân vận của hệ thống
chính trị, Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng
(khoá XI) về “tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng với công tác
dân vận trong tình hình mới”, gắn với tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và
làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, phong trào “Cả nước chung sức
xây dựng nông thôn mới”, “Dân vận khéo” đã trở thành phong trào thi đua
sâu rộng, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa
phương.
Xác định việc tổ chức triển khai thực hiện phong trào thi đua, xây
dựng và nhân rộng điển hình “Dân vận khéo” là trách nhiệm của cả hệ
thống chính trị, của các lực lượng làm công tác dân vận, 5 năm qua, các
cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể, các hội quần chúng
trong tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo phong trào thi đua “Dân vận
khéo”. Việc tổ chức phát động phong trào thi đua “Dân vận khéo” ngày
càng đi vào chiều sâu, có nhiều đổi mới, đa dạng về nội dung, phong phú
về cách làm, phù hợp với tình hình cụ thể ở từng địa phương, đơn vị.
|
Nhân dân xã Quảng Lưu (Quảng Trạch) thi đua thực hiện tiêu chí giao thông để
đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới |
Do vậy, các nội dung, yêu cầu của phong trào đã nhanh chóng đi vào
thực tiễn cuộc sống, được cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các
tầng lớp nhân dân hưởng ứng tích cực, tạo khí thế thi đua sôi nổi, rộng
khắp, trở thành động lực quan trọng để mỗi tập thể, cá nhân phát huy lợi
thế, khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, quyết tâm hoàn thành tốt
nhất nhiệm vụ, công việc được giao.
Bằng các phương pháp dân vận “khoa học” và “khéo léo”, thuyết phục,
các cấp, các ngành, nhiều cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và quần
chúng nhân dân đã hướng dẫn, chỉ đạo, vận động xây dựng và làm lan toả
nhiều điển hình “Dân vận khéo” trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã
hội. Đã đổi mới một bước việc xây dựng tiêu chí đánh giá và tổ chức đánh
giá các điển hình “Dân vận khéo” theo hướng khoa học phù hợp với thực
tiễn công tác dân vận.
Dù còn gặp một số khó khăn, hạn chế, nhưng trên thực tế, phong trào
thi đua “Dân vận khéo” đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của
các tổ chức trong hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên về công tác
dân vận; tập hợp, vận động đông đảo các tầng lớp nhân dân trong phát
triển kinh tế- xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống
chính trị trong sạch, vững mạnh; đồng thời gắn kết, thúc đẩy và tăng
hiệu quả của các phong trào thi đua yêu nước khác.
- PV: Trên cơ sở kết quả đã đạt được trong thời gian qua, xin
đồng chí cho biết nội dung trọng tâm của phong trào thi đua “Dân vận
khéo” tỉnh ta trong giai đoạn mới?
- Đồng chí Trần Vũ Khiêm: Thực chất của “Dân vận
khéo” chính là sự đổi mới về phương thức, nội dung hoạt động công tác
dân vận của Đảng, nhằm khắc phục bệnh thành tích, hình thức, thay vào đó
là những mô hình cụ thể, có địa chỉ và có cách làm cụ thể, mang lại
hiệu quả thiết thực ở từng cơ quan, địa phương, đơn vị. Nhằm tiếp tục
góp phần tạo ra động lực mới đưa tỉnh nhà phát triển nhanh và bền vững,
thời gian tới, phong trào thi đua “Dân vận khéo” cần tập trung vào một
số nội dung trọng tâm sau:
Trước hết, toàn bộ nội dung phong trào thi đua “Dân vận
khéo” phải tập trung vào việc cụ thể hóa và tổ chức thực hiện thắng lợi
Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh
lần thứ XVI và nghị quyết đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2015- 2020
thông qua việc xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình “Dân vận
khéo” trên các lĩnh vực phát triển kinh tế- xã hội, giữ vững quốc phòng,
an ninh và xây dựng hệ thống chính trị. Động viên các tầng lớp nhân dân
vượt qua mọi khó khăn, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, góp
phần hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong từng năm và của cả
nhiệm kỳ tới.
Hai là, phong trào thi đua “Dân vận khéo” phải gắn với và cụ
thể hóa thành các tiêu chí cụ thể để góp phần tiếp tục thực hiện có
hiệu quả Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị, Nghị quyết số
25-NQ/TW về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác
dân vận trong tình hình mới, Quy chế giám sát và phản biện xã hội, tham
gia xây dựng Đảng, chính quyền của Mặt trận, đoàn thể; Nghị quyết Trung
ương 4 (khóa XI) Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay, tiếp
tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, phong trào “Cả
nước chung sức xây dựng nông thôn mới” và các phong trào thi đua, các
cuộc vận động của các tổ chức trong hệ thống chính trị...
Ba là, phong trào thi đua “Dân vận khéo” phải hướng đến giải
quyết những vấn đề đặt ra từ thực tiễn. Việc lựa chọn để xây dựng, nhân
rộng mô hình, điển hình “Dân vận khéo” phải đáp ứng được yêu cầu, nhiệm
vụ chính trị của từng địa phương, cơ quan, đơn vị, hướng vào những
nhiệm vụ cấp ủy đang tập trung chỉ đạo hoặc giải quyết những vấn đề bức
thiết của nhân dân; trong đó tập trung thi đua “Dân vận khéo” trên các
lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng nông thôn mới, văn minh
đô thị; xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu; trong bảo đảm quốc phòng, an
ninh, giữ gìn trật tự an toàn xã hội; cải cách hành chính; thực hiện Quy
chế dân chủ ở cơ sở; giải quyết khiếu nại, tố cáo; thực hành tiết kiệm,
chống lãng phí; vận động nhân dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền,
Mặt trận và các đoàn thể trong sạch vững mạnh.
Một điểm đáng lưu ý là quan tâm đẩy mạnh và nâng cao chất lượng phong
trào “Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới. Vì đây là một chủ
trương lớn của Đảng, Nhà nước và là một cuộc cách mạng toàn diện ở nông
thôn mà 19 tiêu chí của chương trình đều có liên quan đến công tác dân
vận, đến việc huy động các nguồn lực trong nhân dân, phát huy vai trò
chủ thể của người dân trong quá trình tổ chức thực hiện.
- PV: Để tiếp tục phát huy và đẩy mạnh hơn nữa phong trào thi đua
“Dân vận khéo” góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác
dân vận, theo đồng chí cần có những giải pháp gì?
- Đồng chí Trần Vũ Khiêm: Để đẩy mạnh và nâng cao
chất lượng, hiệu quả, chiều sâu của phong trào thi đua “Dân vận khéo”
đòi hỏi phải tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, các cấp, các
ngành cần quan tâm thực hiện tốt một số công việc chủ yếu sau đây:
Thứ nhất là, tiếp tục quán triệt các quan điểm, chủ trương
của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận, Chỉ thị số
27-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tổ chức thực hiện phong trào thi
đua “Dân vận khéo”, tạo chuyển biến nhận thức, trách nhiệm của cả hệ
thống chính trị về công tác dân vận nói chung và về mục đích, yêu cầu, ý
nghĩa, tầm quan trọng của phong trào thi đua “Dân vận khéo” nói riêng.
Phải thực sự xem đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị; là
nhiệm vụ thường xuyên, nội dung xuyên suốt trong quá trình thực hiện các
nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, cơ quan, đơn vị và là động lực
quan trọng để đổi mới nội dung, phương thức công tác dân vận trong tình
hình mới.
Thứ hai là, cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể các
cấp tiếp tục rà soát, xây dựng kế hoạch, đề án, tiêu chí, tiêu chuẩn,
nội dung, quy trình cụ thể, phù hợp để đẩy mạnh và nâng cao chất lượng,
hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Trong đó, cần xem trách
nhiệm tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” của chính
quyền các cấp là trọng tâm, vai trò tham mưu, làm nòng cốt của Mặt trận,
các đoàn thể là quan trọng, tạo động lực để thúc đẩy các phong trào thi
đua yêu nước khác phát triển. Đưa việc thực hiện phong trào thi đua
“Dân vận khéo” vào đánh giá, xếp loại hàng năm của các cơ quan, địa
phương, đơn vị.
Thứ ba là, việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện phong
trào phải thường xuyên, kiên trì, cụ thể, sát với tình hình thực tiễn
của từng địa phương, cơ quan, đơn vị; coi trọng tính thiết thực, hiệu
quả. Đề cao trách nhiệm và tạo sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các
ngành trong hệ thống chính trị để tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội
viên và các tầng lớp nhân dân tham gia. Huy động được nhiều nguồn lực,
nhiều lực lượng thực hiện phong trào một cách có hiệu quả cao, sức lan
tỏa rộng.
Thứ tư là, nghiên cứu để đổi mới phương pháp, cách làm theo
hướng linh hoạt, thiết thực, kết hợp giữa tuyên truyền, vận động với sự
tự giác nêu gương, đi đầu, làm mẫu, làm trước, thuyết phục nhiều người
tự nguyện, hăng hái tham gia. Thông qua đó, tạo không khí vui tươi, phấn
khởi, tin tưởng trong các tầng lớp nhân dân, thi đua phát triển kinh
tế- xã hội, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng
hệ thống chính trị ngày càng trong sạch vững mạnh.
Trong quá trình triển khai, cần tăng cường đôn đốc, kiểm tra, định kỳ
sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả, rút kinh nghiệm; tôn vinh, ghi
nhận, biểu dương, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành
tích trong phong trào để duy trì, nhân rộng các mô hình, điển hình, phổ
biến những kinh nghiệm hay, cách làm tốt của các mô hình, điển hình “Dân
vận khéo”.
Thứ năm là, khi nói về công tác dân vận, Chủ tịch Hồ Chí
Minh không dùng từ “giỏi” mà là “khéo”. Điều này hàm ý công tác dân vận
phải được tiến hành bằng cả lương tâm, trách nhiệm, có phương pháp tốt,
hợp lý, hợp tình. Vì vậy, hệ thống làm công tác dân vận các cấp cần tích
cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, các hình thức tập hợp quần
chúng, phát huy vai trò tham mưu và làm nồng cốt trong tuyên truyền,
vận động nhân dân thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”.
Chú trọng công tác tập huấn, bồi dưỡng nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ,
công chức làm công tác dân vận thật sự tâm huyết, sâu sát cơ sở, có kỹ
năng, kinh nghiệm vận động quần chúng, “khéo” tuyên truyền, giải thích
để quần chúng hiểu rõ và thực hiện với tinh thần “Thật thà, nhúng tay
vào việc”, “Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”
như Bác Hồ đã chỉ dạy.
- PV: Xin cảm ơn đồng chí!
Qua 5 năm thực hiện phong trào thi đua
“Dân vận khéo”, toàn tỉnh có 1.885 tập thể và 1.138 cá nhân điển hình
“Dân vận khéo” đã được khẳng định và tôn vinh.
Đó chính là những tập thể, cá nhân có
trách nhiệm chính trị cao trước Đảng, trước nhân dân, bằng những phương
pháp dân vận sáng tạo, “khoa học” và “khéo léo”, có sức lan toả lớn, đã
thuyết phục, vận động được nhiều tập thể, cá nhân trong cộng đồng học
tập, làm theo, đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực của
đời sống xã hội, đóng góp vào sự phát triển, đi lên của tỉnh nhà.
|
Nguồn: baoquangbinh.vn, ngày 29/9/2015