Thứ Bảy, 11/1/2025
Tiền Giang: Những mô hình, điển hình tiêu biểu trong phong trào thi đua "Dân vận khéo"

Với quan điểm "Gần dân, hiểu dân, trọng dân, có trách nhiệm với dân", điển hình thực hiện tốt công tác dân vận khéo trong phong trào xây dựng nông thôn mới là Chi bộ Ấp Mỹ Lương, xã Mỹ Phong, TP. Mỹ Tho. Ông Nguyễn Văn Trang, Bí thư Chi bộ ấp Mỹ Lương cho biết: Nhờ biết vận dụng phong cách dân vận của Bác vào thực tiễn của địa phương, nên trong thời gian ngắn, ấp đã vận động nhân dân xây dựng được 7 tuyến đường, với tổng chiều dài 3,2 km, kinh phí 3,2 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp hơn 600 triệu đồng và hiến trên 200 m2 đất.

Tương tự, mô hình "Phân loại, xử lý rác thải hộ gia đình - Bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan: sáng, xanh, sạch, đẹp khu dân cư" tại khu phố 4, thị trấn Vĩnh Bình, huyện Gò Công Tây là một điển hình trong phong trào thi đua dân vận khéo, mô hình này đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi theo hướng tích cực của nhân dân và cán bộ trong bảo vệ môi trường.

Theo ông Mai Văn Chánh, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thị trấn Vĩnh Bình, để hoạt động hiệu quả, mô hình điểm được lồng ghép trong cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", từ đó, vận dụng thế mạnh của các đoàn thể giáo dục, vận động thành viên tích cực thực hiện các chủ trương của Đảng, Nhà nước, trong đó có nhiệm vụ bảo vệ môi trường.

Tân Phú Đông là huyện cù lao nghèo của tỉnh, trước những khó khăn của huyện mới thành lập, Ban Dân vận Huyện ủy tập trung lãnh đạo hệ thống dân vận, Mặt trận các ban ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở, đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua "Dân vận khéo", "Dân vận chính quyền", quy chế dân chủ ở cơ sở, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, vai trò tham mưu của các cấp ủy Đảng được nâng lên, vai trò giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp, sự quản lý điều hành của hệ thống chính quyền phát huy hiệu quả, tạo được lòng tin của nhân dân.

Ông Võ Văn Thuận, Trưởng Ban Dân vận huyện cho biết, với hiệu quả của công tác dân vận, nhân dân đã tự nguyện hiến hơn 394.000 m2 đất và các loại cây ăn trái, hoa màu khác, trị giá hơn 41 tỷ đồng, để góp phần xây dựng các công trình phúc lợi, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2010 là 53% đến giai đoạn này giảm xuống còn 23,7%, giảm hơn 3.100 hộ.

Ngoài ra, trong phong trào thi đua dân vận khéo còn xuất hiện nhiều mô hình hiệu quả: Thùng rác compost ở xã Bình Nghị (huyện Gò Công Đông), "5 không, 3 sạch", "Câu lạc bộ bảo vệ môi trường" ở xã Long Hưng (huyện Châu Thành); các mô hình tuyến đường thanh niên tự quản,... nhìn chung, mỗi ban, ngành, đoàn thể đều xây dựng những mô hình riêng, để nâng cao hiệu quả hoạt động, mang lại lợi ích cho nhân dân.

Có thể nói, trong quá trình thực hiện, các mô hình, điển hình "Dân vận khéo" đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị ở cơ sở, đồng thời kết hợp đồng bộ giữa công tác dân vận với hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền, cụ thể hóa chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, từng bước tìm ra những biện pháp hiệu quả, để giải quyết nhu cầu và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Thông qua phong trào "Dân vận khéo" đã đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, tạo sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong nhân dân.

Nguồn: tiengiang.gov.vn, ngày 13/10/2015

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất