Thứ Tư, 6/11/2024
Tận tụy trong xây dựng khu phố văn minh
Bà Nguyễn Thị Hương (người ngoài cùng bên phải) cùng các đồng nghiệp.

Thậm chí, có những khoảng thời gian, ngôi nhà bà thường xuyên bị ném gạch đá và nhiều "vật thể lạ" để đe dọa bà ngừng công việc. Bà Hương nhớ lại: "Khi quận Long Biên được thành lập cách đây hơn mười năm, yêu cầu đặt ra cho mọi cấp, mọi ngành là phải từng bước chỉnh trang, hoàn thiện bộ mặt đô thị. Phường Giang Biên vốn là vùng nông thôn ven sông Đuống. Các đường làng ngõ xóm do được mở tự phát, cho nên thường nhỏ hẹp, nhiều đoạn ngoằn ngoèo. Ai cũng mong có con đường rộng rãi hơn, nhưng nếu tất cả trông chờ vào ngân sách nhà nước thì không thể thực hiện được. Vì thế, chỉ còn trông chờ vào việc vận động mọi người tham gia góp công, góp của".

Việc "nắn đường", tuy không đòi hỏi mỗi hộ phải "dịch hàng rào" nhiều, chỉ từ nửa mét đến một mét. Nhưng từ khi Long Biên thành quận, giá đất tăng cao, nếu lùi vào nửa mét cho đường rộng ra, thì hộ gia đình có mặt tiền năm mét đất, đã mất gần trăm triệu đồng. Vận động để mỗi người chịu hy sinh một phần lợi ích là chuyện rất khó. "Vũ khí" của người làm công tác Mặt trận không gì khác hơn là tuyên truyền, vận động. Nhưng nó chỉ hiệu quả khi biết vận dụng hợp lý với từng đối tượng, kết hợp với lòng kiên trì. Cũng có người đồng thuận khi thấy phố xá có cơ hội đẹp hơn. Song, cũng có người phản ứng. Khi có những "vật thể lạ" bay vào nhà, lời ra tiếng vào, cậu con trai bà Hương đã bảo: Hay thôi mẹ ạ, ngày nào cũng nghe người ta nói ra nói vào, mệt mỏi lắm. Thế nhưng bà Hương quyết không lùi bước, khi chủ trương đề ra là đúng đắn. Một nhà, hai nhà... những gia đình đồng ý với việc lùi lại, mở rộng đường cứ nhân lên. Đến lúc con đường được trải nhựa phẳng lì, nhiều người thật sự nể phục "bà Mặt trận".

Mở đường nội bộ trong các tổ dân phố chưa xong thì lại mở đường kết nối giữa phường Giang Biên với các trục giao thông, khu đô thị lân cận, rồi cả việc thu hồi đất phục vụ cho các dự án trên địa bàn. Với vai trò của người vận động, bà Hương, cùng các cán bộ Hội Phụ nữ, Cựu chiến binh... lại "lên tuyến đầu". Giai đoạn những năm 2010 đến 2014 là giai đoạn "căng" nhất. Ai cũng hiểu mở đường là vì lợi ích chung. Nhưng câu chuyện giải phóng mặt bằng là câu chuyện khó khăn muôn thuở. Khi vận động mở rộng tuyến đường để khớp nối khu dân cư cũ với Khu đô thị Việt Hưng, bà Hương xác định một số trường hợp gương mẫu, vận động để làm gương, khiến mọi người thay đổi nhận thức và làm theo. Cách làm này đã thành công ngoài dự kiến. Chị Nguyễn Thị Thanh Huyền ở tổ 7, phường Giang Biên có hẳn một ngôi nhà bốn tầng hiện đại, nhưng khi hiểu chủ trương, hiểu ý nghĩa của chính sách, đã đồng ý trở thành người đầu tiên nhận tiền bồi thường. Ngày chị cho máy xúc dỡ nhà, bao nhiêu người trong phường đến xem. Chị Huyền rơi nước mắt vì tiếc, nhưng chị bảo, chị chấp nhận làm thế vì lợi ích chung của mọi người. Nhiều người thấy thế bảo nhau: "Người ta nhà bốn tầng mà còn không tiếc, vậy mình thì sao?". Những lúc “nước sôi lửa bỏng” ấy, bà Hương cứ chạy như con thoi đến từng hộ gia đình để phổ biến chính sách. Nhiều hôm quên cả cơm nhà. Vừa giải thích, bà vừa cùng các thành viên trong đội vận động ghi nhận những phản hồi của người dân về chính sách, rồi đề xuất lên chính quyền những ý kiến xác đáng liên quan đến quyền lợi của họ. Với lòng nhiệt tình ấy, những con đường được mở, những khu đất "sạch" được giao cho các cơ quan chức năng thực hiện dự án.

Đúng vào dịp này, bà Nguyễn Thị Hương vinh dự được dự Hội nghị biểu dương cán bộ Mặt trận Tổ quốc cấp xã, phường tiêu biểu toàn quốc giai đoạn 2010- 2015 do Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam tổ chức. Tại hội nghị, bà Chủ tịch Mặt trận tích cực với công tác chỉnh trang đường phố, xây dựng văn minh đô thị này được đề cử nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Đó là sự ghi nhận xứng đáng cho 17 năm liên tục cống hiến cho công tác Mặt trận, với nhiều thành quả tự hào của bà.

Nguồn: nhandan.org.vn, ngày 22/10/2015

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất