Qua 5 năm thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn 2 huyện Tiên Lãng và Vĩnh Bảo đã thu được nhiều kết quả tích cực. Nhiều mô hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực được nhân rộng, có tác dụng lan tỏa lớn trong cuộc sống…
Sức lan tỏa từ các mô hình
Huyện Tiên Lãng là địa phương được biết đến với nhiều mô hình “Dân vận khéo” được các địa phương khác học tập. Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Tiên Lãng Ngô Ngọc Khánh cho biết: Qua 5 năm, phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai phù hợp với đặc điểm tình hình thực tế của từng địa phương, cơ quan, đơn vị và được đông đảo các tầng lớp nhân dân hưởng ứng.
|
Các tập thể, cá nhân huyện Tiên Lãng được khen tặng trong phong trào “Dân vận khéo” |
Tiêu biểu như mô hình “Vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, quy vùng sản xuất chuyên canh hàng hóa cho giá trị kinh tế cao” tại thôn Đại Công, xã Tiên Cường. Bí thư Đảng ủy xã Tiên Cường (Tiên Lãng) Lê Văn Min hồ khởi cho biết: Mô hình vùng sản xuất chuyên canh hàng hóa cho giá trị kinh tế cao ở thôn Đại Công là điểm sáng phát triển cây vụ đông của huyên Tiên Lãng. Từ diện tích 2ha ban đầu trồng cây dưa hấu, đến nay được nhân rộng lên 65ha, sản xuất 4 vụ/năm (trong đó 3 vụ dưa hấu, 1 vụ khoai tây), thu hút nhiều hộ dân cùng sản xuất, cho giá trị kinh tế đạt từ 700-1 tỷ đồng/ha/năm, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân địa phương.
Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, huyện Tiên Lãng đã xây dựng được 28 mô hình. Trong đó, nổi bật là mô hình “Vận động nhân dân xây dựng NTM”, nhân dân toàn huyện đã tự nguyện hiến, góp được gần 600ha đất (đất thổ cư và nông nghiệp), trên 70 nghìn ngày công lao động và hơn 90 tỷ đồng để xây dựng NTM…
Đối với huyện Vĩnh Bảo, trong 5 năm huyện đã xây dựng, nhân rộng được 210 mô hình “Dân vận khéo”, trong đó có nhiều mô hình do tập thể, cá nhân triển khai, được UBND thành phố biểu dương khen thưởng. Tiểu biểu là mô hình “Trồng dưa Kim Cô Nương” của Chi hội nông dân thôn 3, xã Tân Hưng (Vĩnh Bảo), mô hình ban đầu được xây dựng gần 1 mẫu do 4 hội viên của chi hội trồng. Đến nay, đã nhân rộng ra toàn thôn và một số thôn trong xã với diện tích 40ha, trừ chi phí lãi từ 250 đến 300 triệu đồng/1ha.
Mô hình “Toàn dân tham gia bảo vệ tổ quốc” ở xã Đồng Minh được xây dựng từ tháng 8-2010. Nhờ thực hiện tốt mô hình, từ năm 2010 đến nay, trên địa bàn xã không xảy ra vụ việc trộm cắp, đánh nhau, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn. Mô hình đã được Bộ Công an tặng cờ năm 2014, UBND thành phố tặng bằng khen năm 2013…
“Dân vận khéo” phải gần dân
Đồng chí Nguyễn Thị Mai Phương, Phó bí thư thường trực Huyện ủy Tiên Lãng cho biết: Trên cơ sở kết quả đạt được thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, thời gian tới, huyện Tiên Lãng tiếp tục nhân rộng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” tới các địa phương, đơn vị; trọng tâm là tiếp tục đẩy mạnh xây dựng các mô hình, điển hình dân vận khéo trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; quan tâm chú trọng xây dựng các mô hình trong lĩnh vực nông thôn mới nhằm tạo thành phong trào thi đua sâu rộng, phát huy sức mạnh toàn dân góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 28 nhiệm kỳ 2015- 2020.
Để thành công trong thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” cần đội ngũ cán bộ nói chung, cán bộ mặt trận tổ quốc và các đoàn thể nhân dân nói riêng phải nhiệt tình, tâm huyết, có tinh thần trách nhiệm cao, luôn gần dân, lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, gương mẫu để dân tin, dân học tập, noi theo. Ngoài những yếu tố trên, theo Phó bí thư thường trực Huyện ủy Vĩnh Bảo Nguyễn Văn Lợi thì: Khi triển khai, xây dựng và nhân rộng các mô hình “Dân vận khéo” phải bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên của các cấp Đảng, chính quyền gắn với phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị để tạo sức mạnh tổng hợp, sự đồng thuận cao trong nhân dân; tập trung hướng công tác dân vận về cơ sở, quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ sở thật sự “gần dân, hiểu dân và có trách nhiệm với dân”.
Ngoài ra, phải thực hiện phải công khai, dân chủ theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng lợi”.
Với việc đưa mô hình “Dân vận khéo” bám sát tình hình thực tế của mỗi địa phương, đơn vị giúp kinh tế - xã hội của 2 huyện phát triển bền vững.
Nguồn: anph.vn/Trung Kiên, 26/10/2015