Hiện nay, nhiều nữ bí thư chi bộ thôn, xóm trên địa bàn thành phố Tuyên
Quang đã góp công sức, trí tuệ làm thay đổi bức tranh đời sống xã hội ở
địa phương, thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng
nông thôn mới của tỉnh.
Hơn 9 năm gắn bó với công việc “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, bà Trần
Thị Thoa, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Hòa Mục 2, xã Thái Long được người
dân nơi đây yêu mến bởi sự chu đáo, tận tụy, trách nhiệm, hết lòng vì
công việc chung. Với tâm niệm “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành
công”, nhiều năm qua, bên cạnh duy trì tổ chức sinh hoạt khu dân cư, bà
Thoa còn tích cực “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền, vận động
bà con chấp hành đường lối chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật
của Nhà nước; thực hiện các nghĩa vụ thuế, đóng góp các quỹ Vì người
nghèo, Đền ơn đáp nghĩa…
|
Bà Hoàng Thị Giang (bên phải), Bí thư Chi bộ thôn Song Lĩnh, xã Lưỡng Vượng
(TP Tuyên Quang) dạy may trang phục dân tộc Cao Lan cho phụ nữ trong thôn. |
Thôn Hòa Mục 2 có 95 hộ dân với 791 nhân khẩu. Trên cương vị của
mình, bà Thoa vận động nhân dân chuyển đổi hơn 50 ha đất vườn đồi, ruộng
trằm sang trồng cây ăn quả, chăn nuôi theo quy mô gia trại, phát triển
kinh tế gia đình, xóa đói giảm nghèo. Bà tích cực tuyên truyền, vận động
bà con xây dựng tình đoàn kết thân ái, gìn giữ an ninh trật tự gắn với
cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Vì thế 10 năm nay
thôn không có tệ nạn xã hội, không có trường hợp sinh con thứ ba.
Bà Thoa chia sẻ: “Muốn bà con trong thôn tin tưởng vào đường lối của
Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước thì trước tiên bản thân mình
phải gương mẫu đi đầu trong các phong trào tại địa phương. Ngoài ra,
phải thường xuyên lắng nghe nguyện vọng chính đáng của đảng viên và quần
chúng nhân dân để phản ánh với các cấp có thẩm quyền giải quyết kịp
thời, từ đó sẽ tạo được niềm tin với mọi người”. Bản thân bà Thoa cũng
trực tiếp hòa giải thành công nhiều vụ việc mâu thuẫn xảy ra trong khu
dân cư. Nhờ vậy, mọi người trong thôn chung sống hòa thuận, đoàn kết.
Với vai trò “đầu tàu”, bà Thoa đã góp phần xây dựng thôn Hòa Mục trở
thành thôn văn hóa nhiều năm. Với những đóng góp tích cực, năm nào bà
cũng là đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Thành ủy Tuyên
Quang tặng Giấy khen về việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ
Chí Minh.
Cuộc sống mới của bà con dân tộc Cao Lan ở thôn Song Lĩnh, xã Lưỡng
Vượng hiện hữu ngay từ nếp nhà sàn cột bê tông kiên cố, những ngôi nhà
xây hai tầng bên cạnh con đường bê tông sạch sẽ. Góp công làm nên cuộc
sống ấy là Bí thư Chi bộ Hoàng Thị Giang. Khi tỉnh phát động xây dựng
nông thôn mới, bà Giang đã vận động đảng viên trong chi bộ đồng lòng,
quyết tâm đưa thôn phát triển, tận dụng tối đa sự hỗ trợ của Nhà nước để
kiến thiết hạ tầng như bê tông đường thôn, xây kênh mương, làm nhà văn
hóa. Nhưng để vận động được bà con ủng hộ tiền, ngày công, nhường đất,
lùi rào để làm đường, làm nhà văn hóa, bà Giang đã phải đến từng nhà vận
động bà con bằng tiếng Cao Lan để người dân hiểu, ủng hộ. Sự bền bỉ,
tận tâm của bà Giang đã nhận được hưởng ứng của người dân với 4 hộ dân
hiến gần 600 m2 đất làm đường giao thông, nhà văn hóa thôn, kênh mương
nội đồng. Bà Giang bảo: “Người Cao Lan thật thà, họ chỉ nghe mình nói
khi thấy việc mình làm thôi”. Vì thế bà luôn gương mẫu, đi đầu trong mọi
việc, từ việc nhà đến việc thôn.
Cùng với chăm lo phát triển kinh tế gia đình, bà còn vận động bà con
tích cực trồng trọt, chăn nuôi để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.
Đến nay, thôn Song Lĩnh đã xóa hết được 27 hộ nghèo. Với tinh thần “làm
từng việc, được từng phần”, bà Giang đã vận động chị em phụ nữ trong
thôn bảo tồn giữ gìn nét đẹp trang phục dân tộc Cao Lan bằng việc tự may
lại những bộ trang phục truyền thống của đồng bào Cao Lan, thành lập
câu lạc bộ hát Sình ca để lưu giữ, bảo tồn văn hóa dân tộc Cao Lan. Với
những đóng góp trên, bà Giang vinh dự được đi dự Đại hội thi đua yêu
nước toàn tỉnh lần thứ IV. Bà Giang chia sẻ: “Thực ra, gần với bà con
mới hiểu được tâm tư nguyện vọng của họ, đả thông tư tưởng cho bà con
ngay từ đầu nên mọi việc được giải quyết tốt hơn”.
Ở xã Tràng Đà, khi nhắc đến Bí thư Chi bộ, Trưởng xóm 14 Trần Thị Phi
mọi người đều cảm phục lòng nhiệt tình, trách nhiệm với việc chung của
bà. Ở tuổi 68, gánh vác việc thôn xóm hơn 10 năm qua, chưa khi nào bà
Phi lơ là việc to, việc nhỏ ở xóm. Bà Phi bảo “Đã không nhận gánh vác
trách nhiệm cho xóm thì thôi chứ đã làm thì phải gắng làm đến nơi, đến
chốn”. Xác định rõ tư tưởng nên bà không ngại khó giải quyết tận tình
từng việc, từng nhà. Địa bàn xóm 14 trải dài theo quốc lộ 2C, “cửa ngõ”
của xã Tràng Đà, có ngôi đền Dùm thờ mẫu linh thiêng gắn với tục truyền
thuyết thờ Mẫu, được du khách thập phương đến chiêm bái, nên các loại
hình dịch vụ phát triển theo khá mạnh mẽ. Để giữ an ninh, trật tự tại
xóm, bà Phi thường xuyên lồng ghép vào những buổi họp xóm phổ biến những
quy định của pháp luật, Nhà nước, văn minh bán hàng, cách đối nhân, xử
thế làm tốt công tác hòa giải tại cơ sở… Vì vậy, mọi vấn đề đều được
giải quyết, không gây bức xúc cho nhân dân. Bà Trần Thị Phi kể lại, gia
đình bà về xóm 14 ở năm 2004 để nhượng lại đất để Công ty cổ phần Xi
măng Tân Quang xây dựng nhà máy. Khi ấy, đời sống của bà con trong xóm
còn nhiều vất vả, vì đa số hộ dân làm nghề tự do, ruộng chỉ có hơn 1
ha, 6 ha đất soi trồng ngô, đất đồi, đất vườn eo hẹp nên không phát
triển được nông lâm nghiệp. Từ năm 2008 trở lại đây, nhờ phát triển dịch
vụ, thương mại gắn với du lịch, đời sống của 109 hộ cơ bản đã khá, thôn
đã xóa được hết hộ nghèo. Mười năm không có đối tượng mắc tệ nạn mới,
không có trường hợp sinh con thứ ba.
Năm 2011 bắt tay vào xây dựng nông thôn mới bà Phi đã vận động nhân
dân làm đường bê tông nông thôn, chỉnh trang nhà cửa, làm công trình hợp
vệ sinh, đóng góp xây dựng nhà văn hóa thôn trị giá gần 500 triệu đồng.
Từ một xóm tình hình an ninh trật tự phức tạp, kinh tế kém phát triển
xóm 14 giờ đã đạt 19 tiêu chí theo bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Thành quả hôm nay, có một phần đóng góp không nhỏ của Bí thư Chi bộ,
Trưởng xóm Trần Thị Phi, bà là tấm gương điển hình trong học tập và làm
theo Bác của thành phố Tuyên Quang giai đoạn 2011 - 2014.
Mỗi nữ bí thư chi bộ thôn, xóm có cách làm riêng tại cơ sở để đạt
được sự thay đổi tích cực về mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội.
Nhưng ghi nhận ở họ là lòng nhiệt tình, tận tâm với công việc. Ở họ đều
thấm nhuần lời dạy của Bác “lấy dân làm gốc” để giải quyết những vấn đề
từ nhân dân, vì nhân dân và cho nhân dân nên đã được người dân đón nhận,
ủng hộ.
Nguồn: baotuyenquang.com.vn, ngày 11/12/2015