Từ hiệu quả mô hình “6 không”
Hội CCB TP Cần Thơ đã thực hiện thành công mô hình “6 không” (không
tội phạm, không ma túy, không mại dâm, không bạo lực gia đình, không
khiếu kiện sai pháp luật và không vi phạm Luật Giao thông đường bộ). Đó
cũng là một trong những mô hình hiệu quả được Đại tá Trần Thành Nghiệp
và Ban Chấp hành Thành hội phát động từ năm 2009, nhằm nâng cao chất
lượng việc thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Qua 5 năm thực hiện (2009-2013) hầu hết hội viên CCB đều thực hiện
nghiêm túc, giúp mọi hội viên CCB và gia đình người thân xây dựng được
nếp sống văn hóa lành mạnh, phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, gương
mẫu, sáng tạo trên mọi mặt công tác, góp phần đẩy mạnh phong trào toàn
dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Từ kết quả đó, Thường trực Thành hội CCB
thấy cần phải nhân rộng mô hình ra toàn dân thực hiện; nên từ năm 2014,
Hội CCB TP Cần Thơ đăng ký mô hình “Dân vận khéo” với Ban Dân vận Thành
ủy bằng hình thức xây dựng “Câu lạc bộ (CLB) 6 không” ở cấp ấp, khu vực,
do cán bộ CCB phụ trách. Đến nay, toàn TP Cần Thơ đã thành lập được 593
CLB “6 không” ở 630 ấp, khu vực, đạt hơn 94% số ấp, khu vực trong toàn
thành phố; 85/85 phường, xã, thị trấn đều có CLB “6 không”.
|
Đại tá, CCB Trần Thành Nghiệp (ngoài cùng, bên phải) nhận Huân chương
Lao động
hạng nhất do Nhà nước tặng tập thể Hội CCB TP Cần Thơ.
|
Các CLB “6 không” đi vào hoạt động có nền nếp đã mang lại hiệu quả
thiết thực, góp phần phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, nói “không”
với bạo lực gia đình, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, nêu cao cảnh
giác, không để bị kẻ xấu xúi giục khiếu kiện trái pháp luật và vận động
người dân ở từng địa bàn chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ, bảo
vệ tính mạng và tài sản cho nhân dân, góp phần bảo vệ an ninh chính trị,
trật tự an toàn xã hội tại cơ sở, được UBND TP Cần Thơ tặng bằng khen.
Đại tá Trần Thành Nghiệp vui vẻ cho biết:
- Xác định tinh thần và trách nhiệm là nền tảng để tạo sức sống cho
phong trào, vượt qua những ý kiến trái chiều, Ban Chấp hành Thành hội
CCB đã xây dựng cụ thể các kế hoạch hoạt động, lãnh đạo, chỉ đạo các cấp
hội nắm bắt chặt chẽ tình hình kinh tế, xã hội và các mối quan hệ của
các CCB và gia đình. Từ đó, có kế hoạch cụ thể phân công các cán bộ và
hội viên gương mẫu đến động viên, giúp đỡ và tuyên truyền cho các hội
viên, con em gia đình hội viên còn hạn chế vươn lên. Đối với CLB “6
không”, Ban Chấp hành Thành hội xác định cần đẩy mạnh công tác phối hợp
với các ban, ngành, đoàn thể, nên đã làm tham mưu cho cấp ủy, chính
quyền địa phương xây dựng quy chế phối hợp và hoạt động. Nhờ vậy, các
CCB phụ trách luôn kịp thời nắm bắt tình hình, làm tốt công tác tham mưu
cho cấp ủy, chính quyền để thực hiện tuyên truyền, giáo dục, vận động
quần chúng nhân dân phòng, chống tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật và
tích cực tham gia xây dựng môi trường văn hóa ở khu dân cư.
Tuổi cao, chí càng cao
Đại tá, CCB Trần Thành Nghiệp sinh năm 1943, trong gia đình có truyền
thống cách mạng ở xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang.
Những năm còn ngồi trên ghế nhà trường, Trần Thành Nghiệp là một trong
những nòng cốt của phong trào thanh niên, học sinh yêu nước của Trường
THPT Châu Văn Liêm (TP Cần Thơ). Tháng 7-1961, khi đang học năm thứ hai,
ông bỏ học tham gia cách mạng;... Tháng 4-1994, đang giữ chức vụ Phó
chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Cần Thơ thì ông được điều động về nhận công
tác tại Thành ủy Cần Thơ. Năm 2006, ông nghỉ hưu và được tín nhiệm bầu
làm Chủ tịch Hội CCB TP Cần Thơ cho đến cuối năm 2014. Người CCB già bộc
bạch chân thành:
- Lúc tuổi đã cao, lại nhận nhiệm vụ mới, nên thời gian đầu tôi cũng
rất bỡ ngỡ. Nhưng nghĩ mình là người lính, mình luôn có đồng chí, đồng
đội ở bên cạnh, nên dù khó khăn, gian khổ đến đâu đều phải phấn đấu vượt
qua.
Trên cương vị mới, ông Nghiệp thấy còn rất nhiều việc cần phải làm
cho đồng chí, đồng đội nói riêng và cho xã hội nói chung. Lúc bấy giờ,
tỷ lệ hội viên CCB nghèo chiếm 4,5% (năm 2006) so với tổng số hộ nghèo
của toàn thành phố. Ông xác định hoạt động của hội trước hết là phải
hướng về các hội viên, giải quyết khó khăn và xây dựng lòng tin yêu của
hội viên đối với tổ chức hội. Vì vậy, ông cùng Ban Chấp hành hội đề ra
nhiệm vụ trọng yếu là: “Xây dựng tình đoàn kết cựu chiến binh cùng vượt
qua đói nghèo” và đưa vào nghị quyết, chương trình hành động của hội,
với chủ trương chủ yếu là tập trung hỗ trợ các CCB đang gặp khó khăn về
nhà ở, để họ có thể “an cư”; từ đó, lãnh đạo, chỉ đạo các cấp hội rà
soát và đưa chỉ tiêu về xây dựng nhà tình nghĩa, tình thương cho các CCB
vào chương trình hành động và nghị quyết lãnh đạo. Ông Nghiệp nhớ lại:
- Khi đưa chỉ tiêu về xây tặng nhà tình nghĩa, tình đồng đội vào nghị
quyết lãnh đạo, không ít cấp hội băn khoăn vì không biết giải quyết khó
khăn về tài chính như thế nào? Và liệu có hoàn thành được chỉ tiêu hay
không? Ban Chấp hành Thành hội đã tổ chức quán triệt về mục đích, ý
nghĩa của việc làm này tới mọi hội viên, còn khó khăn về tài chính thì
được giải quyết theo hai giải pháp: Một là vận động các hội viên, hai là
vận động các doanh nghiệp, mạnh thường quân giúp đỡ.
Để nghị quyết đi vào cuộc sống, các đồng chí trong Ban Chấp hành
Thành hội đã trực tiếp đi vận động các tổ chức chính trị, xã hội và các
nhà hảo tâm. Bản thân ông Nghiệp cũng bôn ba khắp miền Đông, miền Tây
Nam Bộ để tìm gặp những “tấm lòng vàng”, vận động mọi người chung tay
góp sức ủng hộ xây dựng mái ấm tình thương. Từ năm 2007 đến nay, hơn
1.700 căn nhà, tổng trị giá hàng tỷ đồng đã được trao tặng cho các CCB
đang gặp hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt, với sự chung tay đóng góp thêm về
ngày công lao động, vật chất… của các hội viên, nên các công trình
nghĩa tình này đều có chất lượng cao. Nhiều doanh nghiệp như: Bến
xe-tàu-phà Cần Thơ, Công ty Cổ phần xi măng Tây Đô, Công ty Cổ phần cấp
thoát nước Cần Thơ, Công ty Cơ khí điện máy Cần Thơ… rất tín nhiệm và
hằng năm đều ưu đãi hỗ trợ xây tặng CCB nhà tình nghĩa. Cùng với việc
xây nhà mới, ông Nghiệp còn phát động các CCB toàn thành phố đóng góp
hằng năm theo khả năng để tạo nguồn quỹ hỗ trợ cho các hội viên đã có
nhà tình nghĩa, nhưng qua nhiều năm sử dụng đang bị xuống cấp nặng, cần
tu sửa lại.
Cùng với việc giúp CCB “an cư”, ông Nghiệp cùng Ban Chấp hành Thành
hội đẩy mạnh việc “lạc nghiệp” bằng xây dựng phong trào “Cần kiệm thoát
nghèo, nâng cao mức sống”. Theo chủ trương giúp CCB thoát nghèo, từ năm
2011 đến nay, hội viên CCB toàn thành phố đã phát triển được 9 hợp tác
xã, 52 tổ hợp tác, câu lạc bộ làm kinh tế sản xuất, trồng vườn, trồng
rau, làm chậu, trồng hoa cảnh, ươm cá giống, cá thịt; sửa chữa, rửa xe
gắn máy, lắp ráp xe đẩy, làm cửa sắt, cửa nhôm; dạy nghề và thu gom rác
thải… tạo công ăn việc làm cho nhiều hội viên CCB. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ
nghèo và cận nghèo trong CCB đã giảm mạnh: Đầu năm 2011, theo tiêu chí
mới là 469 hộ nghèo (3,87%), cận nghèo 511 hộ (4,29%), qua phấn đấu 4
năm, toàn Thành hội đến cuối năm 2015 còn 18 hộ nghèo (tỷ lệ 0,15%); 46
hộ cận nghèo (tỷ lệ 0,37%); 67/85 phường, xã, thị trấn không còn hộ
nghèo, 4/9 Huyện hội, Quận hội không còn hộ CCB nghèo, gồm: Ninh Kiều,
Bình Thủy, Ô Môn và Cái Răng.
“Thấy Bác lòng ta trong sáng hơn…”
Nhiệt huyết và trách nhiệm của Chủ tịch hội CCB Trần Thành Nghiệp đã
góp phần “truyền lửa” cho các hoạt động của hội. Ví như trong thực hiện
học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, ông Nghiệp và thường
trực Thành hội đã cụ thể hóa chuẩn mực đạo đức Hồ Chí Minh bằng cách đưa
7 đặc trưng phong cách làm việc của Hồ Chí Minh vào cuộc sống của cán
bộ, hội viên CCB, như: Phong cách quần chúng; Phong cách dân chủ tập
thể; Phong cách làm việc khoa học; Phong cách làm việc thiết thực cụ
thể; Phong cách nói đi đôi với làm; Phong cách giản dị; Phong cách nêu
gương… Ở các phòng họp, làm việc của các cấp hội, các điều trên được
khắc bản chữ đẹp, to rõ về 5 chuẩn mực đạo đức, 7 phong cách của Bác, để
mọi cán bộ CCB thường xuyên soi rọi bản thân.
Với phương châm “thấy Bác lòng ta trong sáng hơn”, từ năm 2008, Hội
CCB TP phát động mô hình “Rước ảnh Bác Hồ về treo nơi trang trọng trong
nhà”. Lúc đầu mô hình được phát động đến toàn thể hội viên, sau đó tham
mưu giúp cấp ủy, chính quyền vận động nhân dân rước ảnh Bác Hồ về từng
hộ gia đình, trước hết các cấp hội gương mẫu đi đầu. Do vậy, chỉ trong
một thời gian ngắn, 100% hộ gia đình cán bộ, hội viên CCB đã treo ảnh
Bác ở nơi trang trọng. Thấy việc làm có ý nghĩa to lớn về nhận thức và
tư tưởng, ông Nghiệp và Ban Chấp hành Hội CCB làm tham mưu cho các cấp
chính quyền phát động ra khu dân cư. Việc làm trên được cấp ủy, chính
quyền các cấp đồng tình ủng hộ và có công văn hướng dẫn cho các ngành và
toàn dân thực hiện. Phong trào được lan tỏa rộng khắp, kể cả trong bà
con dân tộc thiểu số, bà con theo các tôn giáo; đặc biệt, nơi thờ tự của
các tôn giáo cũng rước ảnh Bác Hồ về treo tại nơi trang trọng. Đến nay,
100% hộ gia đình cán bộ, hội viên CCB và 99,5% hộ dân toàn TP Cần Thơ
đã treo ảnh Bác Hồ tại nơi trang trọng trong nhà mình.
Nhiều mô hình dân vận có hiệu quả đã góp phần nâng cao chất lượng và
hoạt động của Hội CCB TP Cần Thơ và có tác động sâu sắc đến xã hội như:
Mô hình tổ thu gom rác thải, bảo vệ môi trường; Mô hình thành lập đội
“CCB tham gia tuyên truyền, giữ gìn trật tự an toàn giao thông, trật tự
đô thị”; Mô hình giáo dục truyền thống, CCB thực hiện giữ gìn môi trường
2 sạch (sạch trong nhà, sạch ngoài ngõ) và 1 xanh (xanh đường làng),
tham gia xây dựng nông thôn mới… Với những thành tích xuất sắc, từ năm
2011 đến tháng cuối năm 2015, các cấp Hội CCB TP Cần Thơ được cấp trên
tặng thưởng: 1 Huân chương Lao động hạng nhất, 1 Huân chương Lao động
hạng nhì; 17 Cờ thi đua (trong đó có 2 cờ thi đua của Chính phủ), cùng
nhiều phần thưởng cao quý khác.
- Đã nghỉ công tác hội, nay ông có tham gia các hoạt động nào nữa không? Tôi hỏi.
- Khi xã hội cần, hội cần thì mình vẫn tiếp tục chung tay góp sức. Dù
ít, dù nhiều, nhưng được tiếp tục cống hiến, góp phần giúp đỡ mọi người
và xã hội, đó cũng là niềm hạnh phúc của chính mình-người CCB già Trần
Thành Nghiệp vui vẻ khẳng định như vậy và nắm chặt tay chúng tôi lúc
chia tay…
Nguồn: Qdnd.vn, ngày 12/5/2016