Thứ Hai, 18/11/2024
Người cán bộ dân vận khéo
Dù tuổi đã cao nhưng dì Há vẫn tận tâm với công tác Hội

Trong một lần ốm nặng, được các chị ở Hội PN phường xuống thăm hỏi dù không phải hội viên, cảm động trước tấm lòng của chị em, dì Trần Há tình nguyện “vác tù và”. Là người Việt gốc Hoa và là một giáo viên về hưu, năm 1980 dì Há phụ trách tổ công tác Hoa của Hội PN phường. Khi công tác, dì Há thấy rất ít chị em người Hoa tham gia sinh hoạt, những buổi họp không nhận nhiều ý kiến, phản hồi từ họ. Chịu khó lân la hỏi chuyện, dì biết được không phải chị em “thiếu lửa” với Hội mà do hạn chế tiếng Việt nên ngại thắc mắc, giao tiếp.

Trăn trở làm sao để chị em có thể cởi mở, tham gia sinh hoạt Hội nhiệt tình, dì bắt đầu dịch các nội dung sinh hoạt Hội sang tiếng Hoa. Ngày xưa, điều kiện thiếu thốn, công việc phiên dịch trông nhờ vào... đôi tay. Dì nhớ lại: “Có hôm không có điện, trời tối thui, mắt lại kém nhưng phải chong đèn để dịch cho kịp. Một tay cầm đèn, tay kia thì viết, toàn bộ đều dịch bằng tay, rồi dịch thế nào để chị em dễ hiểu, dễ tiếp thu… nhiều khi mải mê với công việc, trời sáng khi nào không hay.”

Một mặt dì phát tài liệu đã dịch cho hội viên người Hoa, mặt khác vẫn phải tuyên truyền “miệng” bằng tiếng Hoa để chị em hiểu rõ và thực hiện tốt. Trong các buổi sinh hoạt, dì còn đảm nhận vai trò “thông dịch viên”, nhận lời đi báo cáo chuyên đề ở cấp Hội cơ sở. Từ đó mà thu hút hội viên người Hoa tham gia sinh hoạt Hội.

Khu dì Há ở, phần đông là bà con người Hoa buôn bán nhỏ kiếm sống. Thiệt thòi của chị em là vốn tiếng Việt không nhiều nên ít quan tâm đến các chính sách, vấn đề xã hội, nhất là thông tin đời sống, pháp luật. Để trang bị kiến thức cho chị em, dì Hà mở “kênh” thông tin tiếng Hoa ngay tại tổ mình. Không rành về công nghệ, dì nghĩ đến cách “truyền thống” là góp nhặt, sưu tầm các thông tin, mẩu chuyện về đời sống, pháp luật trên báo, ti vi, qua bản tin tổ dân phố, phường… rồi tuyên truyền lại cho các chị em người Hoa bằng tiếng Hoa. Bằng hình thức này, dì dễ vận động người dân nghe theo, làm theo bởi họ cảm thấy gần gũi và dễ hiểu khi nghe tiếng “mẹ đẻ”.

Hình thức dân vận của dì cũng rất đa dạng, ngoài tuyên truyền qua con chữ, lời nói, dì còn “thử sức” với việc dàn dựng tiểu phẩm diễn bằng tiếng Hoa. Thông qua các nội dung, chủ đề tuyên truyền như bảo vệ môi trường, phòng cháy chữa cháy, “năm không, ba sạch”, nuôi dạy con tốt… dì Há viết kịch bản, vận động hội viên, chị em người Hoa tại khu phố tham gia đóng kịch. Bằng hình thức này, mọi người sẽ được trang bị kiến thức, nâng cao trình độ nhận thức và chấp hành tốt hơn.

Từ khi tham gia công tác Hội đến nay, kiêm nhiệm nhiều lĩnh vực khác nhau, nhưng “sở trường” chính của dì Há là dân vận. Dì bảo vui: “Hình như dì có duyên với “nghề đi nói” của mình, ngày nào không nói, dì chịu không nổi”. Hết nhắc nhở người dân giữ gìn vệ sinh môi trường lại quay qua hòa giải mâu thuẫn gia đình, hàng xóm…

Lối sống, văn hóa, cách sinh hoạt hàng ngày của người Hoa khác người Việt, muốn làm tốt thì phải khéo léo, nhẹ nhàng với họ. “Mưa dầm thấm lâu” là phương pháp làm việc của dì, và bí quyết để hoàn thành nhiệm vụ là bản thân phải lì mới “trụ” được.

Tất bật cả ngày với “núi” công việc dù ở tuổi 70, nhưng dì Há vẫn đi miết. Có lúc bệnh khớp trở nặng, dì tổ chức tuyên truyền ngay tại nhà, mời chị em đến nghe. Bởi cách cư xử dung hòa, sống giản dị và tận tụy với công việc nên dì Há được nhiều người yêu mến.

Bà Trần Há (sinh năm 1946)

- Tổ trưởng PN kiêm tổ trưởng công tác Hoa của phường.

- Thời gian công tác Hội: 35 năm.

- Huy chương “Vì sự nghiệp giải phóng PN” năm 1998.

- Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp dân số, gia đình và trẻ em”.

- Bằng khen của Hội LHPN TP về Phong trào thi đua yêu nước năm 2006 - 2009.

Sáu bằng khen của UBND TP.

Nguồn: phunuonline.vn, ngày 24/7/2016

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất