Thứ Tư, 8/1/2025
Dân vận khéo là "hạt nhân" để phát triển

Đồng chí Nguyễn Thị Minh - Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Đạ Tẻh cho biết, nhận thức đúng vai trò, tầm quan trọng của công tác dân vận; những năm qua, với sự tham mưu của Ban Dân vận, Huyện ủy - UBND huyện đã chỉ đạo Mặt trận, các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các địa phương thực hiện tốt công tác quan trọng này. Theo đó, cán bộ dân vận, đoàn thể chính trị, xã hội phối hợp với chính quyền cơ sở đến từng thôn, xóm, tổ dân phố, khu phố tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; tập trung lao động sản xuất; xóa bỏ tập tục cổ hủ, lạc hậu; xây dựng nếp sống văn hóa... Từ đó, làm dấy lên phong trào thi đua “Dân vận khéo” rộng khắp trong toàn huyện trên mọi lĩnh vực: Kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, xây dựng nông thôn mới (NTM)...

Trong lĩnh vực kinh tế - xã hội, các cấp, các ngành đã vận động nhân dân mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; chủ động vươn lên thoát nghèo. Nhờ vậy, đã xuất hiện ngày càng nhiều những mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, như: Mô hình trồng cà phê dưới tán điều của Hội Cựu chiến binh xã Đạ Lây; mô hình “Cải tạo vườn tạp trồng cây ăn trái, tre tầm vông” của xã Hương Lâm; mô hình “Trồng lúa chất lượng cao” của thị trấn Đạ Tẻh và một số xã; mô hình “Tiết kiệm giúp nhau phát triển kinh tế gia đình” của phụ nữ xã Đạ Pal, Quảng Trị, Triệu Hải, Đạ Lây, Đạ Kho...

Cùng với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, việc vận động đoàn viên, hội viên hưởng ứng các phong trào thi đua; các cuộc vận động do Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương phát động cũng được Mặt trận, các đoàn thể tiến hành thường xuyên, hiệu quả. Nhờ vậy, đã xuất hiện nhiều mô hình thể hiện tinh thần “tương thân, tương ái” giúp nhau lúc khó khăn, hoạn nạn trong cuộc sống như: Mô hình “Hũ gạo tình thương”, “Nhiều người giúp một người” của Hội Chữ Thập đỏ; mô hình “Không rải giấy vàng mã trên đường đưa tang”, “Hiếu để tri ân”, “Toàn dân khuyến học” của Hội Người cao tuổi; mô hình “Không sinh con thứ 3”, mô hình “Hiến máu tình nguyện” của Huyện Đoàn; mô hình “Vận động đồng bào dân tộc thiểu số xóa bỏ tập tục lạc hậu” của Hội Cựu chiến binh...

Trong lĩnh vực quốc phòng - an ninh, với sự tuyên truyền, vận động của cán bộ dân vận, Mặt trận, các đoàn thể phối hợp với Công an, huyện đội; phong trào thi đua “Dân vận khéo” đạt được những kết quả khả quan. Nhân dân đã nâng cao ý thức tự giác chấp hành nghĩa vụ quân sự, thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội, tổ chức nhiều hoạt động giao lưu, kết nghĩa, thăm hỏi động viên thanh niên lên đường nhập ngũ. Địa phương đã tranh thủ sự ủng hộ của các chức sắc tôn giáo, già làng, trưởng bản, người có uy tín để động viên đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao ý thức chấp hành chủ trương, đường lối, chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng, Nhà nước; chấp hành tốt pháp luật; nâng cao tinh thần cảnh giác; không để kẻ xấu lợi dụng, kích động gây rối, chống phá Đảng - Nhà nước - chính quyền địa phương; tích cực tham gia phòng chống tội phạm... Từ đó, xuất hiện nhiều mô hình, nhiều CLB có ý nghĩa thiết thực trong lĩnh vực an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội như: Mô hình “Hòa giải ở khu dân cư” của MTTQ; mô hình “Tổ tự quản” của Hội Cựu chiến binh; mô hình “Dòng họ không vi phạm an ninh trật tự”, “Khu dân cư đảm bảo tốt trật tự an toàn giao thông” tại các xã, thị trấn; CLB “Phụ nữ với kiến thức pháp luật” của Liên hiệp Phụ nữ huyện; CLB “An toàn giao thông, phòng chống tội phạm” của Đoàn TNCS, Hội Cựu chiến binh...

Trong lĩnh vực xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; thông qua phong trào thi đua “Dân vận khéo”, Mặt trận và các đoàn thể đã vận động cán bộ, đảng viên, nhân dân trong huyện tích cực tham gia góp ý xây dựng tổ chức cơ sở đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp trong sạch vững mạnh, vững mạnh toàn diện để nâng cao năng lực lãnh, chỉ đạo, quản lý, điều hành. Đồng thời, vận động quần chúng bằng những việc làm cụ thể, thiết thực như: tham gia góp ý cho cán bộ, đảng viên, tích cực đi bầu cử Quốc hội, HĐND các cấp; góp ý về cải cách thủ tục hành chính, thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở…

Đặc biệt, trong lĩnh vực xây dựng NTM, qua công tác tuyên truyền, vận động của các cấp, các ngành, người dân trên địa bàn huyện đã nhận thức đúng đắn, sâu sắc về mục đích, ý nghĩa của phong trào xây dựng NTM, nên tích cực đóng góp sức người, sức của trong xây dựng kết cấu hạ tầng cơ sở, phát triển sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa ở nông thôn. Nhờ vậy, đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu trong phong trào thi đua xây dựng NTM như: Một số hộ dân ở thôn 10, xã Đạ Kho đã đóng góp 30 triệu đồng/hộ để làm đường liên thôn, liên xã; hộ ông Mai Ngọc Chiến ở thôn 3, xã Triệu Hải đã vận động 4 hộ trong thôn đóng góp 27 triệu đồng và hiến hàng trăm mét vuông đất, hàng chục cây trồng để làm đường bê tông dài 210m hay như các thành viên của Chi hội Người cao tuổi xã An Nhơn đóng góp hàng chục triệu đồng, hàng trăm mét vuông đất để làm đường giao thông nông thôn trên địa bàn xã...

Trên cơ sở tuyên truyền, vận động của các cấp, các ngành, hơn 5 năm qua phong trào thi đua “Dân vận khéo” tại huyện Đạ Tẻh đã có đến 312 mô hình đăng ký “Dân vận khéo” và qua thẩm định một cách thận trọng, chặt chẽ, đã có 177 mô hình tập thể, cá nhân được Ban Dân vận Huyện ủy công nhận, trong đó, có nhiều mô hình xuất sắc được Hội đồng thi đua huyện và Ban Dân vận Tỉnh ủy khen thưởng. “Những mô hình này là hạt nhân, là động lực lớn để phong trào thi đua “Dân vận khéo” của Đạ Tẻh tiếp tục phát triển, nhân rộng, góp phần quan trọng vào sự phát triển mạnh kinh tế - xã hội của địa phương trong những năm tới” – đồng chí Nguyễn Thị Minh khẳng định.

Nguồn: baolamdong.vn, ngày 10/8/52016

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất