Thứ Năm, 9/1/2025
Cựu chiến binh Hoàng Minh Huề với nhiều việc làm thiết thực vì nhân dân
Cựu chiến binh Hoàng Minh Huề chăm sóc cây cảnh trong nghĩa trang liệt sĩ xã Quảng Văn.

Tháng 9-1978, anh vào học Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, sau khi tốt nghiệp anh về dạy tại Trường lái xe máy thuộc Binh đoàn 12 ở thị xã Đông Hà, tỉnh Quảng Trị. Tháng 2-1991, Hoàng Minh Huề nghỉ hưu với quân hàm thiếu tá. Được sự tín nhiệm của cán bộ và nhân dân trong xã, năm 2006, ông được bầu làm Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Quảng Văn. Năm 2011, ông được bầu làm Phó Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Văn Phú.

Thôn Văn Phú hiện có 702 hộ gia đình với 2.700 khẩu, tỷ lệ giáo dân chiếm 97%; 2/3 dân sống trên đất liền; 1/3 dân sống trên thuyền. Thời điểm ông được bầu làm trưởng thôn, trình độ dân trí của người dân trong thôn thấp; các tổ chức chính trị hoạt động kém hiệu quả, an ninh tôn giáo, trật tự an toàn xã hội, an ninh nông thôn còn nhiều bất cập; tài sản của thôn ngoài nhà cấp 4, diện tích 60 m2 đã xuống cấp nghiêm trọng để làm hội trường và còn nợ của nhân dân 36 triệu đồng; có 37% hộ gia đình nghèo; nhiều hộ gia đình không có đất ở. Chi bộ hơn 10 năm không kết nạp được thêm đảng viên, nội bộ thiếu sự đoàn kết. Trước tình hình đó, ông đã tham mưu với chi bộ tập trung chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp như: nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, đấu tranh tự phê bình và phê bình, nói thẳng, nói thật, nêu rõ yếu điểm tồn tại của từng đảng viên trong thời gian qua, đề ra phương hướng khắc phục trong thời gian tới. Đồng thời, cũng cố lại các tổ chức chính trị - xã hội; quán triệt chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức hội, tạo chuyển biến về nhận thức và hành động trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị; vận động thành lập đội tàu đánh bắt cá xa bờ, thành lập 5 tổ vay vốn do các chi hội cựu chiến binh đảm nhận việc hướng dẫn bà con làm thủ tục vay và chịu trách nhiệm quản lý nguồn vốn dân vay trên 8 tỷ đồng của ngân hàng. Vì vậy, ngân hàng yên tâm cho bà con vay vốn phát triển sản xuất. Bà con vay vốn đóng tàu đánh bắt cá xa bờ, cho con em ra nước ngoài làm việc, mở mới kinh doanh các ngành cung ứng vật tư, xăng dầu, lương thực, thực phẩm, đá lạnh và các dịch vụ khác phục vụ cho ngư dân đánh bắt cá xa bờ; nhờ đó, nghề đánh bắt cá ngày càng phát triển.

Ban đầu, toàn thôn có 8 chiếc tàu đã cũ, công suất dưới 400CV; đến nay đã có 30 chiếc, trong đó 90% tàu đóng mới có công suất từ 700 CV đến 800 CV. Hằng năm, sản lượng đánh bắt cá tăng từ 50 đến 100% so với chỉ tiêu. Đặc biệt, năm 2014, tổng sản lượng đánh bắt được 5.800 tấn, tăng 300% so với kế hoạch, mức thu nhập bình quân mỗi lao động trực tiếp đánh bắt cá từ 7 triệu đồng đến 10 triệu đồng/tháng; tạo việc làm mới cho gần 400 lao động; mở mới nghề đóng mới và sửa chữa tàu, thuyền cho 40 đến 50 lao động với mức thu nhập bình quân mỗi tháng từ 5 đến 6 triệu đồng và tạo cho 200 lao động làm nghề vá lưới, có thu nhập bình quân từ 1,5 đến 2 triệu đồng/tháng. Đã có gần 150 lao động xuất khẩu sang nước ngoài; hằng tháng gia đình có con em đi xuất khẩu lao động gửi tiền về bình quân từ 2 đến 2,5 tỉ đồng, góp phần giảm nghèo rõ rệt. Nếu như năm 2011, có 37% hộ gia đình nghèo (theo tiêu chí cũ), thì cuối năm 2015, chỉ còn 12,1% hộ gia đình nghèo (theo tiêu chí mới).

Ngoài ra, ông còn thành lập tổ an ninh thôn với các thành viên là trưởng thôn, công an viên, thôn đội trưởng, ban chấp hành chi hội cựu chiến binh, thường xuyên tuần tra, trấn áp tội phạm. Nhờ đó, tình trạng thanh, thiếu niên bỏ học, chơi bời lêu lỏng, sa vào đánh bạc, nghiện rượu gây gỗ đánh nhau bằng hung khí đối với con em trong thôn cũng như con em nơi khác đến nay đã chấm dứt. Là trưởng thôn, ông luôn có những việc làm vì lợi ích cho người dân, bảo vệ môi trường sinh thái và vẻ đẹp của cảnh quan thôn xóm, đồng thời trong mỗi phong trào ông đều tự nguyện đóng góp tiền và ngày công của mình. Tiêu biểu như khi nhìn thấy 4 ngôi mộ cổ trong miếu thờ Thành hoàng làng ở khuôn viên Trường Tiểu học số 2 Quảng Văn đã xuống cấp trầm trọng, ông đã gặp dòng họ Hoàng, họ Phạm đang sống ở thành phố Hồ Chí Minh và thủ đô Hà Nội để tuyên truyền, thuyết phục, vận động hai dòng họ này đồng ý di dời 4 ngôi mộ cổ ra khỏi khuôn viên nhà trường. Sau nhiều lần thuyết phục, cuối cùng hai dòng họ đã đồng ý cho việc di dời 4 ngôi mộ cổ. Phấn khởi, ông tiếp tục tìm tòi, nghiên cứu và tự thiết kế bản thi công miếu Thành hoàng và lăng mộ để an táng 4 vị tiền bối bảo đảm khang trang. Ngoài ra, ông còn tích cực vận động các cơ quan ủng hộ trên 100 triệu đồng, nhờ đó việc di dời 4 ngôi mộ cổ và tôn tạo lại miếu Thành hoàng được tiến hành thuận lợi, đúng nghi lễ an táng, được mọi người khen ngợi; trực tiếp giải phóng mặt bằng giúp cho Trường Tiểu học số 2 Quảng Văn xây thêm 6 phòng học mới cho các em học sinh.

Thấy con đường rộng 2,7m, dài 800m chạy dọc sông Gianh, nằm sát hàng rào của 80 ngôi nhà có nguy cơ xói lở, sụp đổ, gây cản trở giao thông khi nước lũ dâng cao, ông đã xin ý kiến lãnh đạo cho phép được lấp đất lấn thêm 8m về phía sông. Được sự đồng ý của lãnh đạo, ông đã đến từng nhà dân tuyên truyền, giải thích, vận động, đến nay 80 gia đình đã góp 800 triệu đồng để xây đường bờ kè dọc bờ sông Gianh. Con đường bờ kè hình thành không những trở thành tấm bình phong vững chắc bảo vệ tài sản cho 80 hộ gia đình khi mùa nước lũ dâng cao mà còn tạo được khuôn viên cho sinh hoạt cộng đồng.

Năm 2013, khi cơn bão số 10 ập đến, mặc dù tuổi cao, nhưng ông vẫn cùng với gần 100 người dân 3 ngày đêm liền dầm người dưới nước lũ, phơi mình dưới nắng gắt để đào đất, kích kéo hơn chục chiếc tàu, thuyền bị mắc cạn bên bờ sông Gianh. Ông còn phân bố bảo đảm công bằng số tiền, quần áo, lương thực, thực phẩm và các mặt hàng dân dụng khác của trên 20 đoàn đến thăm, ủng hộ sau bão số 10 nên được sự đồng thuận cao của bà con trong thôn. Năm 2012, ông tích cực vận động xin tài trợ và thành lập Đội thuyền đua của xã Quảng Văn tham gia giải đua của tỉnh nhân kỷ niệm 55 ngày Bác Hồ về thăm Quảng Bình. Đội thuyền đua của xã đã giành giải Nhất, phá kỷ lục so với những năm trước đây.

Khi thấy Trường Tiểu học số 2 Quảng Văn không đủ tiêu chí công nhận trường đạt chuẩn quốc gia vì khuôn viên quá chật hẹp, ông đã vận động chủ của hồ nuôi trồng thủy, hải sản trả lại diện tích 3.800m2, đồng thời vận động các cơ quan ủng hộ được 116 triệu đồng để giải phóng mặt bằng và hỗ trợ khó khăn cho gia đình chủ hồ nuôi trồng thủy, hải sản. Ông còn tích cực vận động và được bà con đóng góp 255 triệu đồng phục vụ việc san lấp mặt bằng làm đường, xây dựng nghĩa trang liệt sĩ và 200 triệu đồng xây dựng nhà văn hóa thôn. Bản thân ông tự bỏ ra trên 8 triệu đồng để đi mua các cây cổ thụ quý hiếm trồng xung quanh hàng rào nghĩa trang liệt sĩ. Mặc dù nghĩa trang liệt sĩ cách nhà gần 2km nhưng ông vẫn thường đến quét dọn, làm vệ sinh, tưới cây. Được sự chăm sóc chu đáo của ông, đến nay đã có 50 cây xanh ở bốn mặt hàng rào nghĩa trang liệt sĩ và hơn 40 cây cảnh ở trong khuôn viên nghĩa trang luôn xanh tươi, khoe sắc, vươn cao, tỏa bóng; không những làm cho khung cảnh nghĩa trang thêm đẹp, mà còn thể hiện tấm lòng của cán bộ, nhân dân xã Quảng Văn với những linh hồn anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập, tự do và hạnh phúc của nhân dân.

Những việc làm tận tụy, tận tâm của cựu chiến binh Hoàng Minh Huề đã góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong thôn Văn Phú, củng cố lòng tin của giáo dân đối với cấp ủy, chính quyền. Chi bộ thôn Văn Phú nhiều năm liền được công nhận trong sạch vững mạnh. Đường làng, ngõ xóm được bê tông hóa, sạch đẹp, thuận tiện giao thông đi lại; bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, thay da, đổi thịt. Năm 2016, cựu chiến binh Hoàng Minh Huề đã vinh dự được tặng Bằng khen điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ chí Minh.

Nguồn: xaydungdang.org.vn, ngày 28/7/2016

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất