Phong trào thi đua "Dân vận khéo" và hoạt động của các mô hình, tổ dân
vận ở huyện Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng thời gian qua đã huy động được sức mạnh tổng hợp, tạo sức
lan tỏa trong nhân dân, góp phần xây dựng hạ tầng cơ sở, phát triển
kinh tế, tăng thu nhập cho người dân, giữ vững an ninh chính trị, trật
tự, an toàn xã hội, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.
|
Nông dân huyện Trà Lĩnh trồng cây quýt đạt hiệu quả kinh tế cao. |
Phong trào thi đua "Dân vận khéo" được các cấp, các ngành tập trung
hướng về cơ sở, cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo của cấp trên và điều kiện
thực tiễn của địa phương, triển khai thực hiện phong trào “Dân vận
khéo” lồng ghép với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ
Chí Minh, các phong trào thi đua yêu nước, việc thực hiện các nhiệm vụ
chính trị của địa phương, đơn vị.
Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Trà Lĩnh Hoàng Thị Nha cho biết: Trên cơ sở
kết quả phong trào “Dân vận khéo” những năm qua, năm 2016, Ban Chỉ đạo
thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” huyện Trà Lĩnh ra văn bản
yêu cầu rà soát, kiện toàn lại Ban chỉ đạo cấp xã, thị trấn và các tổ
dân vận; MTTQ và các đoàn thể xây dựng kế hoạch cụ thể, phù hợp với thực
tiễn nhiệm vụ của từng ngành, đưa nội dung “Dân vận khéo” vào chương
trình công tác hằng tháng, quý, năm; tổ dân vận các xóm/tổ dân phố đăng
ký nội dung thực hiện “Dân vận khéo”. Trong quá trình tổ chức thực hiện,
các địa phương, đơn vị tiến hành rà soát, đánh giá các mô hình, lựa
chọn những mô hình điển hình, có hiệu quả để tiếp tục nâng cao chất
lượng và nhân rộng, đồng thời quan tâm xây dựng các mô hình mới.
6 tháng đầu năm 2016, 10/10 xã, thị trấn của huyện đã đăng ký nội dung
“Dân vận khéo”, 121 tổ dân vận đăng ký thực hiện “Dân vận khéo” ở các
lĩnh vực, tập trung vào một số nội dung, như: vận động nhân dân thực
hiện quy ước xóm, hòa giải các công việc trong xóm, giải phóng mặt bằng,
thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí
Minh, đảm bảo vệ sinh môi trường, phát triển sản xuất… Cụ thể như: Tổ
dân vận xóm Bản Líp, xã Cao Chương đăng ký vận động nhân dân xây dựng
xóm không có tệ nạn xã hội, tệ nạn ma túy, không sinh con thứ 3 trở lên;
Tổ dân vận xóm Vững Bền, xã Quang Hán vận động nhân dân trồng cây ăn
quả, vỗ béo trâu, bò; Tổ dân vận xóm Lũng Táo, xã Quốc Toản vận động
nhân dân thực hiện tốt quy ước, hương ước xóm; Tổ dân vận xóm Sác Hạ, xã
Quang Trung vận động nhân dân làm đường nông thôn...
Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, các tổ dân vận thường xuyên nắm
bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, vận động nhân dân áp dụng tiến bộ
khoa học kỹ thuật, đưa các giống mới vào sản xuất; tạo điều kiện cho
hội viên, đoàn viên và nhân dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát
nghèo. Xuất phát từ thực tế những năm qua, quýt Trà Lĩnh được người tiêu
dùng trong và ngoài và tỉnh biết đến bởi vị ngọt, mùi thơm rất riêng
biệt; tuy nhiên, sản xuất còn manh mún, chất lượng chưa thực sự tốt và
ổn định, giá bán khó cạnh tranh trên thị trường. Các tổ dân vận ở thị
trấn Hùng Quốc và các xã: Quang Hán, Cao Chương, Lưu Ngọc vận động nông
dân chuyển đổi diện tích đất vườn và ruộng thiếu nước trồng ngô, khoai
lang, sắn…, sang trồng quýt. Từ đó, một số hộ dân đã thâm canh, chăm sóc
cây quýt theo quy trình kỹ thuật khoa học, do đó cây quýt phát huy giá
trị, mang lại thu nhập cho mỗi hộ từ 200 - 300 triệu đồng/vụ, nhiều hộ
đã thoát nghèo và từng bước vươn lên làm giàu. Các tổ dân vận vận động
nhân dân phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, Sở Khoa học và
Công nghệ triển khai thực hiện Dự án Xây dựng, quản lý và phát triển
nhãn hiệu tập thể “Quýt Trà Lĩnh” cho sản phẩm quả quýt của huyện Trà
Lĩnh. Đến nay, quýt Trà Lĩnh đã được cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu
tập thể, giúp người dân và chính quyền địa phương quảng bá sản phẩm
quýt, bảo vệ quyền lợi của người sản xuất và người tiêu dùng, nâng cao
giá trị kinh tế, thị phần trên thị trường trong và ngoài tỉnh, đưa cây
quýt trở thành cây trồng chủ lực đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp
người dân trên địa bàn huyện nâng cao thu nhập và vươn lên làm giàu.
Bên cạnh đó, các tổ dân vận vận động nhân dân thực hiện phong trào “Toàn
dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, giáo dục, tuyên truyền nhân
dân nâng cao nhận thức về quốc phòng - an ninh, tham gia bảo vệ chủ
quyền an ninh biên giới quốc gia; thường xuyên nắm tình hình dân tộc,
tôn giáo, đơn thư khiếu nại, tố cáo và những tranh chấp, mâu thuẫn trong
nội bộ nhân dân, kịp thời báo cáo chi ủy, đề xuất giải pháp giải quyết,
góp phần xây dựng cộng đồng dân cư đoàn kết, giúp nhau cùng tiến bộ.
Nhiều mâu thuẫn, vấn đề phức tạp nảy sinh được phản ánh kịp thời với cấp
ủy Đảng để có chủ trương giải quyết sớm, không để phát sinh thành “điểm
nóng”. Nhiều tổ trưởng tổ dân vận nhiệt tình, trách nhiệm, sâu sát cơ
sở, “khéo” vận động nhân dân, được nhân dân tin tưởng, quý mến. Tiêu
biểu như ông Nông Văn Sy, Tổ trưởng Tổ dân vận xóm Bản Hía, thị trấn
Hùng Quốc, là bí thư chi bộ gương mẫu, đi đầu trong các phong trào hoạt
động của xóm. Xác định, muốn lời nói của mình có sức thuyết phục, trước
hết phải gần gũi với dân, lấy dân làm gốc, lắng nghe những tâm tư,
nguyện vọng của dân, từ đó mới được dân tin và làm theo, ông Sy thường
xuyên đi cơ sở, đến từng gia đình, gặp từng người dân trong xóm để nói
chuyện, vận động bà con bám đất, bám làng, không nghe và không tin theo
những lời xúi giục của kẻ xấu; vận động nhân dân tham gia tu sửa đường
nông thôn, điện thắp sáng, xây nhà văn hóa.
Qua phong trào thi đua “Dân vận khéo”, nhân dân tích cực tham gia các
cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước; đóng góp công sức, tiền,
hiến đất xây dựng đường nông thôn, các công trình thủy lợi, công cộng
phục vụ dân sinh; năng động phát triển kinh tế hộ và thực hiện Chương
trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, góp phần thực hiện mục
tiêu nghị quyết của Đảng các cấp đề ra.
Nguồn: baocaobang.vn, ngày 26/7/2016